Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nước Anh mở chiến dịch tuyên truyền chống nô lệ từ Việt Nam

Đăng ngày:

Nước Anh đang tăng cường các chiến dịch truyền thông để chống nạn nô lệ thời hiện đại, bao gồm từ khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc nơi sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, cho đến những hoạt động ngăn chặn các đường dây buôn người vào nước Anh, mà người Việt hiện đang ở trong nhóm đáng chú ý nhất.

Một bức hình minh họa về tình trạng nô lệ trẻ em tại Anh Quốc.
Một bức hình minh họa về tình trạng nô lệ trẻ em tại Anh Quốc. HARINGEY COUNCIL / AFP
Quảng cáo

Thông tín viên Lê Hải ở Luân Đôn điểm qua một số câu chuyện đáng chú ý về hoạt động chống nô lệ của nước Anh, mà ảnh hưởng đang lan rộng ra toàn thế giới.

Lê Hải: "Với nhiều người thì nạn mua bán nô lệ đã là chuyện của quá khứ, nhưng với tư duy nhân đạo như nước Anh thì nô lệ thời hiện đại là những hoạt động kinh doanh mang tính bóc lột người lao động, bắt họ làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt với đồng lương quá ít ỏi.

Trên truyền thông người ta thường thấy những quảng cáo của chính phủ cảnh báo kiểu như là nếu bạn thấy nơi nào rửa xe với giá dưới 5 bảng, tức khoảng chừng 150.000 đồng tiền Việt, thì đó gần như chắc chắn là nơi lao động khổ sai của nô lệ thời hiện đại.

Số tiền này kém xa mức lương tối thiểu cho một giờ làm việc ở Anh, nhưng phần nào lại quá cao so với thu nhập trung bình ở các nước khác như là Việt Nam, cho nên kéo theo tình trạng di dân chấp nhận vào Anh sống trong điều kiện khắc khổ để kiếm tiền mang về nước.

Không chỉ dân Việt Nam mà nhiều người dân Đông Âu cũng chấp nhận để cho các ông chủ nô lệ thời hiện đại bóc lột, mà chính phủ là cơ quan giải thích rồi giúp họ đòi lại công bằng. Hồi năm 2016 một nhóm chủ nô ở Anh phải bồi thường 1 triệu bảng Anh cho 6 công dân Litva vì bắt họ làm việc khổ sai trong trại nuôi gà lấy trứng.

Cũng hồi năm ngoái một chủ xưởng sản xuất giường bị kết án đã biến công nhân người Hungary thành nô lệ. Trên một chiếc tàu thả neo ngoài khơi Bristol, thủy thủ đoàn bị nợ lương và phải uống nước biển cũng được coi là bị giới chủ đối xử như nô lệ, và cần phải được bồi thường thỏa đáng."

Mới đây, cựu lãnh đạo cảnh sát Anh là Sir Bernard Hgan Howe lên tiếng kêu gọi có thêm hành động để chống lại nạn nô lệ ở Anh, trong một cuộc điều tra kéo dài mà ông đang chỉ đạo cho nhật báo tin chiều Evening Standard.

Bộ luật chống nô lệ thời hiện đại được nước Anh thông qua vào năm 2015, yêu cầu các công ty có giá niêm yết trên thị trường chứng khoán nhiều hơn 36 triệu bảng Anh cần phải đăng tải trên trang mạng của mình các biện pháp đã thực hiện để chống nạn lao động khổ sai, bao gồm cả qui trình sản xuất ở nước ngoài.

Điều tra của tờ nhật báo Guardian tại Thái Lan cũng cho thấy rõ điều tra điều kiện làm việc và lương bổng ở các nhà máy chế biến đồ hải sản để xuất khẩu sang Anh, và ghi nhận tình trạng lao động nô lệ ở đây. Một cuộc điều tra khác hồi tháng 9/2017 về tình hình sản xuất đá hoa cương của Ấn Độ đã kéo theo quyết định của tập đoàn bán lẻ John Lewis và Habitat ngưng nhập đá xây dựng từ nước này.

Tổ chức Human Rights Watch thì ghi nhận tình trạng bóc lột và sử dụng có hệ thống lao động trẻ em trong ngành sợi bông ở Uzbekistan. Năm 2016, hàng may mặt từ Bangladesh xuất khẩu sang Anh cũng gặp khó khăn sau chuyện một cậu bé 9 tuổi bị tra tấn đến chết trong một nhà xưởng ở Dakar.

Tương tự vậy, nguyên liệu để sản xuất sô-cô-la từ các cánh đồng ca-cao ở Bờ biển Ngà và Ghana cũng liên quan đến tình trạng lao động trẻ em bị đánh đập và nợ lương. Nhưng một trong số những câu chuyện khiến người ta quan tâm nhất về nạn nô lệ thời hiện đại là các đường dây buôn người từ Việt Nam sang Anh.

Phóng sự của đài truyền hình Al Jazeera ghi lại lời thuật của một nhân vật tên Toàn bị đưa lậu từ Việt Nam vào Anh năm 15 tuổi. Bố mẹ cậu đều chết cả từ năm lên 10, nên được nuôi trong một trại trẻ mồ côi của nhà thờ. Sau khi cha chết thì người mẹ ốm đau của cậu bắt đầu nợ tiền của bang đảng cho vay nặng lãi.

Giờ thì băng đảng này đến đòi tiền và yêu cầu nhà thờ phải ký giấy chuyển nhượng nhà, rồi dùng vũ lực khi bị từ chối. Nạn nhân kể lại với phóng viên truyền hình chuyện bị chặt ngón tay, rồi bị bắt đi làm thuê và vài năm sau được cảnh sát tìm thấy trong một trại trồng cần sa ở Anh.

Lê Hải : "Phóng viên đài truyền hình Al Jazeera tìm đến thành phố Vinh ở tỉnh Nghệ An, quê của nhân vật tên Toàn hay Tuấn, nơi được coi là điểm nóng buôn người ra nước ngoài lao động khổ sai. Những câu chuyện kiểu như vậy nay đang trở thành lời khai phổ biến khi họ sang đến nước Anh này, mà thực sự rất khó kiểm chứng mức độ thực hư.

Hầu như ai cũng là trẻ con, sống lang bạt trên đường phố không có địa chỉ cụ thể, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một số người theo đạo hay là gặp rắc rối gì đó với các băng đảng xã hội đen cho vay nặng lãi.

Phóng viên đài truyền hình còn thuê người lắp camera bí mật quay lại cảnh nói chuyện với một đường dây đưa người ra nước ngoài chỉ đi mất có 20 ngày là sang đến nơi. Với giá 32.000 USD là đủ cho một chuyến đi được quảng cáo là bay sang Nga, trung chuyển sang Ba Lan, rồi Pháp và từ đó vượt biển vào Anh.

Đi theo lời mô tả của đầu mối dẫn đường, phóng viên báo dễ dàng tìm thấy một người khác đã nhập cảnh trái phép vào Anh và đang làm trong tiệm nail, kể lại những bất ngờ trên đường đi."

Một cô gái làm việc trong tiệm nail đã kể lại với phóng viên đài Al Jazeera chặng đường vượt biên vào Anh, không chỉ phải ngồi hàng chục tiếng trên xe tải, mà có lúc phải tưới xăng lên người để chó nghiệp vụ không phát hiện thấy.

Không dám ăn, không được uống gì và phải quấn tã như trẻ con. Trước đó thì cô bay từ Việt Nam sang Đài Loan, rồi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp, sau đó là sang Pháp chờ chuyến để chui vào trong xe công-ten-nơ vào Anh.

Sang đến nơi, không có giấy tờ tùy thân để cư trú hợp pháp trên đất Anh, thì những người vượt biên sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ lao động. Phụ nữ thường đi làm nail, còn đàn ông thì dễ tìm việc trong các trại trồng cần sa tài mà, như câu chuyện với một người như vậy, với chất giọng Nghệ Tĩnh vẫn còn đậm đà khó nghe với phóng viên đài truyền hình.

Lê Hải : "Khi bị bắt trong trại cần sa, đa số người Việt ở trong đó khai mình là trẻ em, và là nạn nhân của đường dây buôn người, bị bắt lao động khổ sai ở trong đó. Theo luật nhân đạo của nước Anh thì khi có người khai như vậy trước hết bộ xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc cho trẻ em đó, đưa các em về sống trong các gia đình nhận nuôi, gọi là hệ thống gia đình foster care, một dạng nhận con nuôi tạm thời.

Mới gần đây một tổ chức chống buôn bán trẻ em là ECPAT UK cảnh báo rằng từ năm 2015 cho đến nay có trên 150 trẻ em người Việt được giải cứu khỏi những kẻ buôn người ở Anh, nhưng sau đó lại biến mất khỏi nhà người nuôi dưỡng, mà người ta nghi là các em có thể bị tóm bắt trở lại để tiếp tục làm nô lệ.

Báo cáo cho thấy trẻ em Việt Nam đa số là bỏ trốn, và Việt Nam nằm trong danh sách 3 nước hàng đầu có nạn nhân tiềm năng của nô lệ thời hiện đại, với hơn một nửa là trẻ em."

Vấn đề Việt Nam trở thành mối quan tâm hàng đầu về nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại sau ngày cơ quan chuyên trách của Anh đưa ra báo cáo đặc biệt 75 trang yêu cầu phải có biện pháp ngăn chặn đối với ngành nails, tức là các tiệm móng tay ở Anh.

Bản tin mới đây của hãng Reuters cho biết chính phủ Anh đang chi ra một khoản ngân sách đặc biệt để ngăn chặn nạn vượt biên từ gốc, mà riêng Việt Nam có thể lên đến 33 triệu bảng chi cho các nước có nguy cơ cao, sau bản báo cáo đặc biệt của cao ủy Kevin Hyland.

Báo cáo có tên gọi là Chống lại nạn nô lệ thời hiện đại mà công dân Việt Nam phải trải nghiệm trên đường đi sang và trong lãnh thổ Vương quốc Anh. Báo cáo này ghi nhận rõ yếu tố khiến Việt Nam có nhiều di dân.

Bởi vì, đây là phương kế kiếm tiền phổ biến ở Việt Nam, và chính phủ trực tiếp tham gia cấp phép, tổ chức và môi giới xuất khẩu lao động, khuyến khích di dân kinh tế, trong khi công việc ở trong nước thì bấp bênh và lương thấp. Điểm nóng xuất phát của di dân từ Việt Nam trước kia là Quảng Ninh và Hải Phòng, nay có thêm Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.