Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Đến Paris tìm ký ức về Sài Gòn

Đăng ngày:

Nhân dịp ghé Paris trong một chuyến đi châu Âu, ngày 23/09/2017, ông Phúc Tiến, đồng tác giả của cuốn sách « Sài Gòn, Then and Now. Hai đầu thế kỷ » ( cùng với Văn Phụng Hiếu Minh và Soh Weng Yew), đã giới thiệu tác phẩm này với độc giả và truyền thông tại Pháp.

Tác giả Phúc Tiến tại Paris với cuốn sách "Sài Gòn Then and Now. Hai đầu thế kỷ"
Tác giả Phúc Tiến tại Paris với cuốn sách "Sài Gòn Then and Now. Hai đầu thế kỷ" RFI
Quảng cáo

Nguyên là một nhà báo và nay là một nhà doanh nghiệp, ông Phúc Tiến còn là tác giả của cuốn sách « Sài Gòn – Không phải ngày hôm qua ». Cả hai tác phẩm đã được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt do được xuất bản vào lúc mà dư luận tại Sài Gòn rất đau lòng khi thấy từng mảng ký ức của nơi từng được mệnh danh là « Hòn ngọc Viễn Đông », nhất là các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, đang dần dần bị xóa đi. Tiêu biểu là việc phá bỏ Thương Xá Tax để xây một cao ốc mới.

Vẫn với niềm khao khát bảo tồn những ký ức của Sài Gòn, thành phố do người Pháp thiết kế và xây dựng từ cuối nửa cuối thế kỷ 19 theo mô hình châu Âu, nhân dịp ghé sang Paris, ông Phúc Tiến đã tranh thủ tìm tòi thêm những tư liệu quý giá về Sài Gòn, vì thủ đô Pháp là nơi tập trung những tư liệu đó.

Ban Việt ngữ đã có dịp trò chuyện với ông Phúc Tiến tại Paris.

08:58

Tác giả PhúcTiến

Trích phỏng vấn tác giả Phúc Tiến:

« Khi tôi đến đây thì bạn bè có nhã ý tổ chức hai buổi gặp gỡ thân hữu để giới thiệu sách và nói chuyện về sự thay đổi của Sài Gòn xưa và nay. Tuy nhiên, mục tiêu chính của tôi đến Paris lần này là được vào đọc, tìm thêm tư liệu về Sài Gòn. Những ngày qua, thời gian tuy ít ỏi, nhưng tôi đã ưu tiên đến thư viện quốc gia Pháp, trường đại học Diderot, thư viện trường đại học kiến trúc. Chỉ trong ít ngày, nhưng tôi rất xúc động bắt gặp nhiều tài liệu quý, mà trước đây chỉ mới thấy trên Internet hoặc đọc ở đâu đó.

Tại thư viện quốc gia Pháp, tôi đã tìm được những bản đồ xưa của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 18, thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20, trong đó có một bản đồ cổ của người Anh 1823 về Việt Nam, trong đó có Sài Gòn. Hoặc là bản đồ masterplan của Sài Gòn năm 1880. Và tôi rất cảm động được cầm trên tay những bản đồ gốc, phác họa thành phố Sài Gòn, khi người Pháp đặt chân đến, được vẽ bằng bút chì, rồi đến những đường phố, cảng Sài Gòn, ga xe lửa, đường quốc lộ.

Tôi cũng đã đọc những micro film Gia Định Báo, tờ báo Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, cũng ra đời ở Sài Gòn, trong đó có những bài viết của nhà bác học, nhà báo tiên phong của Việt Nam, Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tôi rất xúc động vì bản thân tôi là cựu học sinh trường Pétrus Ký, sau này đổi tên là Lê Hồng Phong, đọc được những bài viết của cụ Petrus Ký trên Gia Định Báo, viết về lịch sử Việt Nam vào thời điểm đi sang một thời kỳ mới.

Ở thư viện của đại học kiến trúc Belleville, Paris, tôi cũng rất khâm phục là nhiều kiến trúc sư của Pháp đã nghiên cứu về Việt Nam, đã có những luận văn nhìn lại cái quy hoạch, nhìn lại lịch sử phát triển đô thị của Sài Gòn, Chợ Lớn từ rất lâu. Ở đó có rất nhiều sưu tập về sách, hình ảnh, bản đồ, v.v…

Tôi rất tiếc là hôm nay tôi có đến kho lưu trữ hình ảnh Đông Dương của quân đội Pháp, nhưng hôm nay lại là ngày nghỉ, thư viện không mở cửa phục vụ. Tôi được biết ở đó còn có rất nhiều hình ảnh quý. Bạn bè tôi có nói là các tư liệu về Việt Nam, về Sài Gòn còn tập trung ở Aix-en-Provence ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.