Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

IECD giúp cải thiện cuộc sống cho người bán hàng rong ở Sài Gòn

Đăng ngày:

Hoạt động bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè đóng góp một phần đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, công bố năm 2014, nền kinh tế phi chính thức sử dụng gần 1/4 lao động tại Việt Nam và là nguồn sống của nhiều hộ gia đình.

Những phụ nữ bán hàng rong ở Đà Nẵng, 1962-1963.
Những phụ nữ bán hàng rong ở Đà Nẵng, 1962-1963. Flickr/Ned Scheer
Quảng cáo

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm có rất nhiều người buôn bán rong. Tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động bán hàng rong chiếm khoảng 11% khối lượng việc làm phi nông nghiệp, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Phát triển châu Âu (Institut européen de Coopération et de Développement, IECD), một tổ chức phi chính phủ của Pháp.

Còn tại Hà Nội, có ít nhất 57.000 người hoạt động buôn bán rong, theo thẩm định của tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Tuấn Minh, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam. Kết quả trên được căn cứ vào cuộc khảo sát do anh tiến hành từ 2012-2015 ở quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy, Hà Nội, cùng với kết quả cuộc điều tra quốc gia về hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức ở Việt Nam năm 2014-2015 do Viện Nghiên cứu vì Phát Triển (Institut de Recherche pour le développement, IRD) và Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam đồng thực hiện.

Buôn bán rong là một trong số các hoạt động không cần đăng ký kinh doanh được nêu trong nghị định số 39 năm 2007 của chính phủ. Cùng với các hoạt động khác, buôn bán rong được quy định rõ về phạm vi hàng hoá, dịch vụ, địa điểm kinh doanh và những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, vệ sinh, giao thông, văn minh đô thị…

IECD và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và kinh doanh nhỏ Sài Gòn

Với mục đích giảm bớt rủi ro cho người bán hàng rong và trang bị kiến thức về quản lý tài chính, chăm sóc-trao đổi với khách hàng, nâng cao ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu (IECD), đã triển khai chương trình đồng hành với người buôn bán rong và kinh doanh trên vỉa hè tại một số quận ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2013.

Trả lời RFI tiếng Việt, ông Thomas Behaghel, giám đốc điều hành IECD khu vực Đông Nam Á, cho biết :

« Chúng tôi khởi động dự án từ năm 2013 nhưng chỉ trên địa bàn Sài Gòn. Vì ở Việt Nam, cần phải có giấy phép hoạt động và chúng tôi chỉ được cấp giấy phép hoạt động ở Sài Gòn. Với chúng tôi, đó đã là một thị trường vô cùng lớn, có hơn 10 triệu dân với rất nhiều dân nông thôn nhập cư vì thế số lượng tiểu thương và thợ thủ công rất lớn ».

Từ năm 2016, nhờ sự kết hợp năng động với các hiệp hội địa phương và các tổ chức chính trị, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu mở rộng « Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và kinh doanh nhỏ » và nhắm đến hai đối tượng chính, theo giải thích của ông Thomas Behaghel :

« Chúng tôi ưu tiên những người bán hàng rong, trong đó đến 85% là phụ nữ. Thường họ bán hàng rong hoặc bán hàng tại những điểm tạm thời. Đối tượng thứ hai là người kinh doanh nhỏ, cố định, có thể là chủ cửa hàng hoặc là người làm nghề thủ công hay làm trong lĩnh vực dịch vụ.

Chúng tôi hoạt động tại 10 quận ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài một trung tâm ở quận Bình Thạnh, gần quận Nhất, các giảng viên của trung tâm tỏa đến nhiều địa phương trong thành phố ».

Thành công của quá trình hợp tác giữa Viện IECD với chính quyền địa phương được thể hiện rõ ở quận 4. Tại khu vực này, nhiều không gian nhỏ được hình thành nhằm giúp đỡ người bán hàng tiếp tục kinh doanh theo đúng khuôn khổ và luật pháp. Viện IECD hy vọng có thể nhân rộng ý tưởng này ở một số địa bàn khác.

Bên cạnh đội ngũ tình nguyện viên luôn sẵn sàng tư vấn cho tiểu thương và công ty khởi nghiệp, các khóa học chuyên đề thường xuyên được Viện IECD tổ chức với những mục tiêu rất cụ thể và thiết thực : cách quản lý cửa hàng, cách tính giá bán có lợi nhuận, cách quản lý kho, nâng doanh thu bằng marketing, tìm hiểu về quy định về thuế, luật trong kinh doanh... Ông Thomas Behaghel giải thích tiếp :

« Chúng tôi lập các chương trình đào tạo tùy theo đề nghị của những người thụ hưởng hoặc của các đối tác của trung tâm. Chương trình đào tạo kéo dài khoảng hai tháng cho phần lý thuyết. Đó là những khóa học buổi tối, ba buổi mỗi tuần, nhằm giúp người học có kiến thức cơ bản về quản lý, luật pháp và thuế khóa. Sau khoảng một tháng học lý thuyết sẽ là quá trình theo dõi dành cho từng người. Các tiểu thương sẽ được kèm cặp 5 lần trong thời gian đào tạo và 4 lần sau khi kết thúc khóa học trong vòng một năm tính từ khi học xong.

Quá trình hỗ trợ từng cá nhân giúp người học áp dụng lý thuyết tiếp thu trong khóa học vào từng trường hợp cụ thể, đồng thời cũng cho phép đánh giá tác dụng lâu dài của chương trình đào tạo này ».

Gánh hàng rong trên công viên Đống Đa, trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, 1960-1970.
Gánh hàng rong trên công viên Đống Đa, trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, 1960-1970. Flickr/Michael Burr

Buôn bán rong thu hút đa số phụ nữ

Từ năm 2013, Viện Hợp tác Phát triển châu Âu đã giúp khoảng 450 người bán hàng rong tham gia các khóa học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có đến 440 phụ nữ vì phần lớn người làm công việc này là phụ nữ.

Đây là cũng là nhận định của tiến sĩ Nguyễn Tuấn Minh trong một nghiên cứu được tiến hành tại Hà Nội từ năm 2012-2015. Theo nghiên cứu này, hàng rong được chia thành ba lĩnh vực : bán hàng rong (quần áo, báo chí, đồ ăn uống…), mua rong (phế liệu, đồng nát…) và cung cấp dịch vụ rong (đánh giầy, mài dao kéo, sửa khoá…). Vậy những nguyên nhân nào khiến các cá nhân gia nhập hoạt động buôn bán rong ? Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Minh giải thích :

« Thứ nhất, liên quan đến tính truyền thống. Hàng rong có từ lâu đời, tồn tại từ thời phong kiến. Hiện nay vẫn tồn tại một số làng nghề chuyên đi bán rong ở Hà Nội, như làng chuyên bán cá cảnh ở Nam Định, làng cơm nắm muối vùng ở Hưng Yên, làng tò he ở huyện Phú Xuyên… Họ đều có truyền thống từ xưa.

Yếu tố thứ hai là do quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Tình trạng mất đất nông nghiệp hoặc năng suất nông nghiệp thấp hiện nay đã thúc đẩy nông dân tìm kiếm việc làm mới, hoặc tìm kiếm việc làm để cải thiện thu nhập. Và với khả năng của họ, phần lớn họ tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức, trong đó có hàng rong.

Yếu tố tiếp theo là do suy thoái kinh tế, cụ thể, theo nghiên cứu của tôi, là do sự suy thoái kinh tế năm 2008 hoặc thời điểm thị trường bất động sản đóng băng cũng khiến nhiều người mất việc làm và gia nhập hoạt động buôn bán rong.

Ngoài ra, Hà Nội còn có đặc điểm đan xen giữa nông thôn và đô thị mà người ta vẫn gọi là « làng trong phố ». Điều này cũng tạo điều kiện cho người nông dân mang sản phẩm ra khu vực đô thị buôn bán hoặc họ theo nhau ra khu vực đô thị để buôn bán. Trong nghiên cứu của mình, tôi phỏng vấn được nhiều trường hợp, như một người đi bán kem ở khu vực đô thị mà bán được thì họ về kéo cả làng cùng nhau đi bán kem ».

Ngoài yếu tố « cung » kể trên, còn phải nhắc đến yếu tố về mặt « cầu ».

« Nhu cầu hàng hoá giá rẻ, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp ở đô thị và những lao động di cư đến Hà Nội làm những công việc, tạm gọi là « tay chân » nặng nhọc, thì hàng rong với giá rẻ đáp ứng được khả năng về tài chính của họ.

Ngoài ra, nhu cầu về sự thuận tiện trong mua bán, nhất là trong bối cảnh áp lực về thời gian, về giao thông như hiện nay ở Hà Nội. Thay vì phải vào siêu thị, vào chợ mua một ít hành, một mớ rau, người ta có thể mua ngay gần nhà họ, ở chợ cóc, ở người buôn bán rong.

Ngoài ra, ở Hà Nội có một đặc điểm sử dụng phương tiện cá nhân trong di chuyển là phổ biến. Điều này cũng góp phần tạo ra nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rong. Chúng ta dễ dàng bắt gặp người mua hàng, họ vẫn ngồi trên xe máy hoặc trên xe đạp, chỉ cần chống chân xuống đất là có thể mua hàng của những người buôn bán rong ngay ở dưới lòng đường.

Thêm một ý nữa là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tươi sống. Khác với người phương Tây, như ở Pháp chẳng hạn, người ta đi chợ một tuần một lần hoặc vài ba ngày một lần. Nhưng ở Việt Nam, có lẽ một phần do người dân muốn ăn sản phẩm tươi sống nên đi chợ hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày. Vì thế, hàng rong và chợ cóc, chợ truyền thống trong trường hợp này có ưu thế so với các siêu thị hay là trung tâm thương mại.

Một đặc điểm khác nữa là nhu cầu ăn quà vặt trên đường phố cũng tạo điều kiện cho hàng rong phát triển. Chẳng hạn buổi chiều về làm một cốc chè, hoặc buổi trưa làm một cốc tào phớ cho mát mẻ ».

Trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán rong cũng bị tác động từ sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống siêu thị và nhà hàng. Thêm vào đó là hoạt động xử phạt lấn chiếm đường phố sẽ mạnh tay hơn trước, buộc họ chỉ dám dừng chớp nhoáng rồi đi.

Thế nhưng, theo nhận định của anh Tuấn Minh, người bán rong biết tận dụng những « kẻ hở » trong không gian và thời gian (giờ nghỉ trưa, giờ tan trường, trước một ngôi nhà, văn phòng đóng cửa…), họ cũng nắm bắt được quy luật sinh hoạt của người dân nên thường xuyên di chuyển qua các cửa nhà để mời gọi, tất cả những yếu tố này giúp họ tiếp tục hoạt động buôn bán.

Một cửa hàng nhỏ ở Hội An.
Một cửa hàng nhỏ ở Hội An. RFI / Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.