Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Điện Biên : Khi cộng đồng chung tay giúp đỡ người nhiễm HIV

Đăng ngày:

Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV tính đến tháng 08/2017, có nghĩa là 0,4% dân số là người trưởng thành đang sống với HIV, theo thẩm định của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS).

Biểu đồ thống kê người nhiễm HIV tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình Unaids.org.vn.
Biểu đồ thống kê người nhiễm HIV tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình Unaids.org.vn. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Trên cả nước, tỉnh Điện Biên là một điểm nóng về tình trạng buôn bán, nghiện hút và nhiễm HIV. Từ tháng 11/2014, Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), thông qua Trung tâm phát triển Y tế cộng đồng (CCRD), đã triển khai dự án « Cộng đồng phòng chống HIV/AIDS » trên địa bàn 8 huyện, thị của tỉnh Điện Biên. Trong số 22.000 người được xét nghiệm HIV đã phát hiện gần 800 người nhiễm mới, trong số 800 người nhiễm mới, có trên 570 người được điều trị ARV.

Ngoài được hưởng chế độ bảo hiểm y tế để được điều trị bằng thuốc ARV, người nhiễm HIV thuộc diện nghèo tại một số huyện ở tỉnh Điện Biên còn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình tài chính vi mô của các đối tác phát triển, trong đó có Trung tâm Hỗ trợ Nguồn lực Tài chính Cộng đồng (CFRC).

Trả lời RFI tiếng Việt, chị Hoàng Thị Thu Hà, cán bộ dự án tài chính vi mô của CFRC, cho biết từ năm 2012, CFRC xin được một dự án nhỏ nhằm hỗ trợ cho đối tượng nhiễm HIV và những người chịu ảnh hưởng về HIV trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, trong quá trình triển khai « Dự án Tăng cường Năng lực và Hỗ trợ giảm nghèo bền vững » (STU) từ năm 2011. Đây là những hộ gia đình gặp khó khăn, mà nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề liên quan đến ma túy và HIV.

***

RFI : Xin chị cho biết chương trình tài chính vi mô dành cho đối tượng nhiễm HIV tại tỉnh Điện Biên được Trung tâm Hỗ trợ Nguồn lực Tài chính Cộng đồng (CFRC) bắt đầu từ khi nào ?

Hoàng Thị Thu Hà : Chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình cho người nhiễm HIV từ năm 2012 trên cơ sở làm việc với trung tâm y tế huyện Tuần Giáo, là đơn vị quản lý những đối tượng này. Bởi vì, vào thời điểm đó, trung tâm y tế cấp phát thuốc methadone và ARV cho nhóm đối tượng này. Methadone dành cho những người nghiện hút, còn ARV dành cho những người nhiễm HIV.

Trung tâm y tế giới thiệu những người này sang. Khi mà họ đã được cấp phát thuốc là họ sẽ được theo dõi định kỳ về mặt sức khỏe. Đặc biệt những người nghiện được theo dõi xem có sử dụng ma túy bên ngoài hay không. Nếu họ làm tốt công việc điều trị, thì chúng tôi sẽ cấp các khoản vốn để họ có thể tự tạo ra sinh kế để nuôi bản thân và nuôi gia đình, không còn là những người ăn bám hoặc là những người đi phá phách nữa.

RFI : Về các khoản vốn do trung tâm hỗ trợ, mỗi hộ gia đình, mỗi đối tượng được cấp bao nhiêu ? Và số tiền thường được họ sử dụng vào mục đích gì ?

Thu Hà : Cái này tùy thuộc vào việc chúng tôi đánh giá năng lực của từng hộ gia đình. Ví dụ khoản vay nhỏ nhất mà chúng tôi có thể phát ra là 2 triệu đồng. Nếu như những hộ hoặc người có năng lực tốt hơn thì chúng tôi có thể cấp phát món vay cao hơn nhưng cũng chặn trong mức tối đa là 10 triệu đồng cho năm đầu tiên. Nếu họ làm tốt, trong những năm sau, chúng tôi sẽ hỗ trợ tăng dần mức vay.

Gần như là 100% các món vay được sử dụng vào việc tạo ra sinh kế cho gia đình họ. Ví dụ đơn giản là họ mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi, hoặc là họ có thể buôn bán nhỏ lẻ, hoặc là họ mua công cụ, dụng cụ phục vụ cho công việc sản xuất, buôn bán của gia đình.

Trên Điện Biên, đa phần họ làm nông nghiệp, nên có đến 50% các món vay được sử dụng vào mục đích là mở rộng thêm hoạt động chăn nuôi. Ngoài ra, một số khác có thể mua sắm tài sản, như mua một cái xe máy cũ để đi làm, hoặc mua một cái máy cày…

Vốn của chúng tôi mang tính chất hỗ trợ phần nào thôi, còn gia đình vẫn phải có nguồn vốn đối ứng vào để đầu tư cho công việc của gia đình.

RFI : Với các khoản vay đó, họ có thời hạn hoàn trả gốc và lãi không ?

Thu Hà : Chúng tôi hoạt động trong mảng tài chính vi mô thì với đặc thù của tài chính vi mô là cấp các món vốn nhỏ cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, sau đó chúng tôi có cơ chế là yêu cầu người vay phải tạo thu nhập thường xuyên để trả dần cả gốc và lãi để đến hết thời hạn vay, họ cũng trả xong món vay rồi mà không bị áp lực trả cả món lớn nữa.

Cơ chế này yêu cầu người vay là phải đi làm thường xuyên và họ phải tiết kiệm để mỗi tháng phải trả dần không chỉ lãi mà còn có cả một phần gốc nữa. Tự nhiên là với cơ chế này, họ sẽ phải chủ động hơn trong việc tạo thu nhập và tạo ra dòng tiền cho hàng tháng để trả dần cho món vay.

RFI : Nhờ dự án này, hiện có khoảng bao nhiêu người được hưởng các khoản vay như vậy ?

Thu Hà : Riêng ở trên Điện Biên, nếu tính cả những đối tượng nhiễm HIV hoặc gia đình có người nghiện đang điều trị và đang được tiếp cận vốn, con số là khoảng 200-300 hộ. Và họ tiếp cận với chương trình, tính đến năm 2017, là năm thứ sáu, tức là hết vòng vốn này sang vòng vốn khác.

Tôi cũng nói thêm về trường hợp nhiễm HIV. Thực ra, họ là nhóm đối tượng được coi là rất rủi ro vì mang bệnh và về mặt sức khỏe, không phải lúc nào cũng đảm bảo, nên việc tiếp cận với các kênh vốn, các tổ chức tài chính chính thức, rất là khó khăn. Chương trình của CFRC về thì cũng giống như một cánh tay vươn ra nâng đỡ họ, giúp họ tự tin hơn vào chính bản thân mình. Tức là, họ cũng được trao một cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách công bằng. Ngoài ra, trong quá trình vay vốn, chúng tôi trang bị thêm cho họ một số kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, để họ sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả hơn. Đó là sự khác biệt giữa chương trình tài chính vi mô với tất cả các tổ chức chính phủ khác.

RFI : Được triển khai ở Điện Biên từ năm 2012 đến giờ, có nhiều trường hợp hoàn được hết số vốn và độc lập về tài chính mà không cần phải vay thêm, hỗ trợ thêm nữa không ?

Thu Hà : Cho đến thời điểm này, khi mà sau 5-6 năm, thì có những điểm chắc chắn là những người tham gia rất chủ động trong việc tự tạo nên sinh kế cho gia đình.

Việc họ tiếp tục tiếp cận vốn thì cũng chỉ là muốn mở rộng, phát triển thêm các hoạt động sinh kế. Bởi vì, việc vay vốn là khi họ muốn phát triển, chứ không phải là cứ phải nghèo, không có tiền, thì họ mới vay. Trước kia, họ không có tiền, chúng tôi tiếp cận, hỗ trợ họ vốn để họ tạo sinh kế. Nhưng bây giờ, họ đang trong quá trình phát triển lên thì họ vẫn tiếp cận với vốn thôi.

Và song song với việc tiếp cận vốn, họ còn thực hành tiết kiệm nữa. Rất nhiều hộ gia đình đã nói với tôi là nhờ có chương trình họ mới biết là họ có khả năng quản lý tốt thu-chi trong gia đình và họ mới biết là họ có khả năng một tháng tiết kiệm được ngần ấy tiền. Còn nếu không tham gia, có lẽ không bao giờ họ nghĩ đến chuyện mỗi tháng họ có thể tiết kiệm được 500-700.000 đồng.

Ảnh trao sữa tại huyện Tuần Giáo của Trung tâm Phát triển Nguồn lực Tài chính Cộng đồng, tháng 05/2015.
Ảnh trao sữa tại huyện Tuần Giáo của Trung tâm Phát triển Nguồn lực Tài chính Cộng đồng, tháng 05/2015. CFRC Vietnam

100 triệu quyên góp cho Quỹ Sữa dành cho Trẻ em phơi nhiễm

RFI : Ngoài chương trình tài chính vi mô, Trung tâm Hỗ trợ nguồn lực tài chính cộng đồng còn có chương trình Quỹ Sữa cho trẻ em phơi nhiễm HIV tại Tuần Giáo. Quỹ Sữa hoạt động như thế nào ?

Thu Hà : Chương trình Quỹ Sữa dành cho trẻ em phơi nhiễm ở Điện Biên cũng xuất phát từ việc là CFRC, trong quá trình triển khai dự án ở Tuần Giáo và tiếp xúc với đối tượng nhiễm HIV, nhận thấy số lượng trẻ em có mẹ bị nhiễm HIV và không được bú sữa mẹ rất là nhiều.

Chúng tôi đã kêu gọi xây dựng một quỹ, gọi là « Quỹ Sữa cho Trẻ em phơi nhiễm ở tỉnh Điện Biên ». Bằng những phương tiện truyền thông, cũng như mối quan hệ với các đối tác, chúng tôi đã quyên góp được khoản tiền nhất định sử dụng cho quỹ này, với số tiền ban đầu là 100 triệu. Hàng tháng, chúng tôi cấp phát sữa cho các cháu, ban đầu là các cháu dưới 18 tháng tuổi, tức là còn trong độ tuổi bú sữa mẹ.

Thời điểm đầu, chúng tôi hỗ trợ được khoảng 30 cháu trên địa bàn ba huyện của tỉnh Điện Biên, gồm huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ. Được duy trì từ đó đến nay, chúng tôi đã nuôi được trung bình mỗi tháng từ 10 đến 20 cháu.

Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ rất tích cực từ các trung tâm y tế vì họ cũng đau đầu vì các trường hợp bà mẹ nhiễm HIV, vì hoàn cảnh điều kiện kinh tế, đôi khi vẫn sử dụng nguồn sữa mẹ dù biết rõ nguy cơ rất cao.

Chúng tôi từng đến thăm một gia đình ở xã Nà Sáy ở huyện Tuần Giáo, bà mẹ trẻ khi phát hiện ra mình nhiễm HIV, bác sĩ yêu cầu không được cho con bú, vì không còn cách nào khác đành bỏ con lại ở nhà và bỏ nhà đi để mẹ già ở nhà trông cháu. Tại thời điểm chúng tôi đến, bà phải nấu cơm và chắt nước cơm cho bé gái đó uống. Rất là tội tình !

***

Chương trình « Quỹ sữa cho trẻ em phơi nhiễm HIV tại Điện Biên » do Giám đốc Trung tâm Nguồn lực tài chính Cộng đồng (CFRC) phát động vào tháng 12 năm 2013 khi chứng kiến những tiếng khóc của con trẻ mới chào đời và ánh mắt bất lực của những bà mẹ mang trong mình căn bệnh thế kỷ, căng bầu sữa nhưng không thể cho con bú.

Quỹ Sữa hoạt động được hoàn toàn nhờ lòng hảo tâm của các nhà các nhà hảo tâm. Danh sách ủng hộ Quỹ Sữa luôn được CFRC cập nhật trên website. Từ tháng 01/2014 đến nay, chương trình Quỹ Sữa đã hỗ trợ được cho 61 cháu của ba địa phương, là huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ với 765 hộp sữa có trị giá là 141 triệu đồng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.