Vào nội dung chính
ĐỨC - VIỆT NAM

Berlin giận dữ tố cáo Hà Nội “bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh

Chính quyền Đức ngày 02/08/2017 lên tiếng tố cáo chính quyền Hà Nội đã bắt cóc một người Việt đang xin tị nạn tại Đức. Berlin còn bày tỏ thái độ giận dữ bằng cách triệu đại sứ Việt Nam tại Đức để phản đối, đồng thời trục xuất một cán bộ bị coi là tình báo Việt Nam hoạt động tại Đức.

Ông Trịnh Xuân Thanh tại một công viên ở Berlin. Ảnh được công bố ngày 02/08/2017.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại một công viên ở Berlin. Ảnh được công bố ngày 02/08/2017. Ảnh : STR / dpa / AFP
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức Martin Schaefer đã tuyên bố : « Vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một hành động vi phạm trắng trợn và chưa từng thấy nhắm vào luật pháp của Đức cũng như luật quốc tế ». Ông còn tố cáo tình báo và đại sứ quán Việt Nam can dự vào vụ bắt cóc ông Thanh.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức nói tiếp : « Hậu quả của hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được này là chúng tôi tuyên bố không thừa nhận đại diện của cơ quan mật vụ Việt Nam tại sứ quán và cho ông ta 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức ».

Bộ Ngoại Giao đã triệu đại sứ Việt Nam lên về vụ này để nhấn mạnh rằng « một hành động như vậy có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng quan hệ Đức-Việt. »

Theo truyền thông Đức, ông Trịnh Xuân Thanh đang xin tị nạn ở Đức. Ông đã bị những người có võ trang bắt cóc ngày 23/07 tại công viên Tiergarten ở trung tâm thủ đô Berlin – gần tòa nhà Quốc Hội Bundestag và Phủ Thủ Tướng.

Thứ Hai 31/07 vừa qua, ông Thanh xuất hiện tại Việt Nam và được báo chí Nhà nước loan báo là đã ra đầu thú chính quyền.

Nguyên là lãnh đạo Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí, ông Thanh đã bị Hà Nội truy nã. Theo hãng tin Đức DPA, ông bị cáo buộc đã gây thua lỗ đến 148 triệu đô la.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức, hành động bắt cóc này biểu hiện một sự « bội tín » vào lúc mà đàm phán về « khả năng dẫn độ hợp pháp » đã khai mào nhân thượng đỉnh G20 tại Hamburg,

Bộ Ngoại Giao Đức yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép ông Trịnh Xuân Thanh « trở lại Đức không chậm trễ, để cho yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam và đơn xin tị nạn của ông Thanh có thể được xem xét kỹ lưỡng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.