Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Hà Nội yêu cầu tôn trọng quyền của Việt Nam khoan dầu ở Biển Đông

Ngày 28/07/2017, Việt Nam lên tiếng yêu cầu các nước khác tôn trọng quyền « chính đáng » của Việt Nam về hoạt động dầu khí ở Biển Đông, sau khi có tin là Hà Nội đã phải dừng khoan thăm dò dầu khí ở một lô nằm trong khu vực mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền.

Một người lính Hải Quân Việt Nam canh gác trên đá Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 17/01/2013.
Một người lính Hải Quân Việt Nam canh gác trên đá Thuyền Chài, thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 17/01/2013. REUTERS/Quang Le
Quảng cáo

Vào đầu tuần này, theo nguồn tin từ BBC, dường như do bị Trung Quốc đe dọa, Việt Nam đã dừng các hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 136/3, nơi mà Hà Nội đã cấp phép cho một chi nhánh của công ty Tây Ban Nha Repsol. Cũng theo nguồn tin nói trên, công ty Repsol của Tây Ban Nha đã được lệnh rời khỏi khu vực.

Tuy nhiên, hiện chưa có nguồn tin độc lập nào khác xác nhận tin của BBC. Cả chính phủ Việt Nam lẫn công ty Repsol vẫn không bình luận gì về vụ này. Báo chí Việt Nam thì hoàn toàn im lặng.

Nhằm đáp lại những thông tin nói trên, trong cuộc họp báo ngày 28/07, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động dầu khí của Việt Nam « diễn ra tại khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 ». Cũng theo lời bà Thu Hằng, Việt Nam « đề nghị các bên liên quan tôn trọng các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam ».

Hà Nội yêu cầu Indonesia làm rõ vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam

Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu Indonesia điều tra và làm rõ những thông tin về việc hải quân Indonesia nổ súng và làm bị thương 2 ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh đã đưa ra yêu cầu nói trên trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam đưa ra ngày 28/07.

Trước đó, theo báo chí Việt Nam, vào cuối tuần qua, một tàu của Hải Quân Indonesia đã truy đuổi và nổ súng vào một tàu cá Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến 2 ngư dân bị thương. Nhưng hôm 25/07, Hải Quân Indonesia đã bác bỏ thông tin này, khẳng định tàu của họ chỉ bắn chỉ thiên cảnh cáo tàu cá Việt Nam, tại vùng biển mà theo họ là thuộc chủ quyền Indonesia.

Trung Quốc chỉ trích Anh Quốc về việc gởi hàng không mẫu hạm đến Biển Đông

Cũng liên quan đến Biển Đông, ngày 28/07, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích Anh Quốc, sau khi Ngoại trưởng nước này Boris Johnson tuyên bố là Luân Đôn sẽ gởi hai hàng không mẫu hạm đến tuần tra ở Biển Đông. Ông Lục Khảng lên án « một số quốc gia bên ngoài vẫn nhất quyết gây rối loạn tình hình khu vực ».

Trong tuyên bố đưa ra tại Úc hôm thứ Năm 27/07, ngoại trưởng Johnson không nói rõ là các hàng không mẫu hạm của Anh Quốc sẽ được điều đến Biển Đông vào thời điểm nào, sau khi sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020. Nhưng trước mắt, theo thông báo của bộ trưởng Quốc Phòng Michael Fallon cũng hôm thứ Năm, Luân Đôn dự trù sẽ gởi một chiến hạm đến Biển Đông vào năm tới để hành xử quyền tự do hàng hải ở vùng biển đang tranh chấp này, một hành động chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.