Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Dù không có Mỹ, TPP vẫn có lợi cho Việt Nam

Đăng ngày:

Sau khi tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, 11 nước còn lại đang nỗ lực cứu vãn hiệp định này. Riêng đối với Việt Nam, dù không còn Mỹ, TPP vẫn có lợi cho nền kinh tế và tiến trình cải tổ.

Một xưởng may ở tỉnh Vĩnh Phúc. Việt Nam đã hy vọng TPP sẽ đẩy mạnh xuât khẩu hàng may mặc sang Hoa Kỳ.
Một xưởng may ở tỉnh Vĩnh Phúc. Việt Nam đã hy vọng TPP sẽ đẩy mạnh xuât khẩu hàng may mặc sang Hoa Kỳ. Reuters
Quảng cáo

Khi tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, nhiều người đã nghĩ rằng hiệp định này coi như bị khai tử, vì chỉ riêng Mỹ đã chiếm tới 69% tổng sản phẩm nội địa GDP của toàn bộ các nước TPP. Hơn nữa, TPP quy định là phải có ít nhất 6 quốc gia đại diện cho 85% GDP của toàn khối phê chuẩn, thì hiệp định này mới có hiệu lực. Với quy định như vậy thì TPP bắt buộc phải có sự tham gia của Hoa Kỳ. Nay nước này rút đi thì các nước còn lại sẽ phải thương lượng lại về quy định này. Vấn đề là các nước đó có còn hứng thú để trở lại bàn thảo luận hay không?

Nhưng tháng 5 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố rằng, mặc dù ông vẫn hy vọng Mỹ quay trở lại, Nhật Bản sẳn sàng đảm trách vai trò đầu đàn để hiệp định TPP vẫn sống. Ngay sau đó, Nhật Bản và New Zealand thông báo là họ sẽ cố đạt được một thỏa thuận với các nước ký kết khác trước tháng 11 năm nay.

Thúc đẩy mạnh mẽ nhất hiệp định TPP-11, ngoài Nhật Bản và New Zealand, còn có Úc. Nhóm còn lại là các nước Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mêhicô, Pêru, Singapore và Việt Nam thì chỉ mới đồng ý sẽ cố gắng duy trì TPP. Hiện giờ hai nước Nhật và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định TPP. Đài Loan cũng tỏ ý muốn gia nhập TPP và được Tokyo hoan nghênh.

Với vai trò đầu đàn, giữa tháng 7 vừa qua, Nhật Bản đã triệu tập một cuộc họp giữa các trưởng phái đoàn thương thuyết của các nước TPP-11 tại thành phố Hakone, phía nam thủ đô Tokyo, để bàn về việc khởi động lại hiệp định tự do mậu dịch này. Các trưởng phái đoàn TPP-11 sẽ họp lại trong tháng 8 hoặc đầu tháng 9 để tiếp tục đàm phán. Họ hy vọng sẽ đưa ra một dự thảo hiệp định mới cho các bộ trưởng Thương Mại xem xét bên lề cuộc họp thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Việt Nam tháng 11 năm nay.

Việt Nam vẫn theo đuổi TPP

Theo hãng tin Reuters ngày 22/06, bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng đã tuyên bố là dầu gì đi nữa thì Việt Nam cũng sẽ thực hiện các cam kết trong khuôn khổ TPP. Trước đó, nhân chuyến viếng thăm tại Nhật Bản vào đầu tháng 6, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng với thủ tướng Shinzo Abe cam kết là sẽ nỗ lực để hiệp định TPP nhanh chóng được thực thi.

Tuy vậy, trả lời phỏng vấn báo chí Nhật tại Tokyo ngày 05/06, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết là Việt Nam hiện vẫn đang nghiên cứu xem những phần nào của hiệp định TPP-11 có thể thương lượng lại. Ông Phúc cho biết là chính phủ Hà Nội đã giao cho bộ trưởng Công Thương nhiệm vụ thảo luận với các thành viên khác của TPP về những phương án thúc đẩy hiệp định này. Mục tiêu, theo thủ tướng Việt Nam, là dung hòa những lợi ích của các bên ký kết.

Việt Nam đã hy vọng là hiệp định TPP sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặt và các mặt hàng khác sang thị trường Hoa Kỳ, nhưng quyết định của tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này đã làm đảo lộn mọi dự tính của Hà Nội.

Theo đánh giá của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nếu có Mỹ trong TPP thì Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ thị trường Mỹ. Nhưng nay, dù Hoa Kỳ đã rút đi, nhưng Việt Nam sẽ cố gắng duy trì TPP gồm 11 nước, vì dầu sao hiệp định này vẫn có lợi cho Việt Nam:

“ Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 22,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế Việt Nam bổ sung cho nhau, chứ ít có mặt cạnh tranh với nhau. Thị trường Hoa Kỳ là thị trường hết sức rộng lớn, bởi vì những sản phẩm mà Hoa Kỳ xuất khẩu thì Việt Nam chưa làm được, và những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu thì Việt Nam làm có lợi hơn là Hoa Kỳ làm. Cho nên hợp tác kinh tế Việt Mỹ là hai bên cùng có lợi, có tác động tích cực cho cả hai bên.

Cho nên việc tổng thống D. Trump tuyên bố rút ra khỏi TPP là một điều bất lợi đối với Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng để duy trì TPP-11, bởi vì trong TPP-11 vẫn còn có Nhật Bản và những nền kinh tế khác cũng có vai trò bổ sung cho Việt Nam.

Về mặt chiến lược thì Việt Nam có lợi ích trong việc đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế để tránh phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Cho nên, không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện tham gia TPP.”

Nhưng với một hiệp định TPP không có Mỹ, Việt Nam có sẽ thực hiện thành công các cải tổ khi mà không còn một động lực mạnh mẽ nữa? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, dù không có sự tham gia của Mỹ, hiệp định TPP cũng có tác động thúc đẩy cải tổ ở Việt Nam:

“ TPP là một hiệp định kiểu mới. Ngoài các cam kết thương mại thuần túy như về thuế hay các biện pháp phi thuế để tác động đến thương mại, TPP còn quy định rất rõ về chính sách của Nhà nước và thậm chí cả về quyền của người lao động được thành lập công đoàn độc lập. Việc Việt Nam ký kết TPP là một điều tiến bộ.

Tôi nghĩ rằng nếu không có TPP, thì điều này sẽ có tác động nhất định đến việc ban hành các luật để thực hiện quyền của người lao động thành lập công đoàn độc lập.

Trước hết là về mặt thương mại thì TPP vẫn có lợi. Thứ hai là nếu cứ giữ nguyên như thế thì hiệp định sẽ vẫn có tác động tích cực đối với công cuộc cải cách của Việt Nam. TPP không có Hoa Kỳ thì liệu có cần được đàm phán lại hay không? Nếu đàm phán lại thì có những thay đổi những nội dung gì hay không thì hiện nay chưa rõ.”

Nhưng nếu không có TPP thì Việt Nam có thể thực hiện được các cải tổ cần thiết hay không? Trên trang mạng EastAsiaForum ngày 08/06/2017, ông Trần Văn Hòa, giáo sư Đại học Victoria của Úc và cũng là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thượng đỉnh Đông Á và Việt Nam, viết rằng: “ Chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam không có TPP vẫn có khả năng tiếp tục thành công một khi mà các mặt hàng xuất khẩu chính ( vải sợi, hải sản và giày da) tiếp tục có lợi thế trên thị trường thế giới. Các cải tổ về luật doanh nghiệp và đầu tư, cũng như về giáo dục đào tạo cần được thực hiện để bảo đảm cho điều đó”.

Cũng theo giáo sư Trần Văn Hòa, nếu thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại hiện có và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam vẫn có thể tiến hành các cải tổ để thúc đẩy tăng trưởng, mậu dịch và đầu tư, mà không cần có hiệp định TPP.

Chưa tác động đến đầu tư vào Việt Nam

Trước mắt, việc Mỹ rút ra khỏi TPP chưa có ảnh hưởng gì đến đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam, cụ thể là trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế mạnh của Việt Nam để thu hút đầu tư ngoại quốc vẫn là giá nhân công rẻ. Lương trung bình của công nhân ngành may mặc ở Việt Nam là 250 đôla/tháng, so với 700 đôla ở Trung Quốc. Do giá nhân công ở Trung Quốc đắt hơn nhiều cho nên không ít công ty ngoại quốc đã dời cơ sở sản xuất từ nước này sang Việt Nam.

Sau khi tổng thống Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, thay vì rời khỏi Việt Nam, nhiều công ty ngoại quốc trong ngành may mặc thậm chí còn mở rộng cơ sở sản xuất. Ngay cả Trung Quốc hiện nay cũng là một trong ba nước đầu tư hàng đầu ở Việt Nam.

Theo hãng tin Reuters, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đã đề ra mục tiêu đạt 10 tỷ đôla đầu tư trực tiếp trong vòng 5 năm tới, thay vì gần 16 tỷ đôla riêng trong năm 2016, vì Hà Nội nay muốn nhắm đến chất lượng hơn là số lượng, tức là nhằm nhiều hơn đến công nghệ, đến giá trị gia tăng, bớt sử dụng năng lượng, sử dụng nguyên liệu và bớt dựa vào yếu tố giá nhân công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.