Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hợp tác Hà Nội-Toulouse, Cộng hòa Pháp, trong dự án trùng tu phố cổ

Đăng ngày:

Trở thành địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước giữa lòng 36 phố phường sầm uất, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là kết quả đầu tiên trong dự án quy hoạch và trùng tu công trình cổ giữa hai thành phố Hà Nội và Toulouse, Cộng Hòa Pháp. Ngoài mục đích tái hiện không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa, dự án hợp tác còn giúp đưa những điều kiện sống mới và hiện đại cho người dân, đồng thời vẫn có thể gìn giữ di sản.

Trung Tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.
Trung Tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Trả lời ban tiếng Việt đài RFI, chị Lại Thị Thu Hà, phụ trách Hợp tác Quốc tế của Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, cho biết ngay năm 1993, chính phủ Việt Nam và thành phố Hà Nội đã có kế hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Hai năm sau, bộ Xây Dựng ban hành một bản quy hoạch về vấn đề này. Đến năm 1999, thành phố Hà Nội ra bản quy chế về quản lý phố cổ và hướng dẫn người dân xây dựng, cải tạo trong khu vực này. Vì vẫn còn một số bất cập nên đến năm 2013, một bản quy chế mới được ban hành để điều chỉnh các quy định trước đây về bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội.

RFI : Xin chị cho biết hai thành phố Hà Nội và Toulouse bắt đầu hợp tác với nhau từ khi nào trong việc bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ Hà Nội ?

Thu Hà : Năm 1995, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội thời điểm đó là ông Hoàng Văn Nghiên tham gia một đoàn công tác của chính phủ đến làm việc với thành phố Toulouse, Cộng Hòa Pháp. Ông thị trưởng lúc đó là Dominique Baudis, nói là bên Toulouse cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo tồn-tôn tạo. Năm 1996, thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse đã ký kết một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn-trùng tu khu phố cổ Hà Nội.

Từ năm 1996 đến năm 1998, rất nhiều chuyên gia của Toulouse, gồm kiến trúc sư, nhà quy hoạch cùng với chuyên gia của Hà Nội đã làm nhiều nghiên cứu sơ bộ ban đầu. Sau đó, thành phố Hà Nội quyết định lựa chọn ngôi nhà 87 Mã Mây làm công trình đầu tiên để cải tạo trùng tu.

Thời điểm đấy, bên Ban Phố cổ hình thành từ năm 1995, gọi là Ban cải tạo thí điểm khu phố cổ, phố cũ. Đến tháng 03/1998 đổi tên thành Ban Quản lý Phố cổ. Đến lúc đó mới có một phó ban chuyên trách, còn trước đó là kiêm nghiệm. Đó là cô Tô Thị Toàn, cũng là kiến trúc sư. Cô đã về đây để phụ trách cùng kiến trúc sư Pháp để làm sao tôn tạo và trùng tu công trình này.

RFI : Kế hoạch hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội và Toulouse nhắm đến những mục đích cụ thể nào ?

Thu Hà : Mục đích của sự hợp tác, thứ nhất là trao đổi chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản. Thứ hai là cũng muốn để làm sao người dân vẫn giữ gìn được di sản nhưng đưa những điều kiện sinh hoạt mới, hiện đại vào trong khu nhà mới. Quả thật, trước đấy có rất nhiều dự án nghiên cứu về phố cổ Hà Nội của Việt Nam hay các tổ chức nước ngoài, nhưng chưa có cái nào được thực hiện. Đến năm 1998, đây là lần đầu tiên công trình được tôn tạo và đã làm thay đổi toàn bộ bộ mặt khu phố Mã Mây này, vì trước đấy đó là một phố rất vắng vẻ.

Sau đấy vẫn hợp tác với Toulouse, Hà Nội tiếp tục triển khai công trình cải tạo đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào. Thế rồi, Hà Nội và Toulouse cùng nhau tham gia một dự án với vùng thủ đô Bruxelles là hai dự án của Liên Minh Châu Âu tài trợ đều nằm trong mục đích nghiên cứu, bảo tồn phố cổ, nâng cao cải thiện điều kiện sống của người dân, làm sao để cộng đồng tham gia bảo tồn phố cổ.

Phố Đào Duy Từ, nơi có Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.
Phố Đào Duy Từ, nơi có Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. RFI / Tiếng Việt

RFI : Hà Nội, Toulouse và vùng Bruxelles của Bỉ đã thực hiện được chương trình nào nhờ dự án tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu ?

Thu Hà : Có hai dự án được triển khai từ năm 2000 đến 2003 là dự án EU lần thứ nhất và dự án thứ hai từ 2003-2006. Sau dự án EU lần thứ nhất, đã lập được hồ sơ những công trình quan trọng và đã tiến hành cải tạo trong nguồn hỗ trợ kinh phí của Toulouse đối với một công trình nhà dân, đó là nhà 51 Hàng Bạc. Đối với ngôi nhà này, bọn mình đã giúp cho người dân bảo tồn nguyên trạng lớp 1 và lớp 2 của ngôi nhà. Còn lớp sân trong, thường là sân chung thì xây lên thành một ngôi nhà cao hơn để mỗi người được thêm diện tích sử dụng và mỗi nhà đều có bếp và nhà vệ sinh riêng.

Đây là một ví dụ rất thành công giữa nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ ví dụ đó, mong muốn hợp tác là làm sao, đồng thời vừa đào tạo kiến trúc sư vừa giúp cho người dân nhận thức được là : À, thế thì có thể bắt tay với chính quyền để làm sao vẫn giữ được giá trị di sản mà lại có điều kiện sống tốt hơn mà lại mở rộng được diện tích sống trong khu phố cổ.

Từ thành công của dự án EU lần thứ nhất và cải tạo mẫu một công trình cho dân thì EU lại phê duyệt cho vùng Bruxelles, Toulouse và Hà Nội dự án EU lần thứ hai. Trong dự án đấy, chúng tôi cũng đã cùng chuyên gia các thành phố Bruxelles, đặc biệt là Toulouse, lập hồ sơ các công trình nhà ở, các không gian giá trị trong khu phố cổ, rồi các nghề truyền thống, các sinh hoạt đời thường ở đây. Và tiếp tục hỗ trợ làm sao điều chỉnh quy chế về quản lý khu phố cổ. Từ tiền đề của dự án EU đấy, sau này thành phố ban hành quy chế chính thức về bảo tồn phố cổ và trao đổi các hoạt động văn hoá.

Đến cuối dự án EU vào năm 2005, chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nước để chia sẻ kinh nghiệm của châu Á và châu Âu trong việc trùng tu di sản.

RFI : Sau khi dự án EU kết thúc, Hà Nội và Toulouse tiếp tục hợp tác theo hướng nào ?

Thu Hà : Sau khi dự án EU kết thúc, thành phố Hà Nội và Toulouse vẫn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Có nghĩa là thường xuyên cử chuyên gia thường trú tại Hà Nội để hỗ trợ Ban Quản lý Phố cổ trong công việc khảo sát điều tra nhà cổ, phố nghề truyền thống, các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong phố cổ.

Đến năm 2007, lần đầu tiên, thành phố Hà Nội đã tổ chức một tuần lễ văn hoá Hà Nội tại thành phố Toulouse. Trong sự kiện đấy, chúng tôi đã khôi phục lại nguyên một khu phố cổ ở trong khu vực toà thị chính thành phố Toulouse và đã thu hút được rất đông khách tham quan.

Đến giai đoạn 2008-2009, chúng tôi tiếp tục có kiến trúc sư và chuyên gia ở đây để thường xuyên hỗ trợ chúng tôi. Đến năm 2009-2010, chúng tôi cũng đặt vấn đề làm sao tiếp tục hỗ trợ xây dựng những trung tâm thông tin về di sản phố cổ hoặc trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ và tiếp tục tổ chức tuần lễ văn hoá nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Toulouse đã cử 28 nghệ sĩ của các đoàn khác nhau để sang biểu diễn nhạc jazz, nhạc opera, kịch, múa rối… thu hút đông đảo sự tham gia của nhân dân tại khu vực Hà Nội này.  

Đến năm 2010, hợp tác với Toulouse luôn luôn về mặt kỹ thuật tại điểm 28 Hàng Buồm trở thành một trung tâm thông tin để giới thiệu về các dự án, như dự án giãn dân là dự án thành phố đang chuẩn bị làm, hoặc sẽ làm, hoặc đã làm với việc bảo tồn phố cổ.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, năm 2010, chúng tôi khởi động cải tạo cả một đoạn phố, tức là phố Tạ Hiện. Tức là, trước đây, chỉ làm những công trình đơn lẻ, bây giờ chúng tôi làm cả một tuyến phố, trùng tu mà người Hà Nội và chính phủ cùng hỗ trợ, làm sao mà thành phố giúp cải tạo mặt ngoài, còn người dân cải tạo phía bên trong. Cả một đoạn phố đã trở thành điểm thu hút du khách và người dân rất là đông.

Đến năm 2014 nhân năm Việt-Pháp, Pháp-Việt, chúng tôi tổ chức hai tuần lễ văn hoá nữa, một ở Hà Nội và một ở Toulouse, cũng đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem và người ta vui mừng trước việc mở rộng hợp tác và công việc trùng tu di tích.

Đình Kim Ngân, một trong số công trình trùng tu, cải tạo giữa Hà Nội và Toulouse.
Đình Kim Ngân, một trong số công trình trùng tu, cải tạo giữa Hà Nội và Toulouse. RFI / Tiếng Việt

RFI : Vậy Hà Nội có thể làm được nhiều tuyến phố đi bộ như phố Tạ Hiện hay không ?

Thu Hà : Từ hợp tác ban đầu với Toulouse về phố Tạ Hiện đó, cách đây hai năm, thành phố Hà Nội đã làm là phố Lãn Ông, phố thuốc. Cả một tuyến phố đã được chỉnh trang và cải tạo dựa trên những kinh nghiệm mà chúng tôi đã hợp tác với Toulouse. Ví dụ, đoạn phố Tạ Hiện đó gọi là chỉnh trang nên không cần giãn dân.

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu một số phố khác để triển khai, nhưng vẫn chưa quyết định chọn phố nào nhưng có thể là những tuyến trong khu bảo tồn cấp 1, đều đang được thiết kế đô thị để sau này làm. Ví dụ như trục chính từ Hàng Đào đến Hàng Giấy, Đồng Xuân được gọi là trọng yếu trong khu phố cổ, thì thành phố đang lập các thiết kế đô thị để triển khai trong thời gian tới.

RFI : Từ khi một số tuyến phố được chỉnh trang và trùng tu như vậy, lượng khách thăm quan khu phố cổ có tăng nhiều hơn không ?

Thu Hà : Khi chúng tôi cải tạo trùng tu xong phố Tạ Hiện năm 2011 thì năm 2014, thành phố cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng khu phố đi bộ gồm 6 phố trong tuyến cấp 1, tức là có phố Tạ Hiện, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ và Hàng Giầy, thì lượng du khách tăng lên rất nhiều. Bởi vì lần đầu tiên, người dân Hà Nội có thêm một không gian đi bộ buổi tối và vui chơi, vì trước đó tuyến Hàng Đào, Đồng Xuân cũng đã mở từ lâu nhưng lại có nhiều cửa hàng kinh doanh ở dưới, trong khi 6 phố trên lại có thêm những trò chơi dân gian, biểu diễn âm nhạc đường phố vừa truyền thống vừa đương đại, tùy theo địa điểm, nên thu hút rất đông du khách.

RFI : Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tại 50 Đào Duy Từ, Hà Nội trở thành điểm không thể bỏ qua để tìm hiểu về lịch sử khu phố cổ. Tòa nhà khá hiện đại được xây năm 2013 có chức năng như thế nào ?

Thu Hà : Đây là lần đầu tiên, một công trình mới được xây dựng đan xen trong phố cổ nhưng hài hòa về mặt kiến trúc với khu phố. Điểm đó có 3 tầng, tầng 1 dành cho tổ chức các sự kiện, như giao lưu, giới thiệu ảnh, tranh nghệ thuật, triển lãm hoặc nói chuyện.

Tầng 2 là triển lãm cố định. Tức là, cùng với thành phố Toulouse, Hà Nội xây dựng lại cả một triển lãm giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển phố cổ Hà Nội bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, còn có những bản dẫn đơn giản dành cho trẻ em và học sinh để có thể dễ dàng hiểu được.

Tầng 3 là phòng đa năng, có thể được tổ chức tọa đàm chuyên môn hoặc biểu diễn nghệ thuật truyền thống mà mình đang muốn gìn giữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.