Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam : Chiến tranh chưa lùi xa Quảng Trị

Nhân ngày 30/04, đánh dấu 42 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, báo Libération có bài phóng sự mang tiêu đề : « Việt Nam, « cuộc chiến sau cuộc chiến » của những người gỡ mìn » ở tỉnh Quảng Trị, nơi được coi là chảo lửa của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bờ biển Quảng Trị - vùng đất bom mìn chiến tranh vẫn gây thương vong cho người dân. Ảnh chụp ngày 30/03/2017.
Bờ biển Quảng Trị - vùng đất bom mìn chiến tranh vẫn gây thương vong cho người dân. Ảnh chụp ngày 30/03/2017. Reuters
Quảng cáo

Đặc phái viên của Libération Xavier Bourgois đã tới Quảng Trị, vùng đất khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam, ghi nhận : « Hơn bốn mươi năm sau khi cuộc chiến kết thúc, dưới lòng đất Việt Nam vẫn còn chất chứa đầy bom, mìn của Mỹ, tiếp tục gây thương vong cho người dân, làm ô nhiễm đất đai. Trong tỉnh Quảng Trị, nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn đang ra sức rà phá » những di sản chết người đó của chiến tranh.

Theo tác giả bài phóng sự, chiến tranh tưởng như đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng giờ đây, ở vùng đất miền trung Việt Nam từng là lò lửa chiến tranh này, thi thoảng đâu đó người ta vẫn nghe thấy tiếng nổ của những quả bom Mỹ vừa được phá. Người dân trong vùng đã quen với những tiếng nổ như vậy, thường xuất hiện ít ra là 2 lần trong mỗi tuần.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng một cuộc chiến mới đang tiếp tục hàng ngày với khoảng hơn một chục nhân viên rà phá bom, bởi trong tỉnh Quảng Trị này vẫn còn hàng triệu quả bom, mìn, lựu đạn, đạn pháo còn vùi trong lòng đất có thể giết người bất kỳ lúc nào.

Tác giả bài phóng sự đã ghi lại công việc của nhiều tổ chức phi chính phủ như MAG, Mine Advisory Group của Anh hay NPA (Norwegian People’s Aid) của Na Uy, đang cùng các nhân viên địa phương miệt mài mỗi ngày với cái công việc nguy hiểm, tìm phá từng quả nổ nằm khắp nơi trong vùng đất nắng cháy khắc nghiệt nhất Việt Nam. Tác giả cũng đã gặp gỡ với một số nạn nhân của các bãi bom mìn khi cuộc chiến tranh đã kết thúc.

Theo bài phóng sự, từ khi kết thúc chiến tranh, không ai biết thực sự đã có bao nhiều người bị chết hay bị thương vì những trái nổ còn sót lại. Theo những con số thống kê có thể tin cậy, có khoảng 105.000 nạn nhân, trong đó có 40.000 người thiệt mạng. Đa số họ là nông dân, tưởng đã may mắn tránh được thương vong trong thời chiến, nhưng đến thời bình thì lại trở thành nạn nhân.

Nhờ có các chiến dịch của những tổ chức phi chính phủ kể trên, những vụ thương vong vì bom mìn đã giảm đi rất nhiều. Các chiến dịch rà phá bom mìn của các tổ chức đó đã phá hủy được 370.000 quả bom, mìn trên diện tích 5.600 ha của tỉnh Quảng Trị từ năm 1998. Một kết quả không nhỏ nhưng vẫn còn quá ít trên quy mô cả nước. Theo thống kê chính thức của chính quyền Việt Nam, vẫn còn không dưới 800.000 tấn bom đạn chưa nổ nằm vùi dưới 18,8% lãnh thổ đất nước.

Một quan chức trong ủy ban quốc gia phụ trách rà phá bom mìn sau chiến tranh của Việt Nam nói với phóng viên của Libération : « Với nhịp độ rà phá như hiện nay thì phải 300 năm nữa chúng tôi mới gỡ được quả bom cuối cùng. Nếu chúng tôi đẩy mạnh tiến độ với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, ta có thể hy vọng rút ngắn thời gian trên xuống còn 100 hay 60 năm ».

Pháp : Chặng nước rút của cuộc đua vào điện Elysée

Hôm nay ngày 01/05, ngày Quốc Tế Lao Động và cũng là ngày duy nhất trong năm tất cả các nhật báo đều nghỉ. Tuy nhiên trong bối cảnh trước vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống 1 tuần, các báo ra từ hôm qua cũng như trên trang web của báo vẫn cố gắng mang đến độc giả những thông tin đầy đủ nhất về không khí chính trị sôi động ở nước Pháp.

Nhật báo Le Monde chạy tựa : « Chặng cuối cho hai người vào chung kết bầu cử tổng thống ». Tờ báo cho biết hai ứng viên Marine le Pen và Emmanuel Macron « cả hai đều chọn không đi xa quá Paris để kỷ niệm ngày 1 tháng Năm. Ứng viên của phong trào En Marche ! (Tiến Bước) có cuộc mít tinh chiều nay tại cửa ngõ Paris, Porte de la Villette. Còn bà Marine Le Pen , cũng trong buổi chiều nay tổ chức cuộc mít tinh lớn cuối cùng trong chiến dịch tranh cử ở Villepinte, thành phố ngoại ô Paris. « Đây là dịp để hai ứng cử viên lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trước khi bước vào cuộc tranh luận mặt đối mặt trực tiếp trên truyền hình vào tối thứ Tư (3/5) tới ».

Trong khi đó, báo Le Figaro ghi nhận cuộc quyết đấu tay đôi từ xa giữa hai đối thủ đang trở nên quyết liệt với các cuộc phỏng vấn liên tục trên truyền thông và cả hai đua nhau tìm mọi cách công kích lẫn nhau nhằm thu phục những cử tri còn hoài nghi, lưỡng lự : Emmanuel Macron, vốn bị nhiều chỉ trích là ứng viên xa rời quyền lợi của tầng lớp bình dân, không hiểu được nỗi khổ của người lao động… thì phát biểu « Tôi sẽ lưu tâm đến nỗi phẫn nộ của người dân Pháp », tựa của báo le Figaro. Bên cạnh đó, Marine le Pen, vốn là ứng viên mị dân bằng những hứa hẹn bảo hộ kinh tế Pháp, chủ trương đóng cửa biên giới… giờ không còn đặt trọng tâm vào chủ trương rút Pháp ra Liên Hiệp Châu Âu nữa. Liệu có phải đó là sự thay đổi chương trình hành động của các ứng viên cực hữu. Giới quan sát nhìn nhận đó chỉ là chiến thuật tranh cử ở chặng nước rút .

Hầu hết các báo đều không tiếc giấy mực để đăng những bài nhận định, so sánh chương trình, đặc biệt là về kinh tế, của hai đối thủ trong cuộc đua.

Bắc Triều Tiên : Trừng phạt mãi liệu có hiệu quả ?

Chuyển qua Le Figaro, tờ báo quan tâm đến điểm nóng châu Á hiện nay là Bắc Triều Tiên qua cái nhìn từ bên trong một đất nước đang đương đầu thách thức Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Trong lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang leo thang căng thẳng từng ngày bởi cuộc đọ sức với Mỹ. Những thông tin trên báo chí quốc tế những ngày qua tạo cảm giác một cuộc xung đột đang đến rất gần bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên,  phóng viên của Le Figaro có mặt tại Bình Nhưỡng những ngày này ghi nhận cuộc sống của 3 triệu người dân thủ đô vẫn diễn ra bình thường, không hề bị đảo lộn. Người dân mà tác giả bài báo có dịp tiếp xúc tại Bình Nhưỡng luôn tỏ một quyết tâm không lay chuyển với những phát biểu được định gần như rập khuôn rằng : « Chúng không sợ bị tấn công vì chúng tôi đã có đủ phương tiện đe dọa lãnh thổ Mỹ…và chúng tôi có sự sáng suốt của Nguyên soái ».

Bên cạnh những hình ảnh mà chế độ cố tạo ra ở Bình Nhưỡng về đời sống của người dân đang được cải thiện, tác giả ghi nhận bắt đầu có những dấu hiệu Bắc Triều Tiên đang bị áp lực bởi các trừng phạt của quốc tế. Từ tuần trước, xăng dầu ở thủ đô bỗng nhiên bị bán hạn chế, một hiện tượng hiếm thấy ở nước này.

Hwang Unok, quan chức của một trường dạy bóng đá tại Bình Nhưỡng thừa nhận : « Với các lệnh trừng phạt, mọi thứ trở nên khó khăn. Người Trung Quốc quay lại chống chúng tôi và hùa theo trừng phạt ». Giờ đây trường của ông rất khó xin visa để đưa các học viên bóng đá ra nước ngoài tập luyện. Ở Bình Nhưỡng nhiều người đã nói đến sự « phản bội » của Bắc Kinh, rằng « Trung Quốc từ khi phát triển chỉ nghĩ đến tiền và muốn có được tiền họ sẵn sàng làm hài lòng các cường quốc ».

Theo le Figaro, sau nhiều trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Trump đã lờ đi giải pháp quân sự và ưu tiên hướng trừng phạt mạnh mẽ và đồng bộ hơn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Theo ý kiến của ông Hwang : « Nói thẳng là chúng tôi không đếm xỉa đến trừng phạt, chúng tôi đã học cách chung sống với thứ đó từ lâu rồi ».

Kiev, nơi quy tụ đối lập Nga ?

Chuyển qua một bài phóng sự khác đăng trên nhật báo Libération về một chủ đề liên quan đến nước Nga của tổng thống Vladimir Putin và láng giềng Ukraina. Bài báo đề cập đến một thực tế là Kiev nay có thể coi là thành phố trú thân cho những người đối lập nga chống Putin. Theo Le Figaro, tại thủ đô của Ukraina có ít nhất 2.000 người Nga lưu vong với nhiều lý do khác nhau, nhưng có chung một ước vọng là đất nước của họ sẽ được thoát khỏi ông chủ điện Kremlin hiện nay.

Theo bài báo, từ năm 2014, tức là khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina cùng với việc Matxcơva sáp nhập Crimée vào Nga, có ít nhất 2.000 công dân Nga đã tìm đến Ukraina để lưu vong. Họ là những người có xuất xứ khác nhau nhưng có chung một mục tiêu là chống lại Vladimir Putin. Những người tị nạn đó đang dần quy tụ lại với nhau để đấu tranh vì một nước Nga không có Putin.

Thể thao : Paris Saint Germain hết thời

Sự kiện thể thao cuối tuần qua thu hút rất đông người hâm mộ bóng đá Pháp đó là việc Câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain chắc chắn sẽ không bảo vệ được chức vô địch quốc gia.

Ỏ vòng đấu thứ 35, tối Chủ Nhật, tức là chỉ còn 2 vòng đấu nữa là kết thúc giải Vô Địch Quốc Gia Bóng Đá Pháp Ligue1, câu lạc bộ giàu có nhất làng bóng đá Pháp và có nhiều người hâm mộ nhất hiện nay là PSG, hôm qua, đã bất ngờ thất thủ trước đội bóng Nice với tỷ số 1-3.

Kết quả này đã mở rộng đường cho Câu lạc bộ Monaco hướng tới ngôi vương trong làng bóng Pháp mùa giải này và hầu như PSG hết cơ hội bảo vệ ngôi vô địch quốc gia bóng đá Pháp ở mùa giải năm nay.

Các báo l’Equipe, Le Parisien đều chạy những hàng tựa đầy tiếc nuối cho đội bóng của thủ đô, từ nhiều năm qua được các ông chủ giàu mỏ Qatar đổ tiền như nước vào để mua về cả chùm sao sân cỏ tầm cỡ thế giới. Nhưng mùa bóng năm nay PSG trắng tay ở vòng đấu châu Âu. Ở trong nước, PSG chỉ an ủi một chút với hy vọng giành Cúp nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.