Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lolita và Lò Thị Gốm, tình bạn trong “Sương mù Sa Pa” - Les Brumes de Sapa

Đăng ngày:

Năm 2002, Lolita Séchan khoác ba lô sang Việt Nam tìm thế giới riêng sau thời gian dài “nằm dài” nhà mẹ và “gặm nhấm” tương lai, phân vân giữa làm họa sĩ truyện tranh, nhà văn hay... làm phi hành gia. Ở tuổi 22, cô có cảm giác tư duy như một đứa trẻ 12 tuổi, Paris khiến cô ngột ngạt, chưa kể đến “hình bóng của một cây đại thụ” - cha cô - ca sĩ nổi tiếng người Pháp Renaud.

Lolita Séchan, tác giả tập truyện tranh Les Brumes de Sapa (Sương mù Sa Pa, NXB Delcourt, 2016).
Lolita Séchan, tác giả tập truyện tranh Les Brumes de Sapa (Sương mù Sa Pa, NXB Delcourt, 2016). RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Cuộc phiêu lưu cách đây 15 năm và tình bạn được vun đắp từ lúc đó với Lò Thị Gốm, cô bé người Hmong, được Lolita Séchan kể lại bằng hình ảnh trong tập truyện Sương mù Sa Pa (Les Brumes de Sapa, Delcourt, 2016). Album còn là một cuốn tự sự, nhưng cũng phản ánh sự thay đổi mau lẹ của Việt Nam trong 15 năm qua.

Dành một buổi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt tại nhà riêng, Lolita Séchan giải thích lý do chọn Việt Nam cho chuyến đi lớn đầu tiên :

Tôi chọn Việt Nam, vì trước hết, tôi rất thích châu Á. Lúc nào cũng bị châu Á thu hút, đặc biệt là Nhật Bản, nhưng tôi cũng tò mò muốn khám phá các nước khác. Hơn nữa, trong chuyến du lịch đầu tiên này, tôi đi chung với cô bạn thân, nhưng tôi không đưa cô ấy vào tập truyện tranh. Đây là điểm duy nhất không đúng sự thật trong tập truyện.

Cả hai chúng tôi bị thu hút với những nước từng xảy ra chiến tranh. Để chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên của mình, chúng tôi chọn Việt Nam để tìm hiểu những gì đã xảy ra ở đó. Chúng tôi muốn tìm hiểu cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng sau đó, chúng tôi khám phá ra là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến, với Trung Quốc, Nhật Bản rồi đến Pháp và Mỹ. Vì vậy, chúng tôi càng tìm hiểu sâu hơn.

Về cá nhân, tôi cũng muốn đi tìm một không gian riêng cho mình, bên ngoài gia đình, ngoài nước Pháp”.

“Cú sốc” Đông-Tây

Câu chuyện bắt đầu bằng hai cảnh đối lập : cuộc sống nhẹ nhàng, thậm chí đơn điệu ở Paris, trái với không khí sầm uất, ồn ào ở Sài Gòn. “Hello, you’re French? Pháp? I know best hotel, many touristes”, “Motobike?”, “Come, I know a good place! Cheap! Cheap!”. Sài Gòn chào đón Lolita với những tiếng mời gọi, dòng xe ngược xuôi, những đường dây điện ngang dọc như trận đồ bát quái trên trời, một khách sạn bị ma (“lành”) ám và 8 nốt muỗi đốt.

Lolita thử mọi kiểu sang đường giữa một rừng xe máy ở Việt Nam : từ mắt liếc ngang dọc và lần từng bước đến sang đường "kiểu tự sát" (kamikaze) để cuối cùng đạt đến trình độ... sang đường như người Việt. Cô quen với cà phê sữa đá, lang thang từng ngóc ngách của thành phố... và đến tĩnh tâm tại Chùa Bà Thiên Hậu (Chợ Lớn) nơi cô có cảm giác tìm được chút tự do trong chú chim nhỏ mua với giá 1 đô la (sau tăng lên thành 2 rồi 3 đô la) để phóng thích, dù sau đó chú chim được huấn luyện lại quay về lồng. (Mãi về sau cô mới phát hiện ra điều này).

Trong chuyến đi đầu tiên, đúng là chúng tôi trải qua mọi “thăng trầm” tâm lý. Khi mới đặt chân đến, tất cả đều tuyệt vời, đập vào mắt, từ vẻ đẹp thiên nhiên, con người đến thành phố và cuộc sống sôi động khắp nơi. Mọi thứ đều đẹp !

Bỗng nhiên đến ngày thứ ba, chúng tôi cảm thấy nản. Trong vòng một tuần, tôi không hiểu sao, tất cả trở nên hung hăng vì chúng tôi chỉ là những du khách như những người khác. Mối quan hệ chân thành thì khó mà gây dựng được vì chúng tôi đến từ một đất nước được cho là “phát triển” và giầu có hơn. Điều này khiến mọi giao tiếp không được thật cho lắm”.

Từ Sài Gòn ngược lên Huế, cô chọn đi xe ôm. Một trong những quyết định mà cô cho là “ngu ngốc” nhất đời mình. Rời Huế dầm dề mưa, cô lên tầu ra Hà Nội rồi tới Hạ Long, nhưng vẫn chưa tìm được một mối quan hệ thực sự và trong lòng vẫn rối bời.

Bìa tập truyện tranh Les Brumes de Sapa (Sương mù Sa Pa).
Bìa tập truyện tranh Les Brumes de Sapa (Sương mù Sa Pa). RFI / Tiếng Việt

Tình bạn vượt thời gian và 10.000 cây số

Trong chuyến tầu đêm lên Sa Pa, Lolita Séchan tìm hiểu về lịch sử của các dân tộc thiểu số sống ở vùng núi Tây Bắc. Sa Pa trong tranh của cô vào năm 2002 vẫn là một thị trấn nhỏ, chào đón cô vẫn bằng những “You buy from me”, “Where are you from?”, “Pháp?”... nhưng không ồn ào giống Sài Gòn, hay Hà Nội.

Chuyến khám phá đầu tiên của cô tưởng như rơi vào ngõ cụt vì chỉ còn bốn ngày nữa cô sẽ về Paris. Trong cái lạnh và sương mù Sa Pa, Lolita gặp Lò Thị Gốm, cô bé người Hmong mới 12 tuổi. Lolita được cô bé gọi là Lò Thị Tạ (hoặc Tà?), một cái tên rất dân tộc. Chính vì sự đồng âm ngẫu nhiên này nên Lolita Séchan quyết định đề tên thật trên tác phẩm Les Brumes de Sapa, mà lúc đầu cô định lấy bút danh.

Câu chuyện của hai cô gái bắt đầu từ... máy bay vì Lò Thị Gốm chưa bao giờ được đi. Cô bé ngây thơ hỏi : “Làm thế nào mà chị biết là máy bay sẽ không bị rơi? Và nếu rơi thì sao?” - “Ờ... thì mình chết”. Cứ thế, từ chuyện này sang chuyện khác, giữa họ nhẹ nhàng hình thành một mối liên hệ giản dị, chẳng liên quan gì đến du lịch. Lần đầu tiên có người rỉ tai khuyên Lolita tránh một kẻ nổi tiếng nói dối ở Sa Pa. Lần đầu tiên có người đưa cô về tận khách sạn, nằm ngoài thị trấn. Lần đầu tiên có người cùng cô đi thăm chợ. Và lần đầu tiên có người đến tiễn cô ở bến xe.

Đúng là với cô bé đó có một mối quan hệ ngay lập tức, lúc đầu là từ phía tôi vì tôi có cảm tình ngay với cô bé có vẻ đượm buồn nhưng rất tỉnh táo trước sự thay đổi của dân tộc Hmong, bị lay chuyển giữa một bên là văn hóa truyền thống, bên kia là “chủ nghĩa tư bản” và hiện đại, làm biến đổi nhiều thứ ở Việt Nam. Cô bé nhận thấy và ý thức được mọi chuyện. Chính điều đó làm tôi xúc động. Cho nên, giữa chúng tôi một mối quan hệ nhanh chóng được hình thành.

Hai năm sau, tôi quay lại tìm cô bé mà ngày nào tôi cũng nghĩ đến. Khi tìm được thì cô bé không nhận ra tôi. Nhưng từ lúc đó, giữa chúng tôi bắt đầu một tình bạn và kéo dài được 15 năm. Hàng năm tôi vẫn quay lại thăm cô bé. Nhưng cũng từ đó, tôi có nhiều bạn bè người Việt hơn, họ sống ở Paris hay ở Việt Nam, đó thực sự là những mối quan hệ thật sự”

Tình bạn và tình thương giữa Lolita và Lò Thị Gốm được xây dựng trên sự chia cách và khác biệt. Một người có tuổi thơ hạnh phúc, sống phá cách, quen với những đêm tiệc giữa bạn bè nổi tiếng của người cha chốn Paris phồn hoa. Còn một người lớn lên trong nghèo khổ ở miền núi Tây Bắc Việt Nam, trong tuần đi bán đồ lưu niệm ở Sa Pa, cuối tuần về cấy phụ cha mẹ, nhưng đam mê được đi học, thoát khỏi những truyền thống khắt khe và không muốn kết hôn sớm.

“Với Lò Thị Gốm, tình bạn của chúng tôi được hình thành với thời gian. Cha tôi là một người sống trong u sầu, nhưng tôi chỉ tiết lộ với Lò Thị Gốm vào khoảng năm thứ năm, khi nói chuyện với cô bé tôi biết rằng cha của Gốm phần nào cũng như thế. Vì vậy, tôi tò mò muốn biết ở Việt Nam, họ làm như thế nào, giải quyết ra sao với tình trạng trầm uất như vậy. Đây là điểm chung giữa hai chúng tôi”.

Tình bạn của hai cô gái cách nhau đến nửa vòng trái đất được vun đắp trong suốt 15 năm, đặc biệt kể từ khi Lolita tạo một tài khoản thư điện tử cho Lò Thị Gốm : “Điên thật ! Lần đầu tiên em nhìn thấy một chiếc máy tính, thế mà đã hiểu nhanh hơn cả mẹ chị !”. Trong vòng 15 năm, Việt Nam cũng thay đổi một cách chóng mặt. Ở Sa Pa, điều này được thể hiện trong hình ảnh vẽ đám đông người bán hàng lưu niệm mời khách, đông hơn và cũng chèo kéo hơn.

“Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Khi tôi gặp Lò Thị Gốm lần đầu tiên, cô bé còn mặc trang phục truyền thống, chưa bao giờ cầm một cây bút bi và cô bé tự hào vì chẳng đáp ứng chuẩn mực nào về sắc đẹp, giống như là “kẻ ngoài lề” vậy. Bây giờ, cô ấy muốn nằm trong khuôn khổ, trường phái mà tiêu chí về sắc đẹp kiểu Mỹ và phương Tây áp đặt.

Việt Nam cũng vậy, có những thay đổi hơi tiêu cực một chút theo trật tự tư bản chủ nghĩa, xã hội tiêu thụ và tư tưởng thống nhất cho mọi người. Bên cạnh đó cũng có những thay đổi tích cực như tự do ngôn luận rộng rãi hơn một chút, đối thoại cởi mở hơn. Ngay khi đi du lịch, người ta có cảm giác được nói nhiều hơn với thế hệ trẻ, thậm chí cả về chính trị mà trước đây thường là chuyện hiếm.

Điều không tưởng nữa là tốc độ hủy hoại những công trình cũ, đáng tiếc như một vài khu vực phố cổ Hà Nội, hay những khu phố có kiến trúc thuộc địa vì đây là một phần lịch sử của đất nước, hay những công trình hiện đại mới. Tôi không biết là người ta phải làm thế nào để đấu tranh chống hiện tượng mang tính quốc tế này. Nhưng đổi lại, nếu có nhiều quyền tự do hơn, thì đó là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn chưa chắc lắm”.

Sắp tới, Lolita Séchan lại chuẩn bị một chiếc ba lô, một túi thuốc, một vé máy bay Paris-Dubai-Sài Gòn-Hà Nội để đến gặp “em gái”. Việt Nam trở thành nơi cô “trốn Paris, nhưng cũng là nơi cô trở về, nơi cô được lang thang và trở nên thân thuộc”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.