Vào nội dung chính
KINH TẾ - VIỆT NAM

Việt Nam mơ trở thành công xưởng của hành tinh

Nguyệt san Le Monde Diplomatique, số tháng Hai 2017, có một bài đặc biệt về Việt Nam : « Việt Nam mơ trở thành xưởng thợ của hành tinh », trong lúc đó thì các tuần báo Pháp lại cuốn vào những diễn biến sôi động trên chính trường Pháp - đặc biệt là vụ được mệnh danh là Penelopegate, liên quan đến việc phu nhân ứng viên tổng thống sáng giá của cánh hữu François Fillon bị nghi ngờ được chồng lấy công quỹ trả lương trong nhiều năm trời, cho công việc « trợ lý nghị sĩ » không có thật. Một hồ sơ khác cũng thu hút chú ý là các quyết định gây tranh cãi của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, nhất là những điều được cho là ý đồ không tốt đối với châu Âu.

Trong một xưởng may tại Bắc Giang. Ảnh chụp ngày 21/10/2015.
Trong một xưởng may tại Bắc Giang. Ảnh chụp ngày 21/10/2015. Reuters/Kham
Quảng cáo

Mở đầu một phóng sự dài về kinh tế Việt Nam trong nguyệt san Le Monde Diplomatique, tác giả Martine Bulard ghi nhận là trong không đầy 40 năm, dân chúng Việt Nam đã cải thiện được mức sống : Không còn thiếu ăn, thanh niên miệt mài trên các mạng xã hội, phim Nhật Bản và Hàn Quốc là món giải trí trong các gia đình… Chỉ có điều kiện lao động là còn rất khó khăn và kinh tế ngày càng lệ thuộc vào nước ngoài. Hy vọng của chính quyền Việt Nam có quan hệ đối tác ưu đãi với Mỹ có thể sẽ không thành.

Tác giả bài viết minh họa nhận định của mình qua những cuộc gặp với giới doanh nhân Việt Nam, cụ thể là trường hợp lãnh đạo một công ty may xuất khẩu tại Bắc Giang, tên tiếng Anh là Bac Giang Garment Corporation (BGGC), có những khách hàng là các đại tập đoàn nước ngoài : Gap của Mỹ, Uniqlo của Nhật hay Zara của Tây Ban Nha.

Dệt may xuất khẩu phát đạt

Đây là một công ty mà dân chúng Việt Nam ít biết đến vì sản phẩm làm ra, theo quy định của hợp đồng, không bán trên thị trường nội địa để giữ giá trị của nhãn hiệu. Vả lại với đồng lương tháng 5 triệu đồng cho 6 ngày làm việc, thì các công nhân ở đấy không tài nào mua nổi sản phẩm mà họ làm ra. Cách đây 10 năm, tức trước thời kỳ tư hữu hóa, một từ ngữ ở đây không ai dùng, BGGC chỉ có một xưởng, thu dụng 350 người. Bây giờ thì công ty đã phát đạt lên với 5 cơ xưởng và 14.000 nhân công, đơn đặt hàng đầy ắp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, đặc biệt là các đại tập đoàn Nhà Nước bị thua lỗ nặng dù đã cổ phần hóa hay không. Một luật sư xin giấu tên, giải thích đó là do họ vừa không có kinh nghiệm, vừa tham nhũng. Một ví dụ điển hình là Petro Vietnam, mà nhiều lãnh đạo đã phải từ chức do thua lỗ quá nặng. Dĩ nhiên là có những thành công ngoạn mục hiếm hoi, như Vingroup mà chủ tịch tổng giám đốc là tỷ phú Việt Nam duy nhất trên danh sách tạp chí Forbes, hay Viettel của quân đội và tập đoàn Vinamilk với vốn nước ngoài, trong đó có một quỹ đầu tư của Singapore.

Vị luật sư Việt Nam xin giấu tên so sánh : Trước kia doanh nhân Việt Nam bơi trong một cái ao rất hẹp, cái ao làng, nhưng bây giờ trước mặt họ là đại dương, một đại dương dậy sóng tự do mậu dịch và cạnh tranh khốc liệt.

Công ty may mặc BGGC đã kinh qua khó khăn : « Để giảm bớt chi phí, một số khách hàng không ngần ngại dùng Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc và cũng sử dụng Trung Quốc để đối phó với Việt Nam ». Và Việt Nam đã phải cắt xén nhiều khoản chi tiêu để thực hiện các hợp đồng và giữ khách hàng.

Chẳng hạn như Uniqlo đã ngưng cung cấp hàng choTrung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Lever Style, một nhà cung cấp khác của nhãn hiệu Nhật Bản đã giảm 1/3 nhân công Trung Quốc và dự kiến sản xuất 40% sản phẩm ở Việt Nam từ đây đến 2020, trong lúc mà họ vắng bóng ở Việt Nam cách đây 6 năm.

Từ đầu thập niên này các nhãn hiệu lớn quốc tế và giới gia công của họ dần dần rời bỏ Trung Quốc, như tập đoàn Đài Loan Bảo Thành (Pou Chen) gia công cho Adidas, Nike, Puma, Lacoste..., đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la vào khu công nghiệp chung quanh Thành Phố Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Hiệp hội các công ty vải sợi - may mặc Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết là 65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các công ty vốn nước ngoài hay của đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Nhân công rẻ và TPP từng là hấp lực

Cũng như phần đông lãnh đạo kinh tế Việt Nam, ông Cẩm chờ đợi nhiều nơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Dựa trên đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới, giới dệt may chờ đợi là thị phần thế giới của họ tăng mạnh, từ 4% hiện nay lên 11% vào năm 2025, xuất khẩu như thế sẽ tăng 18%. Lãnh đạo Việt Nam dự kiến khoản tăng thêm của tăng trưởng từ 0,8% đến 2% mỗi năm trong thập niên tới.

Triển vọng tốt đẹp này đã góp phần làm cho số công ty nước ngoài đến Việt Nam tăng vọt những năm gần đây. Dĩ nhiên nhân công giá hạ cũng góp phần không nhỏ, như giải thích của hai ông Shimizu và La Văn Tranh, lãnh đạo công ty Nhật Foster Electric sản xuất micro cho iPhone : « Công nhân Việt Nam có tính cạnh tranh cao. Khởi đầu thì họ không được đào tạo tốt, nhưng họ học hỏi rất nhanh. Chúng tôi sử dụng 30.000 người và lương tháng căn bản chỉ xoay quanh 150-200 đô la trong khi trung bình ở Trung Quốc là phải 650 đô la. Chúng tôi như thế tiết kiệm rất nhiều ».

Không chỉ có Foster giảm hoạt động ở Trung Quốc, Samsung cũng vậy và đã đầu tư 15 tỷ đô la, sử dụng 46.000 nhân công. Cả một thành phố nhỏ ! Và còn có Foxconn, Apple, Canon…

Nhưng không chỉ do nhân công rẻ, mà còn các dự kiến giảm thuế quan ở Mỹ và trong 11 nước khác của TPP, bỏ hoàn toàn vào năm 2025. Các nhà thương thuyết Mỹ cũng đưa ra một quy tắc là các sản phẩm xuất khẩu phải do Việt Nam hoàn toàn sản xuất hay từ những sản phẩm do các đối tác trong hiệp định TPP sản xuất, không còn chuyện lắp ráp tại đây những yếu tố sản xuất ở bên ngoài khối.

Với trợ giúp của Mỹ và hiệp định TPP, theo Le Monde diplomatique, Việt Nam nhìn thấy tương lai của mình trong tư thế xưởng sản xuất thứ hai của thế giới, sẵn sàng giành thị phần của Trung Quốc.

Donald Trump phá hy vọng của Việt Nam

Nhưng việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại TPP có thể thay đổi ván cờ. Bài báo nhắc lại sự kiện vào tháng 11 vừa qua, màn hình đài CNN xem tại Việt Nam có lúc bị một tấm bảng màu xanh che khuất với dòng chữ : « Vì nội dung không thích hợp ». Sau này mới biết là tổng thống tân cử Mỹ đã chỉ trích « hàng giả rẻ của Việt Nam » đe dọa tràn ngập nước Mỹ. Cho nên CNN đã tránh cho khán giả Việt Nam nghe thấy những lời tố cáo không hay ho này.

Trước mắt lãnh đạo Việt Nam hy vọng là các tập đoàn Walmart, Nike, Apple, Microsoft v.v có thể làm cho tổng thống Mỹ hiểu rõ hơn hay ít ra áp đặt một hiệp định song phương. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại trước Quốc Hội, ngày 18/11, là Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do mậu dịch và sẽ tiếp tục con đường hội nhập dù có TPP hay không.

Hiện tại đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Á , theo thứ tự : Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam cũng nhìn đến hiệp định ký với Châu Âu mà Quốc Hội Pháp đã thông qua tháng 6/2016.

Hà Nội đặt hy vọng tăng trưởng vào « tất cả vì xuất khẩu » và đầu tư nước ngoài với những điều kiện bằng vàng : miễn thuế trong vòng 4 năm đầu, giảm một nửa thuế trong 9 năm sau, điều kiện dễ dàng về mặt bằng - bất kể thiệt thòi cho nông nghiệp, cộng thêm trợ giúp của chính phủ về cơ sở, thủ tục hành chính đơn giản, v.v… bấy nhiêu yếu tố ưu đãi mà các nhà đầu tư khó cưỡng lại, ngay cả trong khu vục.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Mặt trái ở đây đối với Việt Nam là sự lệ thuộc vào nước ngoài chưa kể vấn đề phá hoại môi trường.

Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài nắm 2/3 xuất khẩu. Tác giả trên Le Monde Diplomatique ví von : Samsung hiện chiếm 60% hàng điện tử bán ra nước ngoài của Việt Nam. Nếu tập đoàn Hàn Quốc bị ho, như với vụ pin của Galaxy Note 7 bị cháy, thì Việt Nam sẽ bị cảm ngay.

Pháp : Penelopegate phá vỡ hình ảnh liêm chính của Fillon

Như đã nói ở trên, chính trường Pháp là chủ đề nổi bật nhất của các tuần báo Pháp, với vụ Penelopegate được nêu bật cho dù hồ sơ chính được dành cho các đề tài khác.

Tuần báo L’Obs chẳng hạn, đã dùng trang bìa để minh họa cho hồ sơ chính của tờ báo là Mặt Trận Quốc gia Front National, đảng cực hữu tại Pháp. Một chân dung đen trắng của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu, lấp đầy trang bìa, trên miệng có dán một tờ giấy dính bên trên có ghi : « Những điều mà bà ta không nói với quý vị ».

Bên cạnh hồ sơ đặc biệt đó, vụ Penelopegate dĩ nhiên đã được L’Obs khai thác với một câu hỏi mà tờ báo nào cũng đưa ra trong những ngày gần đây : « Liệu ông Fillon có thể tiếp tục bám trụ được không ? » trước các tiết lộ liên tiếp, và có thể là chưa dứt, nhắm vào ông.

Bài viết trên tuần báo L’Obs đã nhấn mạnh đến sự kiện là hình ảnh một con người liêm chính mà ông François Fillon từng cố giữ gìn đã vỡ tan.

Theo tạp chí L’Obs, ông Fillon đã luôn luôn cố gắng để cho tên tuổi của ông không bị vướng vào những vấn đề tiền bạc thấp hèn như cựu tổng thống Sarkozy. Thế nhưng vào lúc này, ông lại bị tình nghi là đã lẫn lộn giữa chính trị và một doanh nghiệp gia đình.

Báo giới châu Âu mỉa mai đời sống chính trị Pháp

Tuần báo Courrier International, mà hồ sơ chính là « Các phương tiện chuyên chở » cũng đề cập đến vụ Penelopegate, nhưng dưới lăng kính của báo chí ngoại quốc. Ghi nhận chung của Courrier International là báo giới nước ngoài đã có thái độ hết sức phê phán trước một vụ tai tiếng bị cho là đặc thù của nền chính trị Pháp.

Courrier International đã nêu bật nhận xét của Bjørn Willum, thông tín viên tại Paris của đài phát thanh và truyền hình Đan Mạch, cho rằng nếu vu Penelopegate mà nổ ra tại Đan Mạch, thì « ông Fillon đã tiêu tùng từ lâu ».
Trả lời Courrier International, nhà báo này đã nêu lên ví dụ của đương kim thủ tướng Đan Mạch, đang bị rắc rối chỉ vì đã hay dùng công quỹ để mua bia uống hay trả tiền tắc xi.

Theo Willum, dư luận Đan Mạch rất ngỡ ngàng, khi thấy ông Fillon vẫn tiếp tục đi vận động tranh cử, dù bị dính líu vào một vụ tai tiếng có quy mô như vụ PenelopeGate.

Tại Đan Mạch thì như vậy, còn tại các nước khác thì sao. Courrier International đã trích ý kiến trên một số tờ báo ngoại quốc, nhìn chung rất phê phán. Tờ báo Hà Lan Trouw, ngày 26 tháng Giêng chẳng hạn đã ghi nhận : « François Fillon đã mất đi hình ảnh thanh liêm của mình. Và vào lúc mà thái độ thiếu thiện cảm đối với các chính khách mạnh đến mức kỷ lục, ông có nguy cơ bị mất hết ».

Tờ Die Zeit của Đức ngày 25 tháng Giêng cũng ghi nhận : « Ông Thanh Liêm của nền chính trị Pháp phải đối mặt với vụ tai tiếng cỡ bự đầu tiên ». 

Còn báo Le Temps tại Thụy Sĩ thì đã tự hỏi hôm 27 tháng Giêng rằng : « Nếu François Fillon quả thực là đã trả lương cho vợ mình dù bà không làm gì cả trong hơn 10 năm, thì phải nghĩ sao về lời hứa giảm đáng kể số lượng công chức mà ông đã ghi trong cương lĩnh tranh cử có mục tiêu là cải tổ nước Pháp bằng biện pháp mạnh ? ». 

Cùng ngày, tờ The Independent tại Luân Đôn cũng nhận định mỉa mai : « Sẽ không có ai lấy làm lạ nếu ông François Fillon không chịu từ bỏ cuộc đua, vì gian lận là yếu tố không thể tách rời của đời sống chính trị Pháp ».

Riêng tờ Il Sole-24ore ở Ý dự báo : « Nếu không giải thích được một cách rõ ràng, mà chọn cách phản ứng cổ điển và bày tỏ thái độ công phẫn thường thấy nơi các vị tai to mặt lớn, thì ông ấy sẽ bị vụ tai tiếng đó ám quẻ trong suốt cuộc vận động tranh cử ».

Fillon gặp khó, Macron hưởng lợi ?

Tạp chí l’Express cũng dành hồ sơ chính cho tình hình nội bộ Pháp, và trên trang bìa, đã đăng ảnh của ứng viên độc lập Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng trong chính quyền Xã Hội với câu hỏi « Macron có thể thắng hay không ».

Đối với tờ báo, ông Macron quả là đang gặp may, đặc biệt là với những khó khăn mà ứng viên cánh hữu Fillon đang gặp phải. Vào thời điểm này, ông Macron đang nằm trong tốp đầu của các ứng viên tổng thống 2017.

Thế nhưng, con đường phía trước đối với ứng viên tự nhận là người không thuộc bất kỳ phe nhóm nào sẽ rất gian nan. Ông được cánh hữu của đảng Xã Hội Pháp ủng hộ, nhưng sẽ vấp phải khó khăn khi tìm cách mở cửa về phía các cử tri thuộc cánh trung hữu.

Cũng liên quan đến ông Macron, tạp chí L’Obs đã nêu bật trường hợp tiến thoái lưỡng nan của bà Myriam El Khomri, bộ trưởng Lao Động trong chính phủ Pháp trong việc chọn ứng viên tổng thống để ủng hộ.

Là người cho đến nay luôn hậu thuẫn cho ứng viên Manuel Valls, cựu thủ tướng, trong cuộc bầu cử sơ bộ bên đảng Xã Hội, khi ông Valls bị thua ông Benoit Hamon, bà như bị mất phương hướng.

Lý do rất đơn giản : Trên nguyên tắc, với tư cách là đảng viên đảng Xã Hội, bà phải ủng hộ ứng viên của đảng là ông Hamon. Thế nhưng ứng viên này lại từng công khai tuyên bố là nếu được lên cầm quyền, ông sẽ yêu cầu xóa bỏ đạo luật về lao động mang tên bà Khomri.

Liên Hiệp Châu Âu trong tầm nhắm của Donald Trump

Trong số các tuần báo Pháp, Le Point là tờ hiếm hoi đã dành hồ sơ chính cho Donald Trump, với chân dung tân tổng thống Mỹ chiếm trọn trang bìa, dưới hàng tựa lớn : « Sự va chạm giữa các nền văn minh », mô phỏng tựa đề khảo luận nổi tiếng của Samuel Hungtinton The Clash of Civilizations xuất bản năm 1993. Bên dưới hàng tựa lớn, Le Point giải thích : Ông Trump đã làm thế giới đảo lộn như thế nào.

Trong số những chi tiết được nêu lên, Le Point đặc biệt chú ý đến sự kiện các thủ đô lớn trên thế giới đang chăm chú theo dõi xem người được cử làm ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ xử sự như thế nào, với câu hỏi liệu ngoại trưởng Mỹ có thể làm cho tổng thống Trump bình tĩnh hơn hay không ?

Câu hỏi này được đặt ra vì lẽ Châu Âu đặc biệt sững sờ trước các dự án chống Liên Hiệp Châu Âu của tân tổng thống Mỹ. Le Point đã trích dẫn một đại sứ của Hoa Kỳ tại Bruxelles sắp rời bỏ chức vụ đã không ngần ngại gọi ê kíp lãnh đạo mới tại Washington là « một lũ điên ».

Le Point nêu bật hai ví dụ về quan điểm chống Liên Hiệp Châu Âu của ông Donald Trump. Liên quan đến đồng tiền chung châu Âu là euro, tân chủ nhân Nhà Trắng từng nói đồng tiền đó đang trên đà tiêu vong, và có thể bị sụp đổ trong vỏn vẹn một năm hay một năm rưỡi tới đây. Về định chế Liên Hiệp Châu Âu, ông Trump cho rằng cần phải xem xét lại.

Đối với Le Point, rõ ràng « Lục Địa Cũ – tức là Châu Âu – đang trở thành đối tượng công kích mới của ông Trump. Ông có vẻ rất muốn đánh Liên Hiệp Châu Âu về kinh tế, và đánh NATO về quân sự ». Một trong những sách lược của ông Trump là « lợi dụng vụ Anh Quốc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu để ưu đãi Luân Đôn về phương diện thương mại ».

Vấn đề, theo Le Point, Bruxelles vẫn chưa tìm ra được cách đối phó với tân tổng thống Mỹ, thậm chí Ủy Ban Châu Âu – định chế tương đương với chính phủ Châu Âu – đã im thin thít và không hề đáp trả tuyên bố của ông Trump theo đó Brexit là một điều « tuyệt vời ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.