Vào nội dung chính
VIỆT NAM - TÔN GIÁO

Tự do tôn giáo ở Việt Nam tiến triển chậm

Tờ báo La Croix hôm nay đã dành một trang để nói về Việt Nam qua bài viết tựa đề « Tự do tôn giáo tiến triển chậm ở Việt Nam », do đặc phái viên của tờ báo này từ Mỹ Tho gởi về.

Thánh lễ ngày 16/09/2013 tại Đền thánh Antôn Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên, thuộc giáo phận Vinh, Việt Nam.
Thánh lễ ngày 16/09/2013 tại Đền thánh Antôn Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên, thuộc giáo phận Vinh, Việt Nam. thanhnienconggiao.blogspot.com
Quảng cáo

Tờ La Croix nhắc lại là Luật Tín ngưỡng và tôn giáo, được thông qua vào năm 2016, sẽ có hiệu lực kể từ tháng 01/2018. Các giám mục Việt Nam hiện chưa biết luật này sẽ được áp dụng như thế nào, nhưng họ hy vọng văn bản này sẽ giúp cho mọi tổ chức của Công Giáo đạt được một tư cách pháp nhân.

Đặc phái viên tờ báo trích lời tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giám mục Mỹ Tho Phêrô Nguyễn Văn Khảm thận trọng nói rằng : « Luật mới có những điểm tích cực và những điểm tiêu cực. Luật này sẽ giúp cho các tổ chức tôn giáo kể từ nay có một tư cách pháp nhân ». Nhưng giám mục Khảm cũng nói thêm là cho dù được đăng ký đàng hoàng, họ vẫn phải xin phép chính quyền địa phương cho mọi hoạt động.

Mặt khác, theo La Croix, chưa ai hiểu là nội dung các luật mới cụ thể là như thế nào. Một vài tờ báo có nêu lên những điểm chính của luật, nhưng nêu một cách tổng quát và không có bình luận gì thêm. Cha Jean Mais, linh mục Hội Thừa Sai Paris, từng sống 10 năm ở Việt Nam và vẫn theo dõi sát tình hình Việt Nam, cũng xác nhận rằng chẳng ai biết Luật Tín Ngưỡng Và Tôn Giáo sẽ được áp dụng ra sao.

Các nghị định thi hành luật còn khó dự báo hơn, vì từ khoảng vài tuần qua, đảng Cộng Sản Việt Nam dường như có thái độ cứng rắn hơn, với nhiều vụ bắt giữ như vụ bắt Nguyễn Văn Oai, một thanh niên theo đạo Tin Lành, từng bị cầm tù từ năm 2011 đến 2015 và vừa bị bắt trở lại vào ngày 19/01.

Giám mục Nguyễn Văn Khảm nói với đặc phái viên La Croix : « Cách duy nhất để chúng tôi rao giảng Tin mừng đó là đến giữa người dân, mà đa số theo Phật giáo, thăm viếng người bệnh, giúp đỡ người nghèo. Nhưng ngay cả trong những việc đó, chúng tôi cũng phải làm thật kín đáo. »

Giám mục Mỹ Tho lấy ví dụ trường cho trẻ em câm điếc do các nữ tu điều hành tại giáo phận này : « Chính quyền địa phương cho phép hoạt động vì trường này có ích cho mọi người, chứ không riêng gì người Công Giáo. »

Hàng lang Trung Quốc ở Pakistan

Cũng về châu Á, tờ Libération hôm nay dành đến hai trang để nói về quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Pakistan, với hàng tựa « Ở Pakistan, một hành lang Trung Quốc đắt như vàng ».

Theo Libération, được Bắc Kinh tài trợ hơn 50 tỷ euro, một hiệp định kinh tế sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển hàng hóa của nước này thẳng tới tận Ấn Độ Dương, đồng thời tự cung cấp nguồn dầu khí. Đây là một hiệp định béo bở đối với Islamabad, nhưng không phải là có lợi cho tất cả mọi người.

Tờ Libération cho biết tại Pakistan, nơi mà một phần tư dân số 190 triệu người vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó, hiện giờ ai cũng nói đến chữ « sipek », tức CPEC, viết tắt của hiệp định « Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan ». Kế hoạch này của Trung Quốc hứa hẹn tạo 700.000 việc làm, đặt hàng trăm doanh nghiệp tại 37 « đặc khu kinh tế », cải tạo hệ thống đường bộ và đường xe lửa, xây dựng mạng cáp quang và chấm dứt tình trạng cúp điện triền miên làm tệ liệt cả nước nhiều giờ mỗi ngày. Đổi lại, Trung Quốc được quyền thông thương đến tận Ấn Độ Dương, qua cảng nước sâu Gwadar, nằm ở vùng cực nam Pakistan.

Theo Libération, « Hành lang » này là dự án quan trọng nhất trong số « sáu con đường tơ lụa mới » mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.

Nhưng mặt trái của hiệp định đó là trong vòng 15 tháng, 50 công nhân Pakistan đã thiệt mạng tại công trường xây tuyến metro tự động trên không. Các công đoàn lên án các nhà thầu vi phạm những quy định về an toàn lao động và không trả tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Tờ báo trích lời một giáo sư kinh tế ở Islamabad, Ahmed Ijaz Malik : « Tôi không thấy có bằng chứng nào là hiệp định CPEC sẽ có lợi cho người dân. Mọi thứ đều rất mờ ám. Hàng tỷ đôla thu được rất có thể sẽ được bơm trở lại vào các thị trường tài chính của Trung Quốc ».

Châu Âu chia rẽ về đối sách với Trump

Nhân cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu -LHCA tại Malta hôm nay, tờ Le Monde đề cập đến việc các nước trong khối đang chia rẽ về phương cách đối phó với tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Le Monde, cho đến trước cuộc họp hôm nay, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu còn do dự, chưa biết có nên nhân dịp này để thẳng thừng lên án những quyết định hoặc những lập trường thù nghịch của ông Trump, trong khi châu Âu đang có nguy cơ bị suy yếu và cô lập hơn bao giờ hết bởi những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ sau khi tổng thống Obama rời Nhà trắng.

Tuy nhiên, theo Le Monde, tại Malta hôm nay, các lãnh đạo châu Âu sẽ tránh tỏ lập trường quá dứt khoát, vì họ vẫn muốn duy trì mối liên hệ cần thiết giữa châu Âu với Hoa Kỳ, cho dù tân tổng thống Mỹ đã có những tuyên bố ủng hộ Brexit và chống LHCA. Tờ báo trích lời một nhà ngoại giao nói rằng : « Không nên lao vào một cuộc tranh cãi có nguy cơ khiến tình hình xấu đi ». Một ngày nào đó, Trump sẽ trở lại với mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Dẫu gì đi chăng nữa thì cũng không thể có một tiếng nói đồng nhất, khi thủ tướng Hungary Orban ca ngợi sắc lệnh chống nhập cư của Trump, còn thủ tướng Đức Merkel và tổng thống Pháp Hollande lên án sắc lệnh này ?

Báo chí Mỹ đối đầu với Trump

Trước một vị tổng thống đang « gây chiến » với các phương tiện truyền thông, giới báo chí Mỹ đang tìm cách đối phó. Đó là hồ sơ trên trang nhất của tờ Libération hôm nay.

Bất bình vì báo chí đã đăng ảnh chụp đám đông dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông ít hơn hồi lễ nhậm chức của Obama năm 2009, nhà tỷ phú đã cáo buộc báo chí Mỹ là thao túng thông tin, thậm chí chửi các phóng viên là « những người bất lương nhất trên Trái Đất này ».

Trước một vị tổng thống như vậy, các phóng viên Mỹ đang tự vấn : Có nên ăn miếng trả miếng ? Trump có phải là « kẻ thù » của họ ? « Không », nhà viết xã luận của Washington Post Fred Hiatt viết. « Không thể đáp lại một nền báo chí thiếu trung thực và thiên vị bằng một nền báo chí thiên vị hơn ». Đối với giáo sư Larry Stuelpnagel, thuộc đại học Northwestern, vai trò chủ yếu của nhà báo vẫn không thay đổi: « thẩm tra và tường thuật đúng những sự việc”.

Trump - Doanh nghiệp : Tuần trăng mật chấm dứt

Tiếp tục bàn luận về các chính sách của tân tổng thống Hoa Kỳ, tờ nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đưa hàng tựa « Tuần trăng mật giữa Trump và các chủ tập đoàn đã chấm dứt ».

Theo Les Echos, lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi Giáo đã khiến các chủ tập đoàn lớn của Mỹ bàng hoàng, cả về mặt kinh tế lẫn đạo đức. Viễn cảnh Donald Trump giới hạn visa cấp cho những kỹ sư giỏi nhất thế giới đe dọa thật sự các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Facebook, Microsoft.

Cho tới nay, giới chủ vẫn tin tưởng vào tân tổng thống Hoa Kỳ, và rất hứng khởi trước lời hứa của ông Trump trong việc nới lỏng các quy định và giảm thuế cho doanh nghiệp. Nhưng tuần trăng mật nay đã chấm dứt, trong những ngày qua, nhiều chủ tập đoàn lớn đã chỉ trích chính sách của ông Trump. Vấn đề nhập cư chắc chắn sẽ lấn át các đề tài khác trong cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Trump với 15 chủ tịch - tổng giám đốc các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ.

Pháp : « Kế hoạch B » thay ngựa giữa dòng

Về tình hình chính trị nội bộ Pháp, vào lúc áp lực gia tăng lên ứng cử viên François Fillon, theo Le Figaro, ngày càng có nhiều nhân vật lãnh đạo bên cánh hữu lên tiếng yêu cầu chuyển sang « kế hoạch B » để kéo ông Fillon ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống.

Nhưng tờ báo trích lời một trong những nhân vật đó than thở rằng, « giai đoạn đầu tiên và cũng là giai đoạn phức tạp nhất, đó là thuyết phục ông Fillon rời khỏi cuộc đua ». Nhưng đặt giả thuyết ông Fillon đồng ý rút lui, thì bước kế tiếp sẽ là gì ? Có ba hướng đang được đặt ra.

Đầu tiên là mời cựu tổng thống Nicolas Sarkozy trở lại tranh cử, vì ông đã từng nắm giữ chức vụ này. Chỉ có điều là những người thân cận với ông Sarkozy cho biết ông không hề muốn làm chính trị nữa.

Cũng theo Le Figaro, ông Sarkozy cho rằng ông Fillon gần như không thể thoát được vụ này, và phải đề cử một người có cùng lứa tuổi với ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, tức là độ tuổi 50 hoặc 40. Những người thuộc lứa tuổi đó, như François Baroin, cựu bộ trưởng Kinh Tế, hay Bruno Le Maire, cựu bộ trưởng Nông Nghiệp, thì bề ngoài vẫn tuyên bố trung thành với ông Fillon, nhưng bên trong thì họ cũng đang suy nghĩ về « kế hoạch B ». Và họ đều không chấp chận để cho bộ chính trị hoặc hội đồng toàn quốc chỉ định ứng cử viên mới.

Còn hướng thứ ba là gọi cựu thủ tướng Alain Juppé, vì đây là người duy nhất có thể cứu vãn tình thế mà không gây chia rẽ trong nội bộ đảng Những Người Cộng Hòa.

Máy vi tính sắp cáo chung ?

Trên trang kinh tế, tờ Le Figaro hôm qua chú ý đến nguy cơ « tuyệt chủng » của ngành sản xuất máy vi tính, nếu ngành không tự tìm ra hướng đi mới.

Theo tờ báo này, từ 5 năm trở lại đây, số máy vi tính bán ra trên thế giới không ngừng sụt giảm, xuống trở lại mức cách đây 10 năm, với 270 triệu máy trong năm 2016. Số bán sụt giảm như vậy chính là do tỷ lệ trang bị máy vi tính đã quá cao tại các nước phát triển, nơi mà các cá nhân cũng như các doanh nghiệp giữ được thiết bị của họ hoạt động lâu hơn. Còn tại những nước đang tăng trưởng, máy vi tính bị điện thoại di động cạnh tranh gay gắt giành vị trí số một.

Cũng theo Le Figaro, để tự đổi mới, các nhà sản xuất máy vi tính đã buộc phải « vay mượn » nhiều từ máy tính bảng (tablet). Các sản phẩm của họ ngày càng mỏng hơn, nhẹ hơn, và có thể chuyển thành tablet, như Chrome Books, hiện thu hút ngày càng nhiều người tiêu dùng, vì có giá rất rẻ, chỉ từ 200 đến 300 euro.

Trang nhất các báo Pháp

« Quyền lực thứ tư nổi dậy chống Trump », đó là tựa trên trang nhất của tờ Libération hôm nay, nói về phản ứng của các nhà báo Mỹ trước thái độ thù nghịch của tân tổng thống Mỹ.

Tờ Le Monde thì đưa hàng tít đầu về chương trình tranh cử của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, trong đó có kế hoạch sẽ ghi vào Hiến Pháp chính sách dành ưu tiên cho dân Pháp.

Le Figaro thì quan tâm đến tình hình của ứng cử viên François Fillon, dù bị tai tiếng Penelopegate nhưng vẫn tiếp tục tranh cử, trong khi cánh hữu thì rất lo ngại.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì dành trang nhất cho lĩnh vực ngân hàng, với việc kể từ nay dân Pháp sẽ có thể đổi ngân hàng một cách dễ dàng hơn.

Nhật báo Công giáo La Croix thì đăng kết quả điều tra hàng năm do viện thăm dò Kantar thực hiện cho tờ báo này, cho thấy là mức độ tin cậy của dân Pháp đối với các phương tiện truyền thông cũng như mối quan tâm đối với thông tin đã sụt giảm rất mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.