Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Việt Nam : Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường

Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.

Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Việt Nam phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Reuters
Quảng cáo

Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề " Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á."

Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.

Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia ( 85,4 trên một triệu dân )

Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 ( thêm 4.252 ca tử vong ). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.

Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.

Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.

Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.

Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất « căng », chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : « Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án « sạch » hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.

Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes ( forbes.com ) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.

Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.

Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.

Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.

Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.

Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.