Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn phải quyết tâm cải cách

Đăng ngày:

Với việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Việt Nam sẽ phải tìm những con đường khác để thúc đẩy tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế. Mặt khác, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh cải tổ, thực hiện những cam kết đã đưa ra trong khuôn khổ đàm phán TPP trước đây. Đó là nội dung chính bài trả lời phỏng vấn của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn với ban Việt ngữ ngày 27/01/2017 vừa qua.

Một nhà máy may quần áo ở tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 05/01/2016
Một nhà máy may quần áo ở tỉnh Hưng Yên, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 05/01/2016 Reuters
Quảng cáo

09:13

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, Sài Gòn

Bloomberg : Dù Mỹ ra khỏi TPP, Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư

Theo hãng tin Bloomberg, mặc dù Hoa Kỳ đã chính thức thông báo rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc, vì đây là một quốc gia có giá nhân công rẻ, có lực lượng lao động trẻ. Mặt khác, dù có TPP hay không, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh cải tổ để tiếp tục là địa điểm đầu tư hấp dẫn.Khỏi cần nói thì ai cũng biết TPP rất quan trọng đối với Việt Nam, vì hiệp định này sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn.

Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 15% lên tới hơn 38 tỷ đôla, theo số liệu của Hải quan Việt Nam. Hiện giờ, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 22%. Các sản phẩm dệt may và giày da chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam. Nếu được thực hiện, TPP sẽ xóa bỏ mức thuế 17% đối với hàng dệt may của Việt Nam nhập vào thị trường Hoa Kỳ, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Mất TPP, lợi thế này cũng sẽ không còn.

Các công ty của Mỹ ở Việt Nam dĩ nhiên là rất thất vọng trước việc tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP. Trong bản tin ngày 25/01/2017, Bloomberg trích lời ông Adam Stkoff, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội, cho rằng đây là một tin xấu đối với các công ty Mỹ và Việt Nam, đối với nhà đầu tư cũng như đối với công nhân, nông dân và người tiêu dùng.

Nhưng theo hãng tin Bloomberg, tuy Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, các nhà máy ở Việt Nam hiện vẫn tiếp tục sản xuất hết công suất, vì nước này vẫn thu hút các công ty đa quốc gia. Việc tân tổng thống Donald Trump dọa sẽ đánh thuế 45% vào hàng sản xuất ở Trung Quốc càng thúc đẩy các công ty ngoại quốc chuyển cơ sở sản xuất sang các nước khác, nhất là sang Việt Nam, một quốc gia có nhân công vừa rẻ, vừa trẻ.

Bloomberg trích dẫn Trinh Nguyen, một nhà kinh tế cao cấp tại ngân hàng Natixis SA ở Hồng Kông, cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc từ những công ty cần nhiều nhân công, cũng như từ những công ty muốn tiếp cận một thị trường nội địa đang bắt đầu phát triển mạnh.

Tainan Spining Co, một công ty dệt may của Đài Loan sử dụng 4.500 công nhân ở Việt Nam, cho biết là việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP không ảnh hưởng gì đến kế hoạch sản xuất của họ tại đây, thậm chí họ còn dự tính mở rộng hoạt động ở Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Một phát ngôn viên của công ty Yue Yuen, mà 40% sản xuất là ở Việt Nam, cũng khẳng định là chuyện TPP sẽ không có tác động gì đến quyết định của họ.

Vào năm ngoái, mặc dù các ứng cử viên tổng thống Mỹ của cả hai phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều tuyên bố chống hiệp định TPP, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc trực tiếp FDI, với mức đầu tư tăng 9%, đạt mức kỷ lục 15,8 tỷ đôla, trong đó sản xuất và chế biến chiếm phần lớn, đứng đầu là hai dự án của Hàn Quốc, một của LG Display Co. ( 1,5 tỷ đôla ) và một của LG Innotek Co. ( 550 triệu đôla ). Công ty LG Display cho biết ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP sẽ rất hạn chế.

Trong khuôn khổ đàm phán về TPP, chính phủ Việt Nam đã đồng ý sẽ đẩy nhanh cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy hiệp định TPP không còn có sự tham gia của Hoa Kỳ, chính phủ Hà Nội sẽ không thể ngưng các cải tổ theo hướng thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong cuộc họp báo ngày 24/01 vừa qua, khi được đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ thông báo rút khỏi TPP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố rằng Việt Nam « sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia”.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam coi việc tham gia TPP và các hiệp định tự do mậu dịch khác là « một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực ».

Mặt khác, với viễn cảnh TPP khó thành công, Việt Nam nay phải quay sang các nước láng giềng để tìm đường xuất khẩu cho hàng hóa của mình. Theo nhận định của nhà kinh tế Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Úc & New Zealand ở Singapore, được Bloomberg trích dẫn ngày 25/01, Việt Nam tích cực hơn các nước khác trong việc thương lượng các hiệp định thương mại và điều này giúp Việt Nam phân tán các rủi ro. Theo nhà kinh tế này, Việt Nam hiện đã hoàn tất thương lượng 16 hiệp định tự do mậu dịch, trong đó 9 hiệp định đã có hiệu lực.

Bà Victorino cho rằng Việt Nam vẫn có thể quay sang các thị trường khác vì đã có những quan hệ thương mại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho việc thúc đẩy trao đổi mậu dịch giữa các nước trong khu vực châu Á. Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, được Bloomberg trích dẫn, cũng tuyên bố rằng họ không quan ngại về chuyện TPP, vì họ đã có những hiệp định tự do mậu dịch với những thị trường khác nhau. Ông Tuấn cho biết ngành dệt may Việt Nam sẽ tìm cách gia tăng xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu, nơi vẫn nhiều tiềm năng và họ cũng có một thị trường nội địa quan trọng.

Theo dự báo của nhà kinh tế Vitorino, sau khi đã đạt mức kỷ lục 177 tỷ đôla trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao, mặc dù thương mại toàn cầu đang suy giảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.