Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Thương nhớ bóng xuân xưa

Đăng ngày:

Khi mùa xuân đến, thường thì người ta hát những giai điệu vui say, nồng nàn, nhưng không hiếm những kẻ đa sầu, đa cảm gặp lúc đất trời sang Giêng chợt ngẩn ngơ về bóng hình mong manh ai đó. Cô Lái Đò trong nhạc Nguyễn Đình Phúc, thơ Nguyễn Bính và thiếu nữ Hoàng Oanh trong ca khúc Bến Xuân của nhạc sỹ Văn Cao đã bước vào trang thơ nhạc một cách dịu ngọt như thế.

Một cảnh Xuân Hà Nội. Ảnh  22/01/2017.
Một cảnh Xuân Hà Nội. Ảnh 22/01/2017. Reuters
Quảng cáo

Những người hay mơ mộng không ai không một lần ngâm nga đôi vần thơ đẹp tựa tranh của nhà thơ Nguyễn Bính, người được coi là thi nhân của nàng xuân. Ông có nhiều tác phẩm được phổ nhạc như : Mưa Xuân (nhạc : Huy Thục), Gái Xuân (nhạc : Từ Vũ) và đặc biệt Cô Lái Đò (nhạc Nguyễn Đình Phúc) tuy không đề cập trực tiếp đến tiết xuân sang nhưng nó là cành đào hồng khoe sắc thắm dưới trời mưa bụi.

Sau khi đọc tập thơ « Lỡ Bước Sang Ngang » của Nguyễn Bính, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã phải lòng bài thơ Cô Lái Đò. Theo lời kể của bà Trần Thị Bảo (vợ của nhạc sĩ) thì trong một buổi đi dạo quanh hồ Gươm, ông và nhạc sĩ Phạm Duy hẹn ước rằng khi về nhà, mỗi người sẽ viết một ca khúc. Thần giao cách cảm như thế nào mà sau đó Nguyễn Đình Phúc cho ra đời nhạc phẩm Cô Lái Đò và Phạm Duy thì lại sáng tác bài Cô Hái Mơ, cả hai đều phổ thơ của Nguyễn Bính.

Tuy là sáng tác đầu tay, nhưng lối hành nhạc trong ca khúc Cô Lái Đò lại khá già dặn. Nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc gần như trung thành với nguyên tác. Từng ý thơ, câu chữ quyện vào mỗi nốt nhạc một cách tự nhiên không gượng ép. Việc sử dụng điệu thức phương tây (mi thứ), đôi chỗ chấm phá những quãng trong ngũ cung, Cô Lái Đò như một lời ru buồn chốn thôn quê về một tấm tình riêng không trọn vẹn. Để rồi bao lần « xuân đã đem mong nhớ trở về ».

Từ dạo nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc thổi hồn ca vào thi phẩm Cô Lái Đò, ngoài ca sĩ Thương Huyền, là người đầu tiên thể hiện tuyệt vời ca khúc này, còn có nhiều thế hệ nghệ sĩ khác chọn làm bài « ruột » cho mình. Mỗi người, một phong cách. Ví dụ như tài tử Ngọc Bảo, ông « kể chuyện » Cô Lái Đò theo cách ngâm ngợi, sử dụng luyến láy trong lối hát dân ca. Trong khi đó ca sĩ Khánh Ly lại dìu dặt, đằm thắm trên nền nhạc đệm kiểu phương tây.

Một mùa hoa đào nữa lại về mà lòng kẻ si tình sao thấy cô đơn vời vợi. Tâm trạng ấy chính là nỗi lòng sâu kín mà nhạc sĩ Văn Cao giãi bày trong tình khúc Bến Xuân. Nàng là tiểu thư Hoàng Oanh xinh đẹp, chàng là nghệ sĩ tài hoa phong trần. Chàng giữ trong lòng một mối tình câm vì biết rằng hai người bạn thân của mình cũng đem lòng yêu nàng. Tình cảm ấy chàng chỉ biết tỏ cùng câu ca, gửi theo tiếng « chim reo thương nhớ, chim ngân xa… »
Bản nhạc được NXB Tinh Hoa ấn hành năm 1942 với lời ghi “nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy”. Có một số tư liệu nói rằng, khoảng thời gian đó, Phạm Duy mới kết thân với Văn Cao. Hơn nữa, ở tác phẩm Buồn Tàn Thu, Văn Cao cũng từng có lời đề tựa “Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn”, lúc ấy Phạm Duy còn là kẻ « hát rong » theo đoàn cải lương Đức Huy – Charlie Miều lưu diễn xuyên Việt. Vì vậy việc đề tên tác giả Văn Cao – Phạm Duy có lẽ là sự thể hiện niềm trân quý của Văn Cao đến người bạn tri âm ?

Sau này, tác giả của Tiến Quân Ca đã viết thêm lời khác. Ca từ của bài hát vẫn trải dài trên giai điệu réo rắt của Bến Xuân nhưng mang tựa đề Đàn Chim Việt. Tứ thơ, ý nhạc vẫn giữ nguyên nét đẹp u sầu. Xuân Việt Nam là mùa đoàn tụ, dù đàn chim Việt có tha hương chốn nào cũng luôn ngóng vọng về cố quốc, mong ngày trở lại. Âm nhạc mênh mang buồn da diết, giai điệu giản dị nhưng có thể chạm tới tận cùng tâm hồn con người.

Hễ ai đã từng nghe những bản ca khúc trữ tình của Văn Cao như : Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi hay Bến Xuân đều chỉ muốn nhắm mắt lại, mặc cho tâm hồn trôi theo những giai điệu khi thì cao vút thanh tao, lúc lại thủ thỉ diệu vợi. Người say nhạc thể như lạc vào chốn hư ảo mơ mơ, thực thực.

Xuân yêu thương, xuân đoàn tụ và cũng tồn tại một xuân khắc khoải nhớ nhung. Trời xuân đẹp đến thế, nhưng dáng em lại xa mờ, còn lại đây cuộc tình dang dở và kẻ si tình đang ngồi hát thơ. Cuộc đời vốn vậy. Và nhờ những kẻ si tình ấy để ngày nay chúng ta mới có nhiều giai điệu nồng nàn yêu thương, nuôi dưỡng chính cuộc đời này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.