Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp tăng cường quảng bá thu hút du học sinh Việt Nam

Đăng ngày:

Với 243.436 sinh viên nước ngoài (chiếm hơn 12% tổng số sinh viên), Pháp đứng thứ 3 trên thế giới về tiếp nhận sinh viên nước ngoài, sau Mỹ (624.474) và Anh (341.791). Với các nước này, du học sinh là một nguồn thu, kích thích tiêu thụ nội địa.

Anh Florent Ménard, phụ trách Campus France tại Việt Nam.
Anh Florent Ménard, phụ trách Campus France tại Việt Nam. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Khoảng đầu những năm 2000, các công ty tư vấn du học nở rộ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Pháp luôn được các công ty quảng cáo là có nền giáo dục cao, mở cửa cho sinh viên nước ngoài và mức học phí vô cùng rẻ so với nhiều nước châu Á hay thuộc khối Anh ngữ.

Tuy nhiên, hoạt động này hiện có vẻ im ắng hơn từ khi chính phủ Pháp tổ chức lại cơ quan Campus France, theo luật 27/07/2010, với mục đích quảng bá nền giáo dục đại học Pháp và là nơi chính thức duy nhất hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của sinh viên nước ngoài. Tính đến năm 2016, hơn 6.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở các cấp độ khác nhau tại Pháp.

Hàng năm, cơ quan giáo dục Campus France Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện để cung cấp thông tin tốt nhất cho sinh viên về du học Pháp, như tổ chức triển lãm giáo dục đại học Pháp, hội thảo chuyên đề, ngày hội giao lưu với cựu sinh viên Việt Nam tại Pháp… Pháp không ngừng quan tâm thu hút sinh viên Việt Nam, vì ngoài quan hệ lịch sử, sinh viên Việt luôn được đánh giá cao, như lời nhận xét của anh Florent Ménard, phụ trách Campus France Vietnam (tại Hà Nội), khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.

RFI : Nước Pháp luôn có truyền thống thu hút du học sinh của Việt Nam sang Pháp. Chương trình này kéo dài từ bao lâu và số lượng sinh viên có tăng theo từng năm hay không ?

Florent Ménard : Thực ra, trước khi nói đến truyền thống thu hút sinh viên, có thể nói đến văn hóa chào đón của Pháp từ lâu đến nay. Pháp luôn là một đất nước thu hút nhiều người, từ khách du lịch đến các nghệ sĩ, nhà khoa học… Nhưng đối với việc thu hút sinh viên, thì có thể nói đó là một chính sách của Pháp từ khá lâu. Trước Campus France, đã có một cơ quan tên là EduFrance tại Pháp, tồn tại từ năm 1998, nếu tôi nhớ không nhầm, và nó chỉ đổi tên vào năm 2010.

Vai trò của Cơ quan Campus France, một là để quảng bá, để cung cấp thông tin cho tất các các nước về cơ hội du học tại Pháp, và giúp đỡ sinh viên làm hồ sơ hiệu quả để sang Pháp du học. Bởi vì thử thách đầu tiên của sinh viên muốn sang Pháp, đó là có nhiều người nghĩ rằng xin visa rất là khó nên tìm cách để phỏng vấn cho tốt, làm hồ sơ đẹp, không có lỗi chính tả… Nhưng thực ra, điều quan trọng nhất đối với một sinh viên là phải được một trường đại học nhận (không phải sang học dự bị, trao dồi về tiếng Pháp). Còn sau khi đã được một trường đại học nhận, thủ tục rất là dễ và khá là nhanh.

RFI : Năm 2015, theo thống kê của Campus France, đã có bao nhiêu sinh viên Việt Nam du học Pháp ?

Florent Ménard : Năm 2015, số sinh viên sang Pháp là khoảng 1.450 người. Kể từ năm 2011, số lượng hàng năm này có tăng lên. Nhưng trước đó, nó đã giảm một chút vào năm 2011. Nói chung, số lượng sinh viên sang Pháp thay đổi rất nhiều theo chính sách của Pháp vào từng thời điểm. Vào năm 2011, Pháp có một chính phủ không ủng hộ (chính sách đón du học sinh) lắm, nhưng sau đó lại có thay đổi nên sinh viên lại sang nhiều hơn. Từ năm 2012, lại có chính sách ủng hộ rất nhiều cho sinh viên. Chính phủ Pháp coi sinh viên nước ngoài là một giá trị lớn cho cả kinh tế, văn hóa, sự phát triển của Pháp trong tương lai. Cho nên chính phủ Pháp rất coi trọng việc thu hút sinh viên.

RFI : Trong tất cả các ngành mà sinh viên Việt Nam học bên Pháp, anh thấy có một lĩnh vực nào nổi trội hơn so với các lĩnh vực khác hay không ?

Florent Ménard : Câu hỏi này rất dễ trả lời, vì từ lâu đến nay, sinh viên Việt Nam ưu tiên các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế… Ở Pháp hay ở bất kỳ nước nào cũng thế. Ở Pháp, tỉ lệ này rất mạnh, khoảng 45% sinh viên Việt Nam sẽ chọn kinh tế quản lý, mặc dù Pháp cũng có rất nhiều chương trình đạo tạo khác và thế mạnh của Pháp không chỉ là kinh tế, mà có nhiều ngành sinh viên Việt Nam vẫn còn ít quan tâm, như nghệ thuật, khoa học xã hội… Tức là những ngành mà các bậc phụ huynh Việt Nam rất sợ con cái mình sẽ khó kiếm được việc.

Điều này có thể nói là sai một chút, bởi vì số người đi học kinh tế rất cao nên cạnh tranh trong ngành đó cũng rất cao, trong khi, một ngành như vẽ phim hoạt hình ở Việt Nam lại có nhu cầu. Có những công ty quảng cáo hàng năm họ làm rất nhiều phim quảng cáo mà sử dụng hoạt hình chẳng hạn. Và số người được đào tạo trong ngành đó rất là ít. Cho nên là người nào chọn học một ngành, có thể nói là « bất hủ » như vậy cũng sẽ trở nên « bất hủ », một người mà ai cũng muốn tuyển vào làm trong cơ quan của mình.

Nếu có thêm một lời khuyên cho sinh viên, là nên tìm hiểu sâu hơn về thị trường ở Việt Nam bây giờ như thế nào, những lĩnh vực mạnh ở Việt Nam là gì. Một ví dụ là, lĩnh vực game điện tử ở Việt Nam càng ngày càng mạnh và số người đi học trong các lĩnh vực liên quan đến việc sản xuất game rất là ít, trong khi Pháp là một trong những đất nước rất được coi trọng trong lĩnh vực đó, mà người ta gọi là « French Tech », được công nhận ở nhiều nước. Cả Mỹ cũng tuyển rất nhiều người trong các lĩnh vực game, hay là hoạt hình, hay là phim nói chung bởi vì tài năng của các sinh tốt nghiệp trường Pháp rất được công nhận.  

RFI : Khi anh tiếp nhận hồ sơ của các sinh viên, động cơ đầu tiên để hướng họ đi theo du học Pháp, thay vì một số nước khác ở trong khu vực, hoặc các nước trong cộng đồng Anh ngữ ?

Florent Ménard : Cái đó cũng thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, có thể nói là rất nhiều sinh viên chọn Pháp để du học vì hai lý do chính. Một là lý do văn hóa, vì Pháp và Việt Nam từ lâu có một lịch sử chung và điều này cũng tạo điều kiện cho rất nhiều chương trình hợp tác… nên Pháp có một vị trí khá mạnh ở Việt Nam ngày xưa. Còn bây giờ thì ít hơn ngày xưa vì có rất nhiều nước khác đã thấy giá trị đó và cũng cố gắng để thu hút nhiều sinh viên nhất có thể.

Hiện Pháp là một trong những nước rất mong muốn cho sinh viên Việt Nam sang đất nước của họ. Cho nên lý do sinh viên Việt Nam chọn Pháp cũng đã thay đổi. Bây giờ, tất cả các nước đều tạo điều kiện. Và Pháp, so với các nước khác, có thể sẽ mạnh hơn, vì ngoài có một nền giáo dục cao nhưng chi phí để sang Pháp du học thì thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác. Điều này là do chính phủ hỗ trợ cho sinh viên Pháp và nước ngoài hoàn toàn như nhau. Có nghĩa là chính phủ hỗ trợ 100% chi phí học tập trong một trường công. Cho nên, khi sinh viên sang Pháp du học thì có thể coi là đã nhận được học bổng của chính phủ rồi, chỉ phải trả chi phí sinh hoạt.

Đối với một sinh viên muốn sang Úc hoặc Mỹ, hai nước thu hút nhiều sinh viên nhất, sẽ phải trả học phí khá cao cho các trường. Thường học bổng sẽ thanh toán khoản tiền đó nếu may mắn, còn những người không có học bổng sẽ phải trả từ 20.000 euro (hoặc đô la) đến 30.000-35.000 euro/năm, chưa tính đến chi phí sinh hoạt.

Vì vậy, khi sang một nước như Pháp, ngoài ra còn có Đức và một số nước ở châu Âu cũng có chính sách ủng hộ cho sinh viên nước ngoài như sinh viên trong nước như thế, thì sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho sinh viên.

Một lớp học tiếng Pháp cấp tốc tại Viện Pháp, Hà Nội.
Một lớp học tiếng Pháp cấp tốc tại Viện Pháp, Hà Nội. RFI / Tiếng Việt

RFI : Nếu như Pháp không quảng cáo chương trình du học giống như nhiều nước trong cộng đồng Anh ngữ, Mỹ, Úc hoặc là Anh, là học bổng toàn phần « miễn 150.000 đô la học phí », liệu Pháp có cảm thấy bị thiệt thòi, không quảng bá được hết hình ảnh của mình trong khi lại trao cho các sinh viên một lượng học bổng lớn như vậy ?

Florent Ménard : Đây là thử thách lớn nhất của Pháp, vì đúng là những điều kiện chính phủ Pháp tạo cho sinh viên rất là hay, rất thuận lợi, nhưng mà lại khó quảng bá hơn khi mà người ta có một học bổng rất lớn và làm cho sinh viên « choáng mắt » luôn. Đây là một điểm mạnh của các nước như Úc, Mỹ dù số lượng học bổng rất ít và số lượng sinh viên nhận được học bổng « choáng mắt » như vậy rất là nhỏ. Nhưng họ lại thấy là đi học ở Úc hay ở Mỹ rất hay, nhưng nếu mà sinh viên xem cụ thể điều kiện của mình và điều kiện đất nước đó mang lại cho mình thì sẽ nhận ra rằng, nếu không nằm trong số lượng nhỏ sinh viên may mắn được học bổng, thì tốt nhất là đi học ở một nước như Pháp hay Đức hay một nước khác ở châu Âu.

RFI : Khi anh phỏng vấn, sinh viên có thấy « sợ » vì anh nói tiếng Việt rành như này không ?

Florent Ménard : Sinh viên sợ nhất không phải vì tôi nói tiếng Việt, mà vì họ đọc quá nhiều thứ trên mạng, bảo là « Ôi phải cẩn thận khi đi phỏng vấn. Phải thế nọ thế kia. Phải nói tiếng Pháp hoàn toàn, đừng bao giờ nói tiếng Việt, vì nếu nói tiếng Việt sẽ trượt visa… ». Có nhiều lời khuyên có thể nói là « vớ vẩn ». Vì thực ra, ở Việt Nam và một số đất nước châu Á, có thói quen qua các công ty tư vấn tư. Thị trường này ở Việt Nam rất phát triển, có rất nhiều công ty và cách họ kiếm tiền thường là làm cho sinh viên nghĩ là họ (các công ty tư vấn) rất quan trọng và thủ tục rất khó, khả năng trượt visa rất là cao vì vậy các bạn (sinh viên) phải qua một công ty tư vấn.

Theo tự nhiên, trong văn hóa của người Việt Nam là họ thích sử dụng sự giúp đỡ của một người thứ ba để đạt ngay mục đích nào đó. Cho nên có một thị trường rất thuận lợi cho các công ty tư vấn. Nhưng thực ra, để sang Pháp, trong nhiều nước khác cũng vậy, hoàn toàn không cần tư vấn, vì thủ tục rất dễ và người ta rất muốn có một chính sách chào đón sinh viên, có càng nhiều sinh viên sang Pháp càng tốt. Vai trò của một cơ quan như Campus France là giúp đỡ sinh viên có nhiều điều kiện nhất có thể để kiếm được một trường phù hợp với mình và để được nhận và sau khi đã được nhận rồi thì chẳng có lý do gì mà không có visa cả, chắc chắn là sẽ có. Nếu sinh viên Việt Nam biết rằng từ khi đã gửi hồ sơ xin visa thì khả năng nhận được visa là hơn 95%, thì chắc là họ sẽ không sợ nữa và tự « apply » (nộp hồ sơ) và từ làm tất cả. Vấn đề là có nhiều người vẫn không biết.

RFI : Anh có một lời khuyên nào cho học sinh-sinh viên tương lai chuẩn bị đi du học Pháp và các bậc phụ huynh của các em ?

Florent Ménard : Lời khuyên chính là các bạn sinh viên phải tự tin, vì sinh viên Việt Nam rất được yêu thích ở tất cả các nước trên thế giới và nước nào cũng muốn tuyển sinh viên Việt Nam. Cho nên các em phải tự tin về khả năng của mình, tự làm hồ sơ bằng trái tim của mình chứ không phải để một người thứ ba làm hồ sơ, vì họ không biết và không có động cơ mà mình có để sang Pháp. Ai cũng có lý do tốt ở bản thân mình, ở trái tim mình để sang Pháp hay đất nước khác. Vì vậy nên tự tin thể hiện những mong muốn và kế hoạch thật sự của mình. Chắc chắn sẽ có những trường thấy « xúc động » và rất có hứng để tuyển sinh viên Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.