Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Công nghệ Pháp giúp hiện đại hóa Bệnh viện Cần Thơ

Đăng ngày:

Nằm trên trục đường lớn Châu Văn Liêm, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tấp nập người ra vào. Một số người chờ ở ngoài khuôn viên thoáng đãng, một số khác ngồi trên những chiếc ghế đủ mầu sắc trong sảnh đón nhận bệnh nhân rộng mênh mông có sức chứa khoảng 200 người.

Bác sĩ La Văn Phú, trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.
Bác sĩ La Văn Phú, trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được xây trên nền bệnh viện cũ từ thời Pháp năm 1885. Kể từ lúc khánh thành và đi vào hoạt động, ngày 21/09/2014, bệnh viện đã trở thành một trung tâm y tế lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long do khoảng cách với các tỉnh lân cận chỉ trên dưới 100 km. Đồng thời, bệnh viện cũng giúp giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được xếp hạng I, theo phân loại của bộ Y Tế và có 36 khoa, phòng khác nhau cùng với đội ngũ hơn 750 cán bộ, y-bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cùng với hơn 500 giường bệnh và đặc biệt là một sân đáp máy bay trực thăng cấp cứu trên nóc tầng 9 của tòa nhà. Khoảng 40% bệnh nhân của bệnh viện đến từ các địa phương lân cận.

Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ đài RFI, phó giám đốc bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, cho biết ngoài cơ sở hạ tầng theo chuẩn quốc tế, bệnh viện còn nổi tiếng với trang thiết bị hiện đại nhờ nguồn viện trợ công cho phát triển (Official Development Assistance, ODA) của chính phủ Pháp theo quyết định của thủ tướng Việt Nam ngày 05/09/2013 :

« Tài trợ của phía Pháp là 19,5 triệu euro (trên tổng đầu tư dự án là 22.052.169 euro, trong đó vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ là 2.552.169 euro), dưới hình thức là trang thiết bị y tế, bao gồm 374 danh mục thiết bị và trên 2.000 máy móc. Số máy móc này giúp trang bị đồng bộ từ vấn đề chuẩn đoán, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng. Máy móc thiết bị thuộc dự án ODA là những trang thiết bị rất hiện đại, đến từ Pháp là 70% và 30% là ngoài Pháp…

Phải nói Pháp là một nước phát triển nằm trong G7, có trình độ y tế rất cao. Thiết bị máy móc của Pháp mặc dù có thể chưa nhiều bằng một số nước khác, nhưng cũng đã tham gia thị trường Việt Nam và một số bệnh viện lớn khác đã sử dụng. Thành ra, chúng tôi đánh giá cao máy móc thiết bị của Pháp ».

Trang thiết bị y tế của dự án ODA do Pháp tài trợ cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.
Trang thiết bị y tế của dự án ODA do Pháp tài trợ cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. RFI / Tiếng Việt

Giảm tải cho tuyến trên nhờ trang thiết bị hiện đại

Chuyến hàng đầu tiên được chuyển giao cho bệnh viện ngày 14/01/2016 và hơn 80% thiết bị hiện đại của đợt này đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, như máy MRI, CTscan 160 lát cắt, hệ thống máy nội soi và phẫu thuật nội soi, máy tuần hoàn cơ thể, máy thở, máy gây mê giúp thở, máy mổ Phaco, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy tán sỏi niệu quản, máy nội soi đường mật… Phó giám đốc Nguyễn Văn Nghĩa cho biết :

« Nhờ trang thiết bị của dự án ODA của Pháp, chúng tôi triển khai rất nhiều kỹ thuật mới, như vậy giúp bệnh nhân không phải lên tuyến trên ở thành phố Hồ Chí Minh và cũng nhằm giảm chi phí cho người bệnh. Nhiều trường hợp, chúng tôi đã điều trị thành công. Trong tuần này (trung tuần tháng 12/2016), chúng tôi nhận chuyển giao mổ tim. Ca đầu tiên được tiến hành vào ngày 15/12 ».

Trong khi đi hai thăm bệnh nhân điều trị sỏi thận và sỏi mật, bác sĩ La Văn Phú, trưởng khoa Ngoại Tổng hợp cho biết khi đi tu nghiệp ở Thụy Sĩ, ông nhận thấy bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều khiển được những trang thiết bị hiện đại như vậy, song lúc đó, bệnh viện đa khoa Cần Thơ vẫn chưa có điều kiện để trang bị. Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị sỏi thận và sỏi mật, ông giải thích những ưu việt của công nghệ máy nội soi đường mật :

« Đây là bệnh nhân tên Em, bị bệnh lý sỏi mật rất phức tạp, nhưng nhờ trang thiết bị của ODA tài trợ, tức là máy nội soi đường mật và tán sỏi bằng điện thủy lực, tức là điều trị sỏi nói chung, và đặc biệt là sỏi trong gan. Nếu như không có những trang thiết bị này, thì những sỏi trong gan, dù bác sĩ chẩn đoán được cũng không điều trị được, tức là Việt Nam hay nói chơi là « bó tay ».

Trang thiết bị này có thể nói là đầu tiên của thành phố Cần Thơ. Trước đây, nếu không có, bệnh nhân phải đi Sài Gòn, rất xa xôi, tốn kém và quá tải. Từ khi có trang thiết bị đó, thứ nhất bệnh nhân được hưởng kỹ thuật cao, chứ không là phải mổ mà thậm chí mổ cũng chưa chắc đã lấy được. Nhờ thiết bị này nên mình soi, bệnh nhân không đau đớn, hồi phục nhanh, nằm viện ngắn, người ta trở lại lao động sớm. Đây là một trong những ưu điểm của trang thiết bị. Thậm chí các bệnh viện đa khoa trung ương cũng chưa có trang thiết bị này ».

Trường hợp thứ hai được bác sĩ La Văn Phú giải thích là một ca đặc biệt mắc sỏi mật :

« Trường hợp này cũng vậy, bệnh nhân bị sỏi mật. Trong đường mật của bệnh nhân có khoảng 200 viên sỏi, một kỉ lục, đã mổ rồi nhưng còn sỏi trong gan cũng không lấy được. Bệnh nhân nhập viện lại để điều trị sỏi trong gan. Nhờ máy nội soi tán sỏi đường mật bằng điện thủy lực nên đã giải quyết sỏi mật cho bệnh nhân »

Nhờ dự án ODA của Pháp, được cho là dự án lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, từ một đơn vị thiếu thốn về vật chất, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ hiện là một trong những cơ sở có trang thiết bị hiện đại bậc nhất, đầy đủ nhất, mà nhiều bệnh viện lớn khác trong khu vực cũng chưa có, như lời giải thích của một bác sĩ phụ trách khoa hồi sức tích cực :

« Trước đây, khoa hồi sức tích cực chống độc luôn luôn thiếu máy thở. Bệnh nhân có nhu cầu cao, thậm chí phải chuyển viện vì lý do thiếu máy thở. Nhưng nhờ hàng ODA, có cung cấp máy thở cho khoa, nên giờ mỗi giường bệnh đều có máy thở hết. Trước đó, bệnh viện cũng có nhưng mà máy thở là của nhiều hãng, nhiều loại mà lúc nào cũng thiếu khoảng mười mấy cái, lúc nào cũng thiếu hết, tại vì ở đây, lúc trước có hai chục giường mà sau này lên tới ba chục giường bệnh. Tất cả các bác sĩ ở đây phải được tập huấn thở máy thở rồi mới được sử dụng. Mỗi năm có hai hoặc ba lớp được đi tập huấn hết ».

Phòng chờ khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.
Phòng chờ khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. RFI / Tiếng Việt

Bác sĩ La Văn Phú nhận xét người được hưởng lợi nhiều nhất chính là bệnh nhân, từ chi phí điều trị giảm do không phải lên tuyến trên đến tiết kiệm về thời gian vì bệnh nhân phục hồi nhanh, không đau đớn…

« Chính nhờ những trang thiết bị đó, bệnh nhân của của Cần Thơ nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung được hưởng lợi rất nhiều. Nhờ những trang thiết bị này, chúng tôi điều trị rất tốt cho bệnh nhân. Tức là ngoài những ưu điểm như trước đây mình mổ mở, bây giờ mình ứng dụng kỹ thuật nội soi, cái đó cũng đã được nhiều bệnh viện áp dụng. Tuy nhiên, với trang thiết bị mới, chất lượng điều trị ở bệnh viện chúng tôi đã được nâng lên một bước rất rõ.

Trong dự án ODA, phải nói là rất nhiều trang thiết bị và chuyên khoa, tuy nhiên trong lãnh vực như sỏi mật, bây giờ ở bệnh viện chúng tôi có đầy đủ trang thiết bị để điều trị tất cả các loại sỏi mật, như tôi nói là sỏi trong gan, trước đây ở Cần Thơ chưa có trang thiết bị để điều trị. Tuy nhiên, từ tháng 06/2016 tới nay, những bệnh nhân có sỏi đường mật trong gan, chúng tôi cũng đã tự điều trị được và bệnh nhân không phải lên tuyến trên ».

Thúc đầy hợp tác chuyên môn với nhiều bệnh viện của Pháp

Phó giám đốc-bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa nhận xét dự án ODA của Pháp cho Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tượng trưng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Pháp-Việt trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở chương trình đào tạo chuyên môn theo gói thầu, bệnh viện còn mở hướng hợp tác trao đổi với nhiều trung tâm y tế lớn khác của Pháp, trong đó có chương trình gửi bác sĩ đi tu nghiệp và mời bác sĩ Pháp sang làm việc tại bệnh viện.

« Gần đây chúng tôi có hợp tác với viện-trường Périgueux (CHU Périgueux) và đã đưa một bác sĩ đi đào tạo về lĩnh vực can thiệp tim mạch tại viện-trường Périgueux trong khoảng thời gian 1 tháng. Sắp tới sự trao đổi hợp tác đào tạo giữa hai bên cũng sẽ được tiến hành. Qua tháng Ba tới (năm 2017), sẽ có một giáo sư ở bên Pháp qua làm việc với bệnh viện về lĩnh vực nội soi tiêu hóa ».

Vẫn theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, mục tiêu của ban giám đốc là xây dựng Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ thành bệnh viện trung tâm kỹ thuật cao, đồng thời kết hợp với một số bệnh viện lớn trong vùng thành một trung tâm y tế của Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.