Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Chợ nổi, đặc trưng của đồng bằng Cửu Long đang dần mai một ?

Đăng ngày:

Rời bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ), mất khoảng 20 phút chạy ghe gắn máy và băng qua ba cây cầu (Quang Trung, Hưng Lợi và Cái Răng) bắc qua sông Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu), chợ nổi Cái Răng dần xuất hiện trong ánh đèn le lói cùng tiếng gà gáy sớm.

Một góc chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ, 12/2016.
Một góc chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ, 12/2016. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Chợ nổi Cái Răng là chợ bán sỉ, có nghĩa là chỉ bán buôn với số lượng lớn, nhưng ngày càng nổi tiếng là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Cần Thơ. Chợ họp từ sáng sớm và bán lai rai cả ngày, nhưng phiên chợ sầm uất nhất là từ khoảng 5 giờ đến 8 giờ sáng.

Nguyễn Minh Thư, sinh viên tiếng Pháp tại đại học Cần Thơ, tham gia làm hướng dẫn viên tình nguyện, giải thích lái thương sống trên tầu được gọi là “thương hồ” và gần như gắn cả đời với con thuyền và cuộc sống lênh đênh sông nước. Các thương hồ có những đầu mối ở nông thôn và khi đến vụ mùa thu hoạch, người chủ nông dân sẽ liên lạc với người thương hồ để đến thu mua nông sản và đổ buôn ở chợ Cái Răng. Thường mỗi tầu chỉ chuyên về một chủng loại nông sản, hoặc rau củ, hoặc trái cây, ít khi họ trộn lẫn giữa cả hai loại mặt hàng. Minh Thư giải thích thêm :

“Thường người thương hồ sẽ ở lại trên chợ nổi Cái Răng đến khi bán hết nông sản, sau đó họ mới quay lại vùng nông thôn để tiếp tục thu mua lượng nông sản mới. Cho nên, nếu để ý, chúng ta thấy cấu trúc của một con tầu, ở sau mỗi một con tầu có một buồng nhỏ, nơi họ nấu nướng, nghỉ ngơi và thực hiện mọi sinh hoạt hàng ngày. Và ở phía trước, họ dành khu vực rộng rãi đó để chứa nông sản.

Và điểm đặc biệt nhất có thể nhận thấy ở chợ nổi Cái Răng là tầu bán cùng một loại nông sản, cùng một loại trái cây thường tập trung thành các nhóm. Đầu tiên, ở chợ nổi Cái Răng là những ghe khóm (trái thơm/dứa), sau đó là trái cây và cuối cùng có thể là các ghe rau củ quả. Thường các ghe dưa hấu chiếm một lượng lớn nên họ dành một khu vực riêng để tập trung các ghe dưa hấu.

Một điểm đặc sắc khác của chợ nổi Cái Răng, đó là trước khi vào chợ nổi Cái Răng là từ xa có thể nhìn thấy những “cây bẹo”, cao khoảng từ 3-5 mét. Họ cắm cây bẹo trước mũi tầu. Hầu hết các nông sản được bán trên tầu đó, họ sẽ treo ở trên cây bẹo để từ xa có thể biết họ bán nông sản gì. Và điều thứ hai là trên một khu vực tập trung và huyên náo như vậy thì không thể nào mà rao được. Cho nên, thay vì rao như vậy, họ đã phát minh ra một cách marketing rất đặc sắc và chỉ tồn tại duy nhất ở chợ nổi Cái Răng, đó là cây bẹo.

Còn tại sao gọi là cây bẹo? “Bẹo” là một phương ngữ và để chỉ các động tác như “bẹo má” đưa ra cho người ta xem, thì “bẹo” ở đây cũng là “trưng ra cho người ta xem là mình bán cái gì” nên họ gọi là “cây bẹo”. Thường cây bẹo là những cây chèo, cây chống chiếc tầu và họ tận dụng nó để cắm trước mũi tầu để giới thiệu nông sản của mình đến những lái buôn khác và đến những người có nhu cầu mua”.

Các tầu con đến đây mua nông phẩm sau đó bán lại cho các chợ truyền thống ở thành phố, khu vực ven đô hay đem bán lại cho người dân ở khu vực nông thôn sống xa chợ hoặc ở các làng nổi trên sông và kênh rạch, nơi chỉ có thuyền bè qua lại được.

Mắt tầu, chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.
Mắt tầu, chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. RFI / Tiếng Việt

Sự tích tên gọi “Cái Răng”

Một đặc trưng của những con tầu vùng sông nước Cửu Long là có đôi mắt rất sắc được vẽ trên mũi tầu. Theo giải thích của Minh Thư, truyền thuyết kể rằng trong cuộc Nam Tiến của vua Nguyễn Ánh, người dân không có phương tiện nào khác ngoài tầu đề đi từ bắc xuống nam. Giống như đôi mắt của con người, con tầu cũng cần có đôi mắt để có thể tìm được đúng hướng đi và mỏ neo là đặc trưng cho sự cập bến bình an.

Ngoài ra, đôi mắt còn có ý nghĩa sâu xa hơn, miền tây Nam Bộ là một vùng đất hoang vu, dưới nước là cá sấu thuồng luồng, trên bờ là cọp, rắn rết, rất nguy hiểm. Cho nên người dân, chủ yếu là dân chài, rất dễ bị cá sấu thuồng luồng tấn công. Họ bèn hóa trang những chiếc tầu của mình thành những con quái vật với đôi mắt hung dữ để dọa những loài động vật khác.

“Thường những chỗ làm tầu, họ chỉ vẽ đôi mắt. Chính người chủ tầu, khi mua tầu, họ sẽ điểm nhãn cho đôi mắt của chiếc tầu, có người nói là điểm nhãn bằng máu gà, có người nói là điểm nhãn bằng mực thường thôi, tùy nơi, tùy quan niệm của người tin. Trước khi hạ thủy một con tầu, họ sẽ làm lễ động thủy, họ sẽ cúng chiếc tầu đó, cầu xin các thần cùng chư vị chứng giám, bảo vệ an toàn cho chiếc tầu được bình yên xuôi sóng. Đó là một trong những nghi thức cơ bản, những tập tục cơ bản của người dân tây Nam Bộ”.

Một ghe bán lẻ trái cây ở chợ nổi Cái Răng.
Một ghe bán lẻ trái cây ở chợ nổi Cái Răng. RFI / Tiếng Việt

Chợ nổi Cái Răng không phải là chợ lớn nhất hay sung túc nhất, nhưng là chợ nổi nổi tiếng nhất của đồng bằng sông Cửu Long, do Cần Thơ là trung tâm tài chính, văn hóa và giáo dục của khu vực nên giao thông khá thuận lợi cho du khách từ thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận khác. Về nguồn gốc tên gọi “Cái Răng”, Minh Thư giải thích :

“Chợ nổi Cái Răng có rất nhiều câu chuyện giải thích, nhưng có một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất, đó là ngày xưa, vùng tây Nam Bộ là một vùng đất vô cùng nhiều thuồng luồng, cá sấu, cá dữ rất nguy hiểm. Ngày nọ, có một anh chàng khỏe mạnh cưới một cô gái. Họ rước nhau bằng thuyển, nhưng khi đến một khúc sông nọ, chẳng may họ bị một con cá sấu hung dữ tấn công và ăn mất cô gái nên anh rất tức giận và anh tìm cách giết con cá sấu. Khi giết được con cá sấu, anh chặt thành từng khúc nhỏ. Răng con cá sấu rơi ra, trôi theo dòng nước và khi đến nơi đây, người dân thấy cái răng cá sấu nên đặt tên là “Cái Răng”. Và có những vùng khác đặt tên theo từng bộ phận bị cắt ra và trôi dạt của con cá sấu, ví dụ như có nơi được gọi là “Cầu Đầu Sấu”, có nơi gọi là “Đuôi Sấu”. Đó là tích dân gian truyền miệng và thu hút khách du lịch.

Nhưng cái tên được gọi là khoa học nhất và được nghiên cứu là xuất phát từ tên “Cà ràng”. “Cà ràng” là tiếng của người Khmer để chỉ một cái bếp để ngày xưa nấu trên tầu thuyền và có ba chân. Và với tính chất đong đưa nước như này, khi nấu nướng trên tầu, thì chỉ có cái cà ràng là vật chắn gió và chắc chắn nhất để họ nấu nướng trên tầu. Ngày xưa, đây là nơi trao đổi rất nhiều cà ràng. Và cà ràng đọc chại là “Cái Răng” ngày nay”.

Nét đặc trưng đang dần mai một ?

Theo Nguyễn Minh Thư, ngược lại với việc phát triển hoạt động du lịch, thì việc trao đổi hàng hoá truyền thống ở chợ nổi Cái Răng ngày càng bị thu hẹp lại.

“Một điều hơi đáng buồn là ngày nay, hoạt động buôn bán của chợ nổi Cái Răng không còn được tấp nập như ngày xưa. Số lượng người dân còn bám trụ với chợ nổi Cái Răng cũng bị mai một đi, bị giảm đi rất nhiều”.

Liệu chợ Cái Răng có chung số phận với chợ Cái Bè, hiện không còn là một chợ nổi theo đúng nghĩa nữa ? Theo Minh Thư, chợ Cái Bè chỉ được dàn dựng khi có du khách. Đa số các công ty lữ hành phải nhờ những chiếc tầu của ngư dân hoặc tầu của công ty để giúp khách du lịch hình dung ra cuộc sống của một khu chợ nổi. Còn thực tế, ngày nay, chợ nổi Cái Bè hoàn toàn biến mất, không còn hoạt động mua bán tấp nập như thường được thấy trong phim ảnh.

Đi chợ về.
Đi chợ về. RFI / Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.