Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nhịp Cầu Thế Giới : kết nối người Việt tại Hungary và trên thế giới

Đăng ngày:

Nhịp Cầu Thế Giới là một tờ báo mạng, phục vụ cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Hungary. Là một diễn đàn độc lập, tạp chí này đã tự lực vươn lên trong môi trường báo chí và văn nghệ không mấy thuận lợi trong cộng đồng Việt Nam tại Đông Âu. Nhân ngày tạp chí được 15 tuổi, ngày 12/12/2016, RFI Việt ngữ đã có dịp trao đổi với anh Hoàng Nguyễn, chủ bút của tờ báo và cũng là cộng tác viên thường trực với ban Việt ngữ đài RFI để tìm hiểu thêm về tờ Nhịp Cầu Thế Giới.

Ảnh bìa chuyên san đặc biệt Nhịp Cầu Thế Giới nhân kỷ niệm tạp chí 15 năm tuổi.
Ảnh bìa chuyên san đặc biệt Nhịp Cầu Thế Giới nhân kỷ niệm tạp chí 15 năm tuổi. RFI/Nhịp Cầu Thế Giới
Quảng cáo

RFI: Thân chào anh Hoàng Nguyễn, trước tiên, RFI Việt ngữ xin chúc mừng Nhịp Cầu Thế Giới 15 tuổi. Nhân dịp này anh có thể giới thiệu sơ qua về bối cảnh ra đời của tờ báo cộng đồng này, và vì sao lại chọn tên là Nhịp Cầu Thế Giới ?

Hoàng Nguyễn: NCTG ra đời vào ngày 12/12/2001, khi đó tại Hungary cộng đồng người Việt chưa có một tờ báo tin tức và văn hóa nào ra thường xuyên và đều đặn. Một bộ phận đáng kể trong cộng đồng Việt - chừng 6 ngàn người - không thạo tiếng Hungary, không có những thông tin về tình hình và luật pháp sở tại, và do đó có nhiều khó khăn trong cư trú và hội nhập.

Đó cũng là thời điểm Hungary ráo riết chuẩn bị cho sự gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, sẽ diễn ra sau đó 2 năm. Chính trường Hungary có nhiều biến động, sự tranh giành quyền lực giữa phe trung tả (Đảng Xã hội Hungary MSZP) và phe hữu (Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ) bắt đầu trở nên gay gắt, gây ảnh hưởng tới đời sống thường nhật của bà con.

Trong bối cảnh ấy, NCTG ra đời với sự chủ trương của một nhóm các du học sinh, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hungary, với mục đích đầu tiên là mang lại cho cộng đồng những thông tin thiết yếu cho cuộc sống và công việc của bà con, đặc biệt là trong vấn đề nổi cộm có liên quan trực tiếp tới đa số, như chuyện giấy tờ di trú và một số vấn đề pháp luật khác.

Bên cạnh đó, tờ báo đặt trọng tâm đưa tin và giới thiệu về đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của Hungary, như một nhịp cầu nối giữa cộng đồng Việt và nước sở tại. Có lẽ đây là điểm đặc biệt của NCTG, vì cho tới lúc đó những nguồn tin về Hungary trên báo chí Việt ngữ rất ít, không hệ thống và nếu có thì cũng có nhiều điểm thiếu chính xác, không cập nhật.

Một mục tiêu nữa của tờ báo là phản ánh cuộc sống, hoạt động của cộng đồng Việt tại Hung và trên thế giới, tựu trung, nối một nhịp cầu liên kết các cộng đồng Việt xa xứ, với một mối quan tâm chung - bên cạnh sự hội nhập vào xã hội bản địa - là những vấn nạn, khó khăn và trăn trở của Việt Nam trên con đường thay đổi và từng bước dân chủ hóa.

Đây, nhìn chung, vẫn là những hướng đi và tiêu chí của NCTG sau 15 năm hình thành và phát triển. Cho dù, sau hơn 7 năm đầu tồn tại dưới dạng báo giấy ra hàng tuần, từ mùa xuân năm 2007 trở đi, NCTG tiếp tục như một diễn đàn trực tuyến trên mạng và vì thế, mang tính rộng mở hơn, phổ quát hơn, với đội ngũ cộng tác viên phát triển và phong phú hơn.

RFI: Đâu là phương châm hoạt động của tờ báo? Những ai tham gia đội ngũ ban biên tập ? Cộng đồng người Việt ở nước khác có được tham gia viết bài hay không?

Phương châm hoạt động của NCTG từ khi thành lập tới giờ, vẫn là một tờ báo hoàn toàn thiện nguyện, phi lợi nhuận, trên cơ sở đóng góp công sức và tài chính của những người thực hiện, với sự hỗ trợ phần nào của cộng đồng. Các biên tập viên của báo không có lương, các cộng tác viên cũng không có nhuận bút, tất cả sinh hoạt trên một sân chơi chung là tờ báo.

Mô hình hoạt động đó khiến NCTG, từ khi ra đời tới nay, không bị phụ thuộc vào bất cứ tổ chức nào, dù là chính trị, thương mại hay tôn giáo, đúng với mong muốn của tờ báo, “là một kênh thông tin với cách đưa tin trung lập, xác tín và không thiên kiến, trên cơ sở ủng hộ tinh thần nhân bản, dân chủ và đa nguyên, là một diễn đàn có chủ kiến nhưng không định hướng, tôn trọng mọi tiếng nói và sự khác biệt”. Đội ngũ cộng tác viên của báo, một phần là những cây bút, những tên tuổi đã thành danh trong và ngoài nước, như cố nhạc sĩ Phạm Duy, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà văn Đỗ Khiêm, nhà văn Lê Minh Hà... và một số người khác. Bên cạnh đó, tham gia báo còn có rất nhiều tác giả không chuyên, nhưng có đam mê với ngòi bút, và có những tâm tự muốn chia sẻ với cộng đồng.

Phương châm ngay từ thuở đầu của NCTG là rút ngắn khoảng cách giữa người làm báo, người viết báo và bạn đọc. Với thời gian, rất nhiều bạn đọc đã trở thành các tác giả của báo, hoặc có sự hỗ trợ rất quý báu với công việc làm báo của Nhóm chủ trương. Tờ báo cũng theo sát được những hoạt động của người Việt tại Hung, và có thể nói là song hành với sự phát triển của cộng đồng.

Một trong những điểm tích cực của NCTG là tờ báo cũng quy tụ được nhiều gương mặt từ nhiều cộng đồng Việt xa xứ và do đó, phản ánh được nhiều góc nhìn, quan điểm và sự kiện từ các địa phương khác nhau. Đây cũng là điều khiến các trao đổi trên NCTG thường mang tính đa dạng, nhiều chiều, bên cạnh sự xác tín do có được thông tin tin cậy từ những nguồn tại chỗ.

Vì vậy, khi tờ báo mở những mục chủ đề, như các hồ sơ về lịch sử, về di dân và tỵ nạn, về bầu cử ở Mỹ, về khủng bố và các vấn đề của tôn giáo... thì các bài viết thường nhận được sự quan tâm đáng kể, và đồng thời, khi đưa lên mạng xã hội Facebook, trở thành những diễn đàn để trao đổi, cọ sát giữa các góc nhìn, tư tưởng... mà độc giả đánh giá là phong phú và hữu ích.

Hoàng Nguyễn (giữa), tổng biên tập tờ Nhịp Cầu Thế Giới nhân kỷ niệm tạp chí được 15 năm tuổi.
Hoàng Nguyễn (giữa), tổng biên tập tờ Nhịp Cầu Thế Giới nhân kỷ niệm tạp chí được 15 năm tuổi. RFI/Nhịp Cầu Thế Giới

RFI: Một vài kỷ niệm đáng nhớ và những khó khăn của ban trong quá trình hoạt động ?

Trong 15 năm trời NCTG có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, chỉ xin kể lại một hai chuyện. Thứ nhất, NCTG khi mới ra đời, với loạt bài phổ biến các kiến thức pháp luật, cũng như tường thuật sinh hoạt của cộng đồng, gần như là một cơ quan truyền thông "phổ cập" những khái niệm như "ngoại kiều", "di trú", "cộng đồng"... mà nhiều bà con có cho hay, họ nghe lần đầu từ tờ báo.

Cũng ngay trong những tháng đầu đó của báo, Hungary chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội 2002, và lần đầu tiên bà con có dịp theo dõi tương đối kỹ và hệ thống những diễn biến của cuộc bầu cử. Buổi tối quyết định khi kiểm phiếu, rất nhiều người đã gọi điện tới báo hỏi "tới đâu rồi", "liệu ai thắng", "trông cái ông Xã hội có vẻ nhân từ, muốn ông ấy được quá", v.v... rất vui vẻ.

Một kỷ niệm khác cũng vui, là từ Hà Nội, vợ chồng Đại sứ Hungary tại Việt Nam là TS. Szász Dénes và vợ cũng đặt báo, và theo dõi đều. Trong một cuộc gặp mặt, phu nhân đại sứ, bà Trang có thổ lộ rằng, rất cám ơn NCTG vì nhờ có báo mà bà biết tường tận nhiều sự kiện của Hung, trong đó có cuộc cách mạng dân chủ 1956, mà chồng bà, dù thạo tiếng Việt, cũng không nói nhiều cho bà.

Tất nhiên báo cũng có nhiều kỳ niệm rất gian khổ, đặc biệt là thời kỳ ra báo giấy, cần phải mang tới các khu chợ Việt, trao tận tay bạn đọc. Làm xong báo, ai nấy thỏa mãn nhưng khi cần đi bán báo... rong thì rất ngại. Buổi đầu như vậy, BS. Đặng Phương Lan, ái nữ của đạo diễn Đặng Nhật Minh, một cây bút rất nhiệt tình của NCTG, cũng đã xin nghỉ việc cơ quan, ra chợ bán báo để khởi đầu cho anh em.

Khó khăn đương nhiên cũng rất nhiều, mà chủ yếu, như Nhóm chủ trương hay nhấn mạnh, NCTG là “một tờ báo nhỏ, của một nhóm nhỏ trong một cộng đồng Việt nhỏ ở một nước nhỏ”, một diễn đàn độc lập và tự lực trong môi trường báo chí & văn nghệ hết sức không thuận lợi của các cộng đồng Việt Nam tại Đông Âu: báo không hề có kinh phí hoạt động, người làm báo không hề có thu nhập, v.v...

RFI: Phương hướng hoạt động trong tương lai?

Bên cạnh việc tồn tại trên mạng như một tờ báo trực tuyến, NCTG muốn được xuất bản những bài viết có giá trị trong các tập san riêng, mang tính chuyên đề, như một sự ghi nhận và lưu giữ sự đóng góp của các cộng tác viên (CTV). Bởi lẽ, hiện tại, hàng năm, NCTG có hàng ngàn bài của các CTV, trong đó có không ít bài phân tích, nhận định, quan điểm và khảo cứu chuyên môn với cách tiếp cận vấn đề có nhiều điểm mới mẻ, khác biệt và không trùng lặp.

Để đáp ứng đề xuất của nhiều bạn hữu và CTV, NCTG cũng muốn tổ chức định kỳ hoặc theo từng dịp một số buổi gặp mặt, trao đổi và thảo luận về các chuyên đề thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, có thể là về thời sự, chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử hay tôn giáo, với sự tham dự của những chuyên gia, những người có tiếng nói thẩm định. Tất nhiên, những dự án ấy, rất cần sự hỗ trợ tài chính và tinh thần của cộng đồng.

Dầu sao đi nữa, NCTG cũng mong muốn tiếp tục một cách xác tín và đứng đắn, cũng như, nỗ lực để được như nhận xét của cựu đại sứ Hungary Szász Dénes, khi ông nhận ra rằng "NCTG không phải là một diễn đàn tuyên truyền, vì nếu nó như thế, chắc chắn sẽ bị độc giả cự tuyệt", và "đồng thời, tờ báo có hệ giá trị, có thế giới quan riêng - báo đại diện một cách rõ rệt những giá trị nhân bản, văn minh và văn hóa phổ quát".

Sau 15 năm, bạn đọc với chính kiến khác nhau cho rằng NCTG là hữu ích, đáng tin cậy và có thể yên tâm khi đọc. Xa hơn, tờ báo cũng cố gắng để góp được phần nào cho mối quan hệ giữa người dân Việt Nam và Hungary, ít nhất là trên bình diện thông tin, được tăng cường. Như ông Szász Dénes có khẳng định, "thông tin, bài vở của NCTG cũng được các cơ quan đại diện ngoại giao có liên quan sử dụng một cách có hiệu quả".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.