Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Việt Nam nạo vét biển tại một đảo tranh chấp

Theo hãng tin Reuters hôm nay, 08/12/2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy là Việt Nam đã bắt đầu nạo vét biển tại một đảo đang tranh chấp với Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa, một hành động có thể khiến Bắc Kinh giận dữ.

Ảnh chụp vệ tinh  đảo Đá Lát (Ladd Reef), thuộc quần đảo Trường Sa ngày 30/11/2016, cho thấy các hoạt động cải tạo nạo vét cát trên đảo.
Ảnh chụp vệ tinh đảo Đá Lát (Ladd Reef), thuộc quần đảo Trường Sa ngày 30/11/2016, cho thấy các hoạt động cải tạo nạo vét cát trên đảo. Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters
Quảng cáo

Đảo tranh chấp đó là Đá Lát ( Ladd Reef ), một đảo mà khi thủy triều lên thì bị ngập chìm hoàn toàn, nhưng trên đó có một ngọn hải đăng và một tiền đồn, nơi trú đóng của một nhóm nhỏ binh lính. Đài Loan cũng đòi chủ quyền trên đảo này.

Những hình ảnh chụp ngày 30/11, do công ty vệ tinh nhân tạo của Mỹ Planet Labs cung cấp, cho thấy một số tàu đang di chuyển trên một con kênh mới được đào từ phá với tới biển sâu. Theo Reuters, tuy hiện chưa rõ mục đích của công trình nói trên là gì, nhưng các nhà phân tích cho biết nó có thể báo hiệu cho những công trình quy mô hơn tại các đảo khác của Trường Sa.

Theo giả thuyết mà chuyên gia về Biển Đông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), đưa ra, công trình xây dựng ở Đá Lát không hẳn là bồi đắp mà đúng hơn chỉ là để cho các tàu tiếp liệu và tàu cá ra vào dễ dàng hơn.

Cũng theo chuyên gia Greg Poling, về mặt lý thuyết thì Đá Lát đóng vai trò bảo vệ đảo Trường Sa kế bên, nơi mà Việt Nam đang nâng cấp một phi đạo và xây các nhà chứa máy bay mới.

Ông Trevor Hollingsbee, nguyên một nhà phân tích tình báo hải quân của bộ Quốc phòng Anh, cho biết là Việt Nam đang nhanh chóng cải thiện các hệ thống phòng thủ của nước này ở Biển Đông, củng cố những điểm còn yếu, như tiền đồn trên Đá Lát.

Cũng hãng Reuters vào tháng 8 vừa qua loan tin là Việt Nam đã đặt các dàn tên lửa trên một số đảo ở Trường Sa, nhưng Hà Nội chưa xác nhận tin này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.