Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam: Nợ công tăng nhanh do đầu tư công thiếu hiệu quả

Đăng ngày:

Nợ công đang nổi lên trở lại thành một chủ đề thời sự nóng bỏng tại Việt Nam vì tốc độ tăng quá nhanh của món nợ mà các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu.

Do nợ công tăng nhanh, chính phủ Việt Nam buộc phải "thoái vốn" các tập đoàn Nhà nước như Vinamilk.
Do nợ công tăng nhanh, chính phủ Việt Nam buộc phải "thoái vốn" các tập đoàn Nhà nước như Vinamilk. Reuters
Quảng cáo

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 01/11 vừa qua, bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết tốc độ tăng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Cũng theo lời ông Đinh Tiến Dũng, nếu như nợ công năm 2011 chỉ là 36,5% GDP thì đến năm 2015 đã lên tới 62,2%. Năm nay, nợ công được dự báo sẽ tăng lên mức 64%, tức là tiến ngày càng gần đến mức trần cho phép ( 65% GDP ), theo quy định của Quốc Hội.

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam như vậy là cao hơn các nước láng giềng như Malaysia ( 53% ) và Thái Lan ( 41% ). Một phần chính là do nợ công tăng cao như vậy mà chính phủ Việt Nam đã buộc phải từ bỏ dự án nhà máy điện hạt nhân, một dự án cần một số vốn đầu tư quá lớn. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nguyên nhân chính khiến nợ công Việt Nam tăng nhanh là do hiệu quả của đầu tư công quá thấp.

08:10

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn

Tình hình nợ công ngày càng đáng báo động đến mức mà Bộ Chính Trị gần đây đã phải ban hành một nghị quyết yêu cầu chính phủ là “chỉ vay trong khả năng trả nợ”. Nghị quyết này báo động: "Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ". Bên cạnh yêu cầu “ chỉ vay trong khả năng trả nợ” và “chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế”, nghị quyết của Bộ Chính Trị còn yêu cầu chính phủ “thực hành triệt để tiết kiệm” và “siết chặt kỷ cương tài chính – ngân sách Nhà nước”.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam công bố vào tháng 7 năm nay, Ngân hàng Thế giới cho rằng yếu tố chính khiến nợ công của Việt Nam tăng nhanh như vậy là do tình trạng thâm hụt tài khóa lớn và dai dẳng và thâm hụt này phần lớn được bù đắp từ nguồn vay nợ trong nước.

Cũng theo báo cáo nói trên, nhu cầu chi trung hạn - bao gồm chi trả nợ ngắn hạn trong nước - cũng lớn, đồng thời mức chi trả lãi cũng bắt đầu tăng. Trong lúc đó thì nguồn vốn ưu đãi bên ngoài sẽ giảm do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và phải huy động nguồn vốn trên thị trường tài chính quốc tế.

Trong tình hình như vậy, theo Ngân hàng Thế giới khuyến cáo Việt Nam là cần phải có một kế hoạch củng cố tài khoá tốt nhằm hợp lý hóa, giảm nhu cầu vào vốn ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi phí đi vay thương mại bằng cách tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư và cải thiện độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn.

Là một trong những cố vấn chủ chốt cho Luật quản lý nợ công sửa đổi, ông Robrigo Cabral, làm việc cho Ngân hàng Thế giới, trong một bài viết đăng trên trang worldbank.org ngày 14/11, cũng đã nhấn mạnh rằng nhu cầu về tài chính của Việt Nam đã thay đổi, vì Việt Nam đã rời khỏi hàng ngũ các quốc gia có thu nhập thấp để gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Sự tăng trưởng này kéo theo những nhu cầu mới về đầu tư vào các cơ sở hạ tầng và vào các chương trình xã hội. Những đầu tư này cần phải có nguồn tài chính từ chính phủ.

Cũng theo bài viết trên trang worldbank.org, Việt Nam “đang tiến tới một cơ chế quản lý nợ công dựa trên thị trường”. Một mặt, huy động vốn ngày càng tốn kém vì Việt Nam ngày càng ít được hưởng các khoản vay với lãi suất ưu đãi từ các định chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á. Mặt khác, nó cũng mở ra cho Việt Nam nhiều chọn lựa về cách vay tiền và nhiều công cụ tài chính, tạo ra nhiều phương án để cân bằng chí phí/rũi ro cho nợ công.

Như đã nói ở trên, nợ công của Việt Nam tăng nhanh chính là do tình trạng thâm hụt tài khóa dai dẳng. Theo ghi nhận của ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, chính tình trạng thâm hụt ngân sách dằng dai này đã thúc đẩy chính phủ phải đẩy mạnh tiến trình tư nhân hóa. Một loạt các tập đoàn Nhà nước như Habeco, Sabeco và Vinamilk sẽ “thoái vốn”, tức là Nhà nước rút phần vốn của mình ra, bán vốn đó cho các nhà đầu tư tư nhân và ngoại quốc, với mục tiêu huy động được 7 tỷ đôla, bù đắp cho khoảng thâm hụt tài khoá hàng năm khoảng 10 tỷ đôla.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.