Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Nguyễn Thiện Đạo: Âm nhạc đương đại và ngưỡng vọng dân tộc

Đăng ngày:

Nguyễn Thiện Đạo, nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt, được thế giới đánh giá như một bậc canh tân âm nhạc đáng kính của trường phái cổ điển đương đại. Thế giới âm thanh của ông là nơi giao hòa giữa hai dòng thủy lưu : đó là nhịp đập của con tim nước Pháp và tâm hồn quê hương Việt Nam, được biểu hiện nhuần nhuyễn qua bút pháp phương tây và triết lý sống phương đông.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cùng với Olivier Messiaen tại Liên Hoan Metz năm 1980.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cùng với Olivier Messiaen tại Liên Hoan Metz năm 1980. Nguồn : nguyenthiendao.com
Quảng cáo

Gặp gỡ Olivier Messiaen

Tuy được sinh ra trên mảnh đất rồng tiên nước Việt, nhưng Nguyễn Thiện Đạo đã sớm từ biệt quê nhà sang Pháp để học nghành y theo ý nguyện của cha. Thế nhưng niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt đã khiến ông trở thành đứa con « bất hiếu ». Ông chối từ màu áo blouse trắng để theo học sáng tác tại Nhạc Viện Quốc Gia Paris và may mắn được Olivier Messiaen, là một trong số nhà soạn nhạc lớn nhất của thế kỉ XX, nhận làm học trò. Từ đây nhạc sĩ đã nhanh chóng nhận sự khơi gợi cũng như ủng hộ của thầy Olivier Messiaen về con đường sáng tác. 

Chính từ cái nôi này, tinh hoa âm nhạc tây phương từ từ bén rễ, để rồi làm hồi sinh trong tâm thức người học trò Đạo những âm sắc, tiếng nói về cội nguồn. Vậy nên, gia sản tinh thần mà ông để lại phần lớn là những tác phẩm đề cập đến quê hương như : Mỵ Châu – Trọng Thủy, Phù Đổng, Thành Đồng Tổ Quốc, Trương Chi… Với việc đan kết giữa lối biểu hiện Tây Âu và chất liệu trong âm nhạc dân tộc Việt Nam, Nguyễn Thiện Đạo đã mang hồn cốt nước Việt đến với thế giới.

Trong cuốn « Musique et couleur » (Âm nhạc và màu sắc) Messiaen đã có lời đánh giá về người học trò của mình như sau « Tôi coi Đạo như một nhà soạn nhạc đặc biệt, cái ngày mà tôi nghe Koskom của ông ấy, tôi đã nghĩ rằng đây quả là một tác phẩm lớn của thế kỉ. Đó là bản nhạc có tầm cỡ, tốn nhiều công sức (…) là giấc mơ của Đạo, một nhạc sĩ Việt Nam tại Paris … ».

Ngưỡng vọng dân tộc

Năm 1978, Nguyễn Thiện Đạo vượt ngưỡng bằng vở opéra mang tên Mỵ Châu – Trọng Thủy, đánh dấu tên tuổi trong làng âm nhạc cổ điển thế giới đương đại. Mỵ Châu – Trọng Thủy là vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được thế giới biết đến như một tác phẩm mang tiếng nói dân tộc đặc sắc và thủ pháp biểu hiện mới mẻ.

Phần lớn những đứa con tinh thần của ông là niềm ngưỡng vọng về quê cha đất tổ. Nơi có miền kí ức tuổi thơ trải rộng theo những cánh đồng bát ngát, lắng nghe lời ca dao mẹ hát, những trò chơi đuổi bắt với gió, với mây và sự tĩnh lặng xuyên thấu tâm hồn.

Vậy nên, nhịp điệu, tiết tấu trong những tác phẩm của ông không đồng hành cùng nhịp tim của con người, điều mà người ta hay gặp trong âm nhạc phương tây, chúng thường có tốc độ cực nhanh. Thêm nữa cường độ luôn ở hai đỉnh điểm, từ âm độ vô cùng nhỏ, rồi vỡ òa tới tột cùng, như thể chúng muốn vượt khỏi giới hạn để đạt đến miền vô cực. Điều này khởi nguyên từ quan niệm vũ trụ trong triết học phương đông và khuynh hướng biểu hiện mới trong thủ pháp sáng tác âm nhạc thế kỉ XX.

Hay chăng những giai điệu trở nên lạ lùng dưới ngòi bút của ông, cho dù ta đã từng nghe khi còn nằm nôi. Nguyễn Thiện Đạo quả rất khéo léo thêu vào trong đó những vi quãng ( quãng nhạc cực kì nhỏ), gam ngũ cung hay lối hát vuốt giọng vốn đã tồn tại lâu đời trong kho tàng dân ca Việt Nam. Nhạc cụ truyền thống từ đây ,được khoác trên mình tấm áo đa sắc hơn nhờ ngôn ngữ biểu hiện theo trường phái tiên phong và nhạc chuỗi mà ông đã du nhập từ âm nhạc đương đại Tây Âu.

Tâm thế trong những tác phẩm của ông còn là sự tĩnh lặng đạt tới nhập định. Trước mặt đây, những bức tượng trầm ngâm, lắng nghe tiếng thở từ trong sâu thẳm tâm hồn, mặc nhìn thời gian lướt nhanh. Âm thanh trong nhạc Nguyễn Thiện Đạo như cánh cửa diệu kì mà ta có thể đi qua giữa hai thế giới : tâm thức và thực tại. Giống như chính tác giả đã từng nói với chính mình « Tôi cố gắng tự đặt mình ra khỏi dòng chảy của thời gian và không gian mà tôi đang sống. Dù ở bất cứ đâu, tôi không sống với cái thời gian và không gian nhất định đó ; và sự tĩnh lặng đưa tôi vào trong tâm thức ».

Trong một buổi phỏng vấn của đài RFI tiếng Việt, nhạc trưởng Laurent Boer, người chỉ huy những buổi hòa nhạc nhằm tưởng nhớ một năm ngày mất của nhà soạn nhac Nguyễn Thiện Đạo, tháng tư tại Paris và tháng mười vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, khi được hỏi về màu sắc Á Đông trong nhạc của Nguyễn Thiện Đạo, ông nói : « Về những gì thuộc về Á Đông, trong tác phẩm « Linh Giác » mà chúng tôi biểu diễn, đó là thủ pháp sử dụng tính cộng hưởng (…) ví dụ như cồng là loại nhạc cụ gõ ở Việt Nam, mà khi đánh lên, trường độ cộng hưởng còn lớn hơn cả trường độ của chính nốt đó. Cái này chúng ta thấy rất rõ trong Linh Giác. Những lối chơi này đặc biệt được trao cho bộ gõ, những nốt nhạc ngân dài trên âm vực cao và âm hưởng của hợp âm (…) Đó là sự kéo dài nhịp đập của trái tim… ».

Xa quê gần trọn một đời người, những năm cuối đời ông đã dành rất nhiều chuyến về Việt Nam để thực hiện một vài dự án âm nhạc tại quê nhà, cốt cũng để thỏa lòng nhớ thương cội rễ. Một tác phẩm khá đồ sộ của Nguyễn Thiện Đạo, được dàn dựng ở Việt Nam gần đây nhất là vở Giấc Mơ Kiều. Đây là tác phẩm kết hợp nhiều loại hình sân khấu chở mang tấm tình quê hương, được biểu hiện hài hòa giữa hai dòng nhạc Á – Âu. 

Đúng một năm, nhà soạn nhạc tài hoa Nguyễn Thiện Đạo đã đi xa, dấu tích mà ông đã để lại cho dân tộc Việt Nam là những bản nhạc khổ lớn nặng mang những giai điệu soi bóng hồn Việt. Những dòng nhạc uốn lượn lúc thưa lúc nhặt, có khi co cụm lại như vẽ nên bức tranh làng quê, là cái ao làng dưới bóng trăng yên bình, một khu vườn tĩnh mịch hay khúc lẩy Kiều xa xôi đâu đó vọng về. Quê hương ôm ông vào lòng, người đàn ông nhỏ bé với khát khao mang hồn cốt âm nhạc Việt Nam ra bể lớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.