Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã

Đăng ngày:

Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã. Ngày hội giảm giá trên mạng : Trung Quốc phá kỷ lục thế giới. Chiến thắng của Donald Trump và niềm vui của các nhà sản xuất đồ lưu niệm Trung Quốc. Nền kinh tế Ấn Độ bị tê liệt vì đổi tiền. Bí ẩn về tập phác thảo mới được tìm thấy của danh họa Van Gogh. Trên đây là các chủ đề chính trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 19/11/2016.

Tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác tại Hà Nội, ngày 12/11/2016.
Tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác tại Hà Nội, ngày 12/11/2016. REUTERS/Nguyen Thanh Cao
Quảng cáo

Làng Nhị Khê – Hà Nội, trung tâm buôn bán động vật hoang dã

Tổ chức phi chính phủ Ủy ban Công lý Động vật hoang dã đã tổ chức một buổi điều trần công khai vào ngày 14 - 15/11/2016 về cuộc điều tra bí mật kéo dài một năm về các hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại làng Nhị Khê, Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 17 km về phía Nam. Hãng tin Pháp AFP cho biết, tại phiên điều trần đặc biệt ở The Hague, Hà Lan, Ủy ban Công lý Động vật hoang dã đã gọi ngôi làng này là « siêu thị buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã ».

Nhưng có vẻ như Hà Nội đã tích cực hành động trước khi hội nghị quốc tế về buôn bán động vật hoang dã diễn ra vào cuối tuần này. Ngày thứ Bảy 12/11/2016, chính quyền Việt Nam đã tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi, 70 kg sừng tê giác và nhiều mẫu vật từ loài hổ, gấu hoang dã thu giữ được từ các vụ buôn bán bất hợp pháp. Vụ tiêu hủy diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES tại Việt Nam.

Cựu trợ lý Mỹ của Ủy ban Tư pháp Động vật hoang dã ở New York, biện lý Marcus Asner, cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama về chống buôn bán động vật hoang dã, đã tuyên bố đó là « một bước đi tốt », nhưng Việt Nam cần làm nhiều hơn thế nữa. Ủy ban này cho biết đã xác định và thông tin cho Hà Nội biết danh tính 51 người có liên quan đến đường dây buôn bán phi pháp ở làng Nhị Khê và 16 cửa hàng nằm rải rác trong làng.

Trong năm lần trở lại vào các năm 2015 và 2016, các nhà hoạt động bí mật tìm thấy tại làng Nhị Khê các bộ phận của 907 con voi, 579 con tê giác và 225 con hổ, với giá trị lên tới 53.100.000 đô la. Một chiếc ngà voi có giá khoảng 29.000 đô la. Họ cũng tìm thấy xác các loài động vật khác như tê tê, gấu, rùa đồi mồi và hồng hoàng mũ cát.

Các loài động vật này được nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ châu Phi và dành cho khách hàng ở Trung Quốc. Việc thương lượng mua bán được tiến hành trên WeChat, phiên bản Trung Quốc của dịch vụ tin nhắn điện thoại di động WhatsApp. Sau đó, khách hàng Trung Quốc cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng Trung Quốc để thanh toán.

Ngày hội giảm giá trên mạng : Trung Quốc phá kỷ lục thế giới

Ngày 11/11 hàng năm là ngày độc thân ở Trung Quốc. Từ 8 năm nay, đó cũng là ngày hội giảm giá trên mạng Internet. Người Trung Quốc cuồng nhiệt mua sắm nhân dịp này, phá vỡ mọi kỷ lục thế giới về mua hàng trên mạng.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :

« Vào nửa đêm, lễ hội truyền hình đã mở màn cho một đêm mua sắm điên cuồng trên mạng Internet. Nhưng để mua được món hời thì phải dùng mẹo, vì với 700 triệu cư dân mạng, việc săn hàng giảm giá là vô cùng khó khăn.

Cô Trương Yến Yến chia sẻ : « Đúng nửa đêm, tôi bắt đầu lên mạng, nhưng đến lúc thanh toán tiền thì mạng bị nghẽn vì có quá nhiều khách hàng. Năm nào cũng thế, tôi đều để lỡ các món hời, vả chăng, các khuyến mãi cũng chẳng hấp dẫn lắm, lễ hội này cũng chỉ như một buổi biểu diễn mà thôi ».

Đến 00h05’, trang Taobao đã thỏa mãn, những người bán hàng đã thu về hơn 900 triệu euro. Cô Song, 25 tuổi, cảm thấy thất vọng. Cô giải thích : « Từ đầu tháng 11, tôi đã chọn hàng và cho sẵn vào giỏ hàng trên mạng. Tôi rất muốn mua quần áo lót, nhưng khi tôi mua xong các món hàng cho con mèo của tôi, các mặt hàng giảm giá mà tôi muốn mua đã hết ».

Năm nay, cơn cuồng nhiệt mua sắm của người Trung Quốc đã đánh bại mọi kỷ lục : chỉ sau 15 tiếng, cư dân mạng đã tiêu 12 tỉ euro, hơn rất nhiều so với con số trong suốt cả ngày này năm ngoái. Thương mại điện tử đã vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Trong vòng 10 tháng đầu năm, thương mại điện tử đã tăng 26%. »

Donald Trump đắc cử : Các nhà sản xuất đồ lưu niệm Trung Quốc "hốt bạc"

Donald Trump đắc cử vào Nhà Trắng đã mang lại niềm vui cho nhiều nhà sản xuất đồ lưu niệm ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc vì ứng viên mà họ đặt cược đã thắng cử. Đơn đặt hàng về các đồ lưu niệm liên quan đến tổng thống Mỹ tân cử nhiều vô kể.

Từ Chiết Giang, thông tín viên RFI Heike Schmidt cho biết :

Nhà máy dệt Gia Hào vận hành hết công suất. Các đơn đặt hàng đổ về ào ào, nào là cờ với khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », nào là cờ có in hình tổng thống tân cử. Chủ doanh nghiệp là Diêu Đan Đan vui vẻ giải thích với đài RFI : « Hiện giờ tôi rất bận bịu. Ngày nào tôi cũng xuất nhiều kiện hàng sang Mỹ. Hàng sẽ bán rất chạy ít nhất là cho đến Noel, bởi vì họ sẽ cần rất nhiều cờ từ cơ sở sản xuất của chúng tôi cho các buổi tuần hành vào dịp lễ nhậm chức của Donald Trump. Từ khi ông ấy đắc cử, tôi đã nhận được đơn đặt hàng 30.000 lá cờ. Tổng cộng, tôi đã cho sản xuất 11.000 lá cờ, mỗi lá cờ có giá 60-80 cent (100 cent = 1 euro).»

Nhà sản xuất và kinh doanh cờ xoa tay hài lòng, bởi vì ngay từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông đã đặt cược cho ứng viên Donald Trump. Ông Diêu chia sẻ : « Tôi nhanh chóng ngừng sản xuất cờ với khẩu hiệu và hình của bà Hillary Clinton. Khi đó, tôi tin là bà ấy không được nhiều người ủng hộ. Tôi vui vì Donald Trum đắc cử, điều này tốt cho nền kinh tế của chúng tôi. »

Trả lời câu hỏi liệu có sợ ông Trump có áp thuế 45% đối với các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc như đã hứa hay không, Diêu Đan Đan tự trấn an rằng đó chỉ là những « lời nói gió bay ». Ông Diêu lại đang bắt tay vào chuẩn bị hàng cho các đợt tranh cử khác. Ông hy vọng người Pháp sẽ liên lạc với ông để đặt ông sản xuất cờ cho chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp tới đây. Ông cho biết sẽ cố gắng hết sức vì việc làm ăn này mang lại nhiều lợi nhuận.

Nền kinh tế Ấn Độ bị tê liệt vì đổi tiền

Cách đây hơn 1 tuần, thủ tướng Ấn Độ đã bất ngờ tuyên bố rút các tờ bạc mệnh giá lớn là 500 và 1.000 rupi ra khỏi lưu thông, thay vào đó là các tờ bạc mới và buộc dân chúng đi đổi tiền. Mục đích là buộc những người cất giấu nhiều tiền mặt phải khai báo, để kiểm soát dòng tiền ngầm và chống tham nhũng. Tuy nhiên, biện pháp này đã làm tê liệt một phần nền kinh tế vốn chủ yếu sử dụng tiền mặt và khiến tiền mặt trở nên khan hiếm.

Thông tín viên RFI Sébastien Farcis tại New Delhi tường thuật :

« Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng hai ngày, thủ tướng Narenda Modi bảo vệ kế hoạch đổi các tờ bạc mệnh giá lớn. Thủ tướng Ấn Độ thậm chí đã bảo đảm sẽ đánh cược cuộc đời mình để chống lại việc người giàu có biển thủ công quỹ và tham nhũng.

26 tỉ tờ bạc mệnh giá 500 và 1000 rupi, chiếm 86% lượng tiền mặt đang lưu thông không còn giá trị. Nhưng tạm thời, chính những người dân nghèo lại phải trả giá. Họ phải xếp hàng nhiều ngày để đổi tiền. Những người buôn bán nhỏ, không có máy thanh toán tiền bằng thẻ ngân hàng, đã mất khách từ hơn một tuần nay.

Đối với nhà nghiên cứu Gurbachan Singh của Viện Thống Kê Ấn Độ, biện pháp này của thủ tướng không hiệu quả, vì những người kiếm tiền phi pháp từ nhiều năm nay đã rửa phần lớn số tiền họ có và họ vẫn có cách xoay xở, nhất là chuyển sang tích trữ vàng.

Tốt hơn hết là chính phủ phải kiểm soát thông qua thu thuế và mật vụ. Vị chuyên gia này đánh giá là chắc chắn biện pháp này khiến những người như vậy lo sợ nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Ông cũng cảnh báo nếu không tìm ra các giải pháp lâu dài, Ấn Độ lại nhanh chóng quay về điểm xuất phát mà thôi.
Còn Thủ tướng Modi đã tuyên bố cuộc chiến của ông nhằm chống tham nhũng và trốn thuế sẽ không chỉ dừng ở đây.
»

Bí ẩn về tập phác thảo mới được tìm thấy của danh họa Van Gogh

Một cuộc tranh luận đã nổ ra sau khi báo chí cho biết một tập 65 bức phác họa chưa từng được công bố và được coi là của danh họa Van Gogh mới được tìm thấy. Đây là một khám phá nghệ thuật lớn hay chỉ là một trò lừa gạt ? 

65 bức phác thảo được vẽ trong một cuốn sổ ghi chép chi tiêu của một quán cà phê có tên gọi « Café de la Gare » ở thành phố Arles, miền Đông Nam nước Pháp, vào năm 1888. Arles là nơi danh họa Van Gogh sống trong những năm 1888-1890. Tập tranh phác thảo được tìm thấy trong kho của một người phụ nữ sống tại miền Nam nước Pháp. Bà đã liên lạc với chuyên gia nghệ thuật Frank Baille, chủ một hãng đấu giá để nhờ ông đánh giá. Và ông Frank Baille đã nhờ sử gia nghệ thuật người Canada, bà Bogomila Welsh-Ovcharov, chuyên gia về tranh Van Gogh đánh giá tính xác thực của tập phác thảo.

Bà Bogomila Welsh-Ovcharov, đã bất ngờ thốt lên khi nhìn thấy các bức phác thảo : « Ôi trời! Không thể tin được, vào thời hiện đại này mà chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy một bức phác thảo của Van Gogh, thậm chí không phải một mà tới 65 bức ! ». Nữ sử gia nghệ thuật và một chuyên gia người Anh khác về tranh Van Gogh là ông Ronald Pickvance đã tìm hiểu trong vòng ba năm và kết luận các bức phác họa đúng là của danh họa Van Gogh. Chuyên gia Pickvance đánh giá đây là khám phá có ý nghĩ quan trọng nhất về lịch sử hội họa Van Gogh.

Nhưng bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan lại có nhiều nghi vấn về loại mực vẽ, phong cách hội họa và những lỗi đo vẽ về địa hình, cho rằng đó không phải là những phác thảo của danh họa Van Gogh mà chỉ là những bản sao chép.

Nhà xuất bản Seuil của Pháp gọi tập phác thảo của Van Gogh là một kho báu và ngày 17/11 đã xuất bản đồng thời tại nhiều nước Pháp, Mỹ, Đức, Anh và Nhật cuốn sách dày 288 trang chứa bản in của 65 bức phác họa này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.