Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Công nghệ mới, cơ hội cho doanh nghiệp Pháp ở Việt Nam

Đăng ngày:

Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Việt Nam, sáng ngày 07/09/2016, tổng thống Pháp François Hollande đã đến thăm công ty dịch vụ tin học Linkbynet ở Sài Gòn và đã gặp gỡ, trò chuyện với các đại diện của French Tech Viet, cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) của Pháp tại Việt Nam.

Đại diện Linkbynet ở Việt Nam Bùi Vĩnh Thụy tiếp tổng thống Hollande ngày 07/09/2016.
Đại diện Linkbynet ở Việt Nam Bùi Vĩnh Thụy tiếp tổng thống Hollande ngày 07/09/2016. RFI
Quảng cáo

Việc ông Hollande bỏ ra đến hơn một tiếng đồng hồ cho cuộc viếng thăm và gặp gỡ này nhằm cho thấy là tổng thống Pháp muốn thúc đẩy các công ty của Pháp đầu tư mạnh hơn nữa vào ngành công nghệ mới ở Việt Nam, một ngành được coi là có rất nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới. Trong chuyến thăm này, ông Hollande đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới đầu tư tại Việt Nam và nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

French Tech Viet là một cộng đồng có hơn 800 thành viên, trong đó có hơn 120 doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới: Nghe nhìn, Giải pháp tin học cho khối Ngân hàng và Tài chính, Viễn thông, Phần mềm, Chính phủ điện tử, Trò chơi điện tử, Thương mại điện tử, An ninh mạng, Đào tạo và Dạy học từ xa.

Cô Céline Zapolsky, một trong các đại diện của French Tech Viet, giới thiệu với tổng thống Hollande về tiềm năng của thị trường công nghệ mới tại Việt Nam ngày 09/09/2016.
Cô Céline Zapolsky, một trong các đại diện của French Tech Viet, giới thiệu với tổng thống Hollande về tiềm năng của thị trường công nghệ mới tại Việt Nam ngày 09/09/2016. RFI

Trả lời RFI trước khi tổng thống Hollande đến thăm công ty Linkbynet, một trong những thành viên của Frenh Tech Viet, cô Celine Zapolsky, cho biết :

« Hôm nay chúng tôi gặp tổng thống để trình bày với ông về hệ thống các công ty công nghệ mới ở Việt Nam và đâu là vị trí của các doanh nghiệp Pháp trong hệ thống này. Chúng tôi cũng đang xin được công nhận là một trung tâm công nghệ mới của Pháp (French Tech Hub) ở Việt Nam. Đây là dự án thể hiện mong muốn của toàn bộ các công ty Pháp có mặt tại đây, một tập thể gồm 200 người và 120 công ty. Chúng tôi hy vọng sẽ được công nhận vào tháng 10 tới. Đây là giấy chứng nhận dành riêng cho các công ty công nghệ mới của Pháp ở nước ngoài để khẳng định sự hiện diện của Pháp trong lĩnh vực này ở nước ngoài.

Một khi được công nhận là French Tech Hub, chúng tôi sẽ có được những công cụ thông tin rất tốt, các sự kiện mà chúng tôi tổ chức sẽ quan trọng hơn, nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư Pháp và nước ngoài đến Việt Nam, phổ biến rộng rãi hơn những sáng kiến, dự án công ty khởi nghiệp ở Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thể quảng bá tốt hơn các công nghệ mới của Pháp đến các doanh nghiệp đang có mặt ở Việt Nam và chính phủ Việt Nam. »

Cô Céline Zapolky nêu ra một số yếu tố thuận lợi cho việc đầu tư của các doanh nghiệp Pháp vào lĩnh vực công nghệ mới ở Việt Nam :

« Về tình hình hiện nay ở Việt Nam thì chúng ta đã có Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016- 2020, với một trong những ưu tiên là phát triển công nghệ mới. Đó là một yếu tố rất tích cực.

Yếu tố thuận lợi thứ hai là ở Việt Nam hiện nay có những người được đào tạo rất tốt, với nhiều kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, bây giờ trở về nước làm việc. Trong giới công nghệ của Pháp cũng có rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn trở về đầu tư trong nước.

Yếu tố thuận lợi thứ ba: Việt Nam là quốc gia có vị trí đặc biệt trong ASEAN, giúp cho ngành công nghệ mới của Pháp lan tỏa xa hơn trong khu vực, một « đồn tiền tiêu » rất tốt trong ASEAN ».

Cô Céline Zaposky hiện là giám đốc điều hành của công ty Linagora Vietnam. Linagora là công ty hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực phần mềm miễn phí. Thật ra, việc cô sang làm việc ở Việt Nam còn có một lý do khác, đó là Céline còn có tên là Hoàng Lan, tức là cô mang hai dòng máu Pháp Việt, bố Pháp, mẹ Việt. Sang Việt Nam làm việc đối với cô là một hình thức trở về nguồn.

Ngoài những người mang hai dòng máu Pháp Việt như thế, còn có những người Việt trẻ sống ở Pháp nay trở về góp phần phát triển công nghệ mới ở Việt Nam, như trường hợp của anh Bùi Vĩnh Thụy, đại diện của công ty dịch vụ tin học Linkbynet ở Việt Nam, mới được thành lập năm 2014. Tuy bận rộn chuẩn bị đón tiếp tổng thống Francois Hollande, anh Bùi Vĩnh Thụy đã dành cho RFI bài phỏng vấn sau đây :

04:47

Bùi Vĩnh Thụy, Linkkbynet Vietnam

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.