Vào nội dung chính
THÔNG TIN - KIỂM DUYỆT

Bị phản đối, Facebook bỏ kiểm duyệt ảnh « Em bé napalm »

Bị chỉ trích dữ dội vì dỡ bỏ bức ảnh một em bé Việt Nam bị bỏng do bom napalm, mạng xã hội Facebook ngày 09/09/2016 đã phải bỏ kiểm duyệt bức hình nổi tiếng này.

Nhiếp ảnh gia Nick Ut bên cạnh bức tranh "Em bé Napalm"
Nhiếp ảnh gia Nick Ut bên cạnh bức tranh "Em bé Napalm" Getty
Quảng cáo

Trước đó, Facebook đã xóa bức ảnh nổi tiếng này, kể cả trên tài khoản của thủ tướng Na Uy Erna Solberg. Sự kiện này trở thành trường hợp kiểm duyệt nổi tiếng nhất đối với một người đứng đầu chính phủ.

Giải thích quyết định bỏ kiểm duyệt bức ảnh « Em bé napalm », phát ngôn viên của mạng xã hội có đến 1,71 tỉ người sử dụng cho biết, Facebook đã chú ý đến phản ứng của người sử dụng và « giá trị biểu tượng cũng như tầm quan trọng lịch sử của bức ảnh ». Chính vì vậy, Facebook « quyết định khôi phục lại bức ảnh trên các tài khoản đã đăng bức hình này » và « sẽ điều chỉnh cơ chế kiểm duyệt để cho phép chia sẻ bức hình này trong tương lai ».

Phát ngôn viên của Facebook cũng nhấn mạnh : « Hình ảnh một em bé không mặc quần áo thường bị cho là vi phạm nội quy của Facebook, và tại nhiều nước, được đánh giá mang nội dung khiêu dâm. Trong trường hợp này, chúng tôi công nhận tầm quan trọng lịch sử của bức hình này để tìm hiểu về một thời điểm cụ thể ».

Cách đây hai tuần, Facebook đã xóa bức ảnh « Em bé napalm » trên tài khoản của Tom Egeland, người đăng các bức ảnh về chủ đề chiến tranh. Cuộc tranh luận trở nên căng thẳng khi nhiều người sử dụng Facebook lên tiếng bảo vệ Tom Egeland bằng cách chia sẽ bức hình ảnh này, trong đó có thủ tướng Na Uy. Bức hình biến mất trên tài khoản của bà Solberg vào cuối buổi sáng ngày 09/09.

Facebook đã kiểm duyệt nhiều hình ảnh tương tự, kể cả các tác phẩm nghệ thuật. Đầu năm 2016, một nghị sĩ Đan Mạch từng phàn nàn vì không đăng được bức ảnh chụp « Nàng Tiên Cá », bức tượng nổi tiếng của Copenhagen vì nàng có « quá nhiều phần da để trần ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.