Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH DOANH

Việt Nam: Doanh nghiệp bán lẻ nội địa và nước ngoài chạy đua

Tình hình cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đang nóng lên tại Việt Nam nhờ chính phủ nới lỏng một số quy định để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau và đầu tư nước ngoài. Trên đây là nhận định của tạp chí Nhật Bản Nikkei Asia Review ngày 10/08/2016.

Một cửa hàng trên phố Hàng Bông, Hà Nội. Ảnh minh họa.
Một cửa hàng trên phố Hàng Bông, Hà Nội. Ảnh minh họa. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Mở đầu bài báo, nhà báo Atsushi Tomiyama đưa độc giả đến siêu thị “VinMart +” nằm ở một góc phố cổ Hà Nội đặc trưng với những con phố nhỏ theo kiến trúc thuộc địa Pháp. Bên trong cửa hàng, có đầy đủ thực phẩm, đồ uống, rau củ quả, văn phòng phẩm và đồ chơi. Tất cả được xếp đầy hai bên lối đi chật hẹp. Một khách hàng, chừng 36 tuổi, nói rằng cô rất thích điểm bán hàng này và đến đây hàng ngày, vì có chỗ dựng xe gắn máy ngay trên vỉa hè để chạy nhanh vào mua hàng.

Chuỗi cửa hàng VinMart+ thuộc Vingroup, một tập đoàn bất động sản lớn của nhà nước. Công ty đã mua lại một siêu thị nhỏ vào tháng 10/2014 để gia nhập ngành công nghiệp bán lẻ và bắt đầu mở chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart trong khoảng nửa sau năm 2015. Hiện nay, tập đoàn có 880 cửa hàng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 10.000 siêu thị khác sẽ được mở thêm từ giờ đến cuối năm 2019.

Còn Canifa, một nhà sản xuất quần áo may sẵn, được thành lập năm 2001, bắt đầu bán lẻ theo dây chuyền vào năm 2014. Các dòng sản phẩm nội địa của họ khá giống với mẫu mã của thương hiệu Nhật Bản Uniqlo. Dù đã được bán rẻ hơn so với Uniqlo, song sản phẩm của họ vẫn còn khá đắt so với thu nhập người tiêu dùng bình dân Việt Nam. Nhưng với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, hiện Canifa đã mở được hơn 70 cửa hàng.

Nới lỏng quy định để tạo điều kiện cạnh tranh

Các cửa hàng bán lẻ mọc lên nhiều như vậy là nhờ nhiều quy định được nới lỏng. Tại Việt Nam, doanh nghiệp chỉ có thể được cấp giấy phép mở một điểm bán lẻ sau khi chính quyền đánh giá tác động tới nền kinh tế địa phương. Nhưng các tiêu chí được áp dụng thường không rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai mạng lưới bán lẻ.

Tình hình bắt đầu thay đổi từ năm 2007, khi Việt Nam ra nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để hình thành thị trường minh bạch, cũng như nới lỏng quy định đối với các doanh nghiệp mới. Tháng 05/2016, chính phủ ban hành một quy định, theo đó, các doanh nghiệp có quyền phân phối được tự do mở điểm bán lẻ với quy mô dưới 500 m2. Quy định sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2016.

Thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên hấp dẫn nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Theo thống kê của một tập đoàn công nghiệp, thị trường tiềm năng này đạt được 109,8 trỉ đô la vào năm 2015, tăng hơn 2,4 lần trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong tương lai, doanh thu còn có thể đạt đến 179 tỉ đô la vào năm 2020.

Thị trường Việt Nam: Doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn có phần

Doanh nghiệp nước ngoài cũng đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội có mặt tại thị trường 93 triệu dân này.

Năm 2014, tập đoàn Aeon của Nhật Bản đã khai trương những trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam, cụ thể là ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng chưa đầy hai năm, Aeon đã mở thêm ba trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và một số địa phương khác, trong đó trung tâm mới nhất được khai trương vào tháng 07/2016. Cửa hàng bán lẻ tiện ích 7-Eleven đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được khai trương vào tháng 02/2018.

Ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về vốn, kinh nghiệm bài trí cửa hàng và các dòng sản phẩm, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh quyết liệt với nhau. Tập đoàn Vingroup tận dụng triệt để kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực bất động sản.

Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, cho rằng, điều quan trọng là phải tìm được vị trí tốt cho chuỗi cửa hàng trước khi các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào. Nhà tỉ phú sẵn sàng chấp nhận giới hạn 30% cửa hàng mới mở sẽ kinh doanh không có lãi trong thời gian đầu hoạt động. Tập đoàn hy vọng sẽ khai thác được kinh nghiệm của mình về luật sở hữu đất đai và phát triển dự án.

Vingroup cũng có kế hoạch mở 400 trung tâm mua sắm, cũng như các siêu thị điện tử, từ giờ đến cuối năm 2019. Ông Vượng cho biết tập đoàn đặt mục tiêu tăng cường bán lẻ để lĩnh vực này chiếm từ 20-50% tổng doanh thu của tập đoàn trong những năm tới.

Các công ty bán lẻ Việt Nam cũng muốn cạnh tranh với những nhà đầu tư mới của Việt Nam như Vingroup. Bác Tôm, một chuỗi cửa hàng chuyên về các loại rau hữu cơ (rau sạch, thuộc công ty TNHH VinaGap), đang cố gắng khai thác người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, hiện rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nhờ vào mạng lưới khoảng 200 nông dân và 27 điểm bán lẻ, siêu thị đang thu hút khách hàng thường có thói quen mua đồ ở các chợ truyền thống.

Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ hệ thống vận tải Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Các con phố nhỏ thường chật xe gắn máy và đông nghịt người. Việc phân phối vẫn chưa có hiệu quả và việc giao đồ lạnh hay đông lạnh vẫn chưa sẵn sàng. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có kiến thức và năng lực để đối phó với những nhược điểm về điều kiện hạ tầng như vậy. Chính điều này đã đặt ra một thách thức mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tìm kiếm cơ hội phát triển.

 

Doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam
  Tên công ty (Quốc gia) Số lượng Năm xuất hiện
Trung tâm thương mại Parkson (Malaysia) 9 2005
Lotte Department Store (Hàn Quốc) 1 2014
Tràng Tiền Plaza (Việt Nam) 1 2013 (Mở cửa trở lại sau sửa chữa)
Takashimaya (Nhật Bản) 1 2016
Siêu thị Big C (Pháp, bán lại cho Thái Lan) 34 2003
Citimart (Việt Nam) 31 1994
Metro (Đức) 19 2002
Fivimart (Việt Nam) 24 1997
Aeon (Nhật Bản) 4 2014
Cửa hàng tiện ích (gần khu dân cư) VinMart+ (Việt Nam) 880 2014
Circle K (Mỹ) 170 2008
FamilyMart (Nhật Bản) 103 2009

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.