Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN - VIỆT NAM

Đối thoại nhân quyền Úc-Việt: HRW kêu gọi Canberra cứng rắn

Quan chức cao cấp Việt Nam và Úc sẽ gặp nhau tại Hà Nội ngày 04/08/2016 tới đây trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên giữa hai nước về nhân quyền. Trong một báo cáo công bố vào hôm qua, 01/08, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở chính ở Mỹ, đã yêu cầu chính quyền Úc có thái độ kiên quyết hơn trong việc yêu cầu Việt Nam cải thiện vấn đề nhân quyền.

Ảnh : Human Rights Watch
Quảng cáo

Trong bản báo cáo được gọi là « Tờ Trình của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền », Human Rights Watch đã cho rằng chính quyền Úc « cần nêu các vấn đề cấp thiết về nhân quyền (tại Việt Nam) một cách rõ ràng, đưa ra các mốc đánh giá mức độ cải thiện và công bố công khai kết quả các cuộc thảo luận ».

Báo cáo nêu bật các hành động đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống tại Việt Nam, và khuyến cáo phái đoàn Úc tập trung vào năm chủ đề: (1) những người bị giam giữ vì lý do chính trị; (2) sách nhiễu, hành hung và cản trở những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động; (3) đàn áp tự do tôn giáo; (4) công an bạo hành; (5) và những thuyền nhân bị trao trả.

Về chủ đề thứ năm, có liên quan trực tiếp đến Úc, Human Rights Watch nhắc lại vụ Hải Quân Úc vào tháng Tư và tháng Bảy năm 2015, đã chặn giữ hai chiếc tàu chở thuyền nhân Việt Nam đang di chuyển vào nước Úc, và trao trả toàn bộ số người bị bắt cho phía Việt Nam.

Trong cả hai vụ, theo Human Rights Watch, Việt Nam đều đảm bảo với chính phủ Úc rằng sẽ không trừng phạt những người này về tội vượt biên trái phép. Tuy nhiên, sau đó đã có 8 người trong số đó bị xét xử về tội « tổ chức vượt biên » theo điều 275 của bộ luật hình sự Việt Nam, và nhận mức án từ hai đến ba năm tù.

Human Rights Watch đã chỉ trích chính phủ Úc khi cho rằng việc xét xử « các tội liên quan đến hành vi buôn bán người » là « vấn đề của Chính phủ Việt Nam ». Đối với Human Rights Watch, những người nói trên không bị xét xử về tội danh « buôn người » theo công pháp quốc tế, mà lại bị kết tội về hành vi giúp đỡ người khác rời bỏ một đất nước đàn áp người dân, và quyền rời bỏ một quốc gia là quyền cơ bản của con người theo công pháp quốc tế.

Trên cơ sở đó, Human Rights Watch yêu cầu phía Úc, trong cả các cuộc họp riêng lẫn công khai, là phải kêu gọi chính quyền Việt Nam « bảo đảm an toàn cho tất cả những người tị nạn và di dân bị hồi hương về Việt Nam », đồng thời « phóng thích tám cá nhân bị xử án theo điều 275 và hủy bỏ bản án ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.