Vào nội dung chính
VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Việt Nam thận trọng, không vui mừng sau phán quyết chống lại Trung Quốc

Ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực tại La Haye đã ra phán quyết thuận lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông. Thế giới đã theo dõi và bình luận, cho dù Trung Quốc tuyên bố phán quyết là vô giá trị. Nhưng trong một chừng mực nào đấy, Việt Nam, nước lẽ ra sau Philippines, phải hoan nghênh nồng nhiệt thì lại tỏ ra mềm mỏng và kiềm chế. Tại sao ? 

Người Việt biểu tình trước cửa sứ quán Philippines tại Hà Nội, sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ra phán quyết về Biển Đông, ngày 17/07/2016.
Người Việt biểu tình trước cửa sứ quán Philippines tại Hà Nội, sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ra phán quyết về Biển Đông, ngày 17/07/2016. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Theo bài phân tích trên website Huffingtonpost (16/07/2016), tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã dẫn đến các vụ đối đầu giữa Hải Quân hai nước, bắt giữ các ngư dân, cắt cáp tàu khảo sát, vi phạm chủ quyền, tình trạng bất ổn trên diện rộng ở trong nước, tức giận nhắm vào chính phủ, bạo động và cướp phá và nâng cấp các phương tiện của Hải Quân Việt Nam.

Khi phán quyết vụ kiện về Biển Đông được đưa ra, Bill Hayton trên website The National Interest nhận xét rằng « đó là một chiến thắng của bằng chứng trước tình cảm ». Hayton nói rằng những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc mang tính cảm xúc dựa trên các sự kiện lịch sử và cách hành xử từ thế kỷ XIX. Ông viết, « những hiểu lầm và cảm xúc sẽ không dễ dàng gạt bỏ được ».

Đối với Việt Nam, đây là một thắng lợi mang tính chiến lược và đầy xúc cảm, nhưng không trọn vẹn. Tại Việt Nam, thái độ đối với các đòi hỏi lãnh thổ cũng mạnh mẽ như tại Trung Quốc. Và tương tự như giải thích của Hayton về Trung Quốc, ý thức bất bình mạnh mẽ đối với những vấn đề chủ quyền, cũng như các khiêu khích có tính toán của Trung Quốc và cảm giác thù ghét truyền kiếp đối với Trung Quốc do 1000 năm đô hộ, đã nuôi dưỡng tình cảm của công chúng Việt Nam.

Tuy nhiên, Hà Nội đã phản ứng rất mạnh với các vụ được cho là vi phạm chủ quyền khi Trung Quốc cho máy bay dân sự đáp xuống các phi đạo trên hai bãi đá, Su Bi (Subi) và Vành Khăn (Mischief), không đếm xỉa đến phán quyết của Toà - thay vì tuân thủ chính phán quyết này.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình nói về sự cố này như sau :

« Những hoạt động mà Trung Quốc gây ra đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, phi pháp và không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (được biết đến với tên Paracel và Spratly) ».

Ngược lại, phản ứng ngay lập tức của Việt Nam về phán quyết của Tòa Án Quốc Tế lại ít gay gắt hơn và cân nhắc hơn. Ông Hải Bình nói :

« Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ».

Theo website Vietnam Right Now, một nguồn tin được biết đến do có những quan điểm rất khác biệt với chính phủ ở Việt Nam thì « tuyên bố này phản ánh mối lo ngại của Hà Nội về khả năng Trung Quốc, do bị thua, có thể phản ứng dữ dội vì Trung Quốc muốn tìm cách bù đắp thiệt hại do cơn lốc pháp lý và ngoại giao gây ra đối với các đòi hỏi lãnh thổ của mình ».

Trong vụ kiện về Biển Đông, Trung Quốc đã bị một nước nhỏ hơn ngáng trở. Phán quyết của Tòa La Haye lẽ ra phải khiến cơ quan tuyên truyền và báo chí Việt Nam lao vào kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Thế nhưng, mọi thứ vẫn yên tĩnh và được mở đầu với việc truyền thông dẫn lại phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao hoặc chỉ đưa tin về vụ ra phán quyết. Không có việc hun thổi tinh thần dân tộc chủ nghĩa.

Chắc chắn đây cũng gần như là một thắng lợi đối với Việt Nam - vì không một nước nào lại ủng hộ Philippines trong trận chiến này mạnh hơn Việt Nam. Thế nhưng, phản ứng từ phía bộ Ngoại Giao và báo chí thì thận trọng và tẻ nhạt.

Lịch sử phức tạp của Trung Quốc tại Việt Nam

Chính phủ Việt Nam luôn chịu áp lực là phải « cứng rắn » với Trung Quốc, từ phía các nhà hoạt động tranh đấu cũng như từ phía quần chúng ngày càng ít quan tâm đến chính trị. Điều này đã xẩy ra liên tục nhiều lần từ năm 2000, khi sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực bắt đầu gia tăng. Một cách tiêu biểu nhất là các nhà hoạt động đã có thể đi tuần hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm Hà Nội vào mỗi sáng Chủ Nhật, thường bắt đầu từ đại sứ quán Trung Quốc và bị các nhân viên an ninh quay phim một cách kỹ càng. Cuộc tuần hành được phép diễn ra nhằm « gửi một thông điệp » tới Bắc Kinh, để rồi sau vài tuần, các cuộc biểu tình phản đối này lại bị ngăn chặn.

Trách cứ chính phủ không hành động nhiều hơn là một sự khởi đầu bất bình mang thiện ý xây dựng, nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Chính phủ biết được điều này và do vậy thận trọng không cho để cho tinh thần bài Trung Quốc lên quá cao trong lúc đang cố gắng tăng cường quan hệ với nước này. Việc trấn áp các cuộc biểu tình là điều không thể tránh khỏi.

Trung Quốc và Việt Nam đã cố gắng cải quan hệ kể từ năm 2015 khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Ông Tập đã phát biểu tại Quốc Hội Việt Nam, và là người nước ngoài đầu tiên được làm như vậy. Chuyến viếng thăm đã được ca ngợi rộng rãi như là một « sự làm lại từ đầu » trong quan hệ giữa hai nước, với kết quả là 12 hiệp định song phương, cùng với sự cam kết của Bắc Kinh đầu tư hơn 150 triệu đô la vào các dự án trường học, bệnh viện ở Việt Nam, cộng thêm nửa tỷ đô la đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Quan hệ giữa hai nước đã bị nguội lạnh - ít ra là như vậy - vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc dẫn đến việc đập phá nhiều nhà máy và một số người Đài Loan tử vong.

Cho dù Việt Nam đã xích lại gần Mỹ hơn nhưng vẫn phải chú ý tới việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Do Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung, trao đổi thương mại rất nhiều và chia sẻ ý thức hệ, nên sẽ luôn luôn có yếu tố « nguyên trạng » trong quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh ở hậu trường, ngay cả khi có những làn sóng bất bình về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Chung đường biên giới có nghĩa là lực lượng an ninh hai nước tiến hành một số luyện tập với nhau và nước này nhìn kỹ xem nước kia có những tín hiệu mầm mống đòi dân chủ hoặc nổi dậy hay không.

Cả hai nước đều có đòi hỏi lãnh thổ đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông (tên quốc tế là Spratly và Paracel) trong khi bốn bên tranh chấp khác là Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan thì chỉ có đòi hỏi đối với một phần các lãnh thổ này và chắc chắn làm cho các mối quan hệ trở nên khó khăn hơn một chút.
Trong tình hình đó, lá bài tốt nhất là Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á - ASEAN. Cho dù « con hổ giấy » chưa đóng vai trò như là một đối sách, nhưng Hà Nội vẫn hy vọng, bất chấp lập trường phản đối không khoan nhượng của Cam Bốt trong khối này.

Giáo sư Carl Thayer, nguyên là chuyên gia về khu vực Đông Nam Á tại nhiều cơ sở giáo dục, quốc phòng Úc, nhận định là « Việt Nam sẽ tập trung chú ý tạo dựng một hình thức thống nhất nào đó trong ASEAN, nhất là vào lúc Việt Nam sẽ chủ tọa hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối năm nay. Việt Nam muốn thúc đẩy các lợi ích của mình thông qua ASEAN ».

Việt Nam sẽ thấy nỗ lực này là khó khăn, bởi vì, như David Brown và Dương Danh Huy đã viết trên Asia Sentinel, « nhóm các nước không đồng nhất này, vốn bị đe dọa hoặc sững sờ trước những đòi hỏi bành trướng của Trung Quốc, đã nhận thấy rằng thật khó để xây dựng được một mặt trận thống nhất ».

Nhận định này đúng đến mức là thủ tướng Cam Bốt Hun Sen còn đi xa hơn khi nói rằng ông sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết gần đây của Tòa La Haye.

Tuy nhiên, Indonesia và Singapore đã bày tỏ sự bất bình về những hành động gần đây của Trung Quốc và Indonesia còn đi xa hơn, bắt giữ các ngư dân Trung Quốc vào cuối tháng 05/2016. Sự hung hăng ngổ ngáo của Trung Quốc càng làm cho Indonesia khó chịu. Sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, Indonesia đã công bố kế hoạch phòng thủ và tăng cường an ninh đối với các đảo của nước này ở Biển Đông.

Do có nhiều nước cảm thấy bất lực trước thái độ hung hăng và đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ bắt đầu thúc đẩy từng nước giải quyết hồ sơ này thông qua các trao đổi thông tin trên phạm vi quốc tế và tuân thủ các luật lệ quốc tế, thay vì tiến hành các biện pháp an ninh hoặc sử dụng sức mạnh.

Trong thông cáo chung, ông John McCain (thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa, bang Arizona, người từ lâu đã ủng hộ việc bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam) và ông Dan Sullivan (thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, bang Alaska) đã tuyên bố : « Trong tương lai, chúng tôi khuyến khích các bên có tranh chấp khác, trong đó có Việt Nam, tìm kiếm giải pháp tương tự cho các tranh chấp thông qua Tòa Trọng Tài, cũng như thông qua đàm phán giữa các bên ».

Cho đến lúc này, phán quyết trọng tài có thể không phải là một giải pháp. Và trong khi chờ đợi, những gì sẽ xẩy ra ở Biển Đông có thể sẽ không thay đổi : Đối với Trung Quốc, Biển Đông vẫn là của họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.