Vào nội dung chính
VIỆT NAM- TRUNG QUỐC- BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận từ ngày 05 đến 11/07/2016, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt những hành động mà Việt Nam cho là đe dọa đến an ninh và an toàn hàng hải.

Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy sát tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 14/05/2014.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chạy sát tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, ngày 14/05/2014. REUTERS/Nguyen Minh
Quảng cáo

Trung Quốc đã loan báo tiến hành cuộc tập trận kéo dài một tuần, từ 05/07 đến 11/07, trên và chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây chỉ là một cuộc tập trận « bình thường » theo kế hoạch hàng năm. Nhưng cuộc tập trận này sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về bản đồ « đường lưỡi bò ».

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Việt Nam cuối ngày 04/07/2016, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên của bộ cho rằng hành động của Trung Quốc « một lần nữa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ».

Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Việt Nam « phản đối mạnh mẽ » và yêu cầu Trung Quốc « tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này ».

Để tiến hành cuộc tập trận, Trung Quốc đã khoanh một vùng có diện tích 100 ngàn km vuông chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Toàn bộ các tàu dân sự đã được lệnh không được đi vào vùng này. Theo báo chí chính thức Trung Quốc, có ít nhất hai khu trục hạm tên lửa và một hộ tống hạm tên lửa trong số các chiến hạm được huy động cho cuộc tập trận ở Hoàng Sa.

Ông Ashlay Townshend, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney cho rằng cuộc tập trận ở Hoàng Sa một phần là nhằm đáp lại các cuộc tập trận của Mỹ trong khu vực và một phần cũng là chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết. Nhưng cuộc biểu dương lực lượng này cũng là nhằm trấn an dư luận trong nước rằng Bắc Kinh có hành động tương xứng với những tuyên bố mạnh mẽ của các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là của chủ tịch Tập Cận Bình, vẫn chỉ trích tòa án nói trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.