Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhạc nhẹ Việt Nam hồi sinh qua tự truyện « Để Gió Cuốn Đi » của Ái Vân

Đăng ngày:

Trong cuốn tự truyện Để gió cuốn đi, NXB Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt độc giả tháng 5/2016, bên cạnh những thăng trầm trong cuộc sống ở Hà Nội và hải ngoại, Ái Vân dành hẳn một chương cho giai đoạn dòng nhạc nhẹ Việt Nam được hồi sinh sau nửa thế kỷ « tắt tiếng ».

Nghệ sĩ Ái Vân
Nghệ sĩ Ái Vân RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Với Để gió cuốn đi Ái Vân kể lại từ thuở chào đời « 20 ngày sau ngày Giải phóng thủ đô (…), là người con thứ 9 của ‘Chim họa mi đất Bắc’ Ái Liên và ‘Công tử Hà Thành’ », những giai đoạn chị và gia đình đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi ở ngôi nhà số 36-38 Phố Huế, khi « đoàn tàu há mồm gồm 14 toa » trông vào đồng lương của má. Rồi là cảnh sơ tán, chiến tranh cho đến khi Ái Vân và em gái là Ái Xuân « theo nghiệp má ». Cả hai được nghệ sĩ Ái Liên, người thầy đầu tiên, dẫn dắt trên con đường nghệ thuật.

Ảnh Ái Vân năm 1979.
Ảnh Ái Vân năm 1979. RFI/Việt Nam

Năm 1975 khi đất nước thống nhất, Ái Vân trên một trong những chuyến xe đầu tiên tiến về Sài Gòn cùng với đoàn của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Khi đó Ái Vân « cứ hình dung ngày ‘giải phóng’ là cờ hoa, là ca hát, là từng dòng người mặc áo đẹp đón chào, nào ngờ (...) Chỉ thấy sự tàn khốc của chiến tranh, sự hoảng loạn, nỗi kinh hoàng sợ hãi của người dân (...) chỉ thấy sự tiêu điều trên thành phố tráng lệ trước đây » (trang 153). Rồi những năm tháng vinh quang với Giải thưởng Lớn cuộc thi hát quốc tế Dresden, Đông Đức năm 1981 để đến năm 1990 chính Berlin đưa cuộc đời, sự nghiệp của Ái Vân sang một khúc rẽ mới.

Ở hải ngoại, tiếng hát mượt mà của Ái Vân qua những làn điệu dân ca Việt Nam, những ca khúc đượm tình quê, những bản nhạc trữ tình... sưởi ấm con tim của những người Việt xa xứ.

Đang có mặt tại Paris, người đã đứng trên sân khấu từ những năm còn học vỡ lòng, tham gia vào các sinh hoạt từ điện ảnh đến âm nhạc, Ái Vân cùng chia sẻ với quý thính giả của đài RFI Việt ngữ những kỷ niệm đã được kể lại trong Để gió cuốn đi.

09:13

RFI Phỏng vấn nghệ sĩ Ái Vân_Paris ngày 15/06/2016

Nói đến Ái Vân, mọi người liên tưởng ngay đến vai diễn « Chị Nhung », đến ca khúc Nga được dịch sang lời Việt, « Triệu đóa hoa hồng »… Trong Để gió cuốn đi, Ái Vân đã trở lại với « Cuộc đời ca hát thời bao cấp », với những khó khăn trong cuộc sống và những xoay xở của các anh chị em nghệ sĩ trong những lần lưu diễn từ bắc chí nam hay những đợt được công tác ở nước ngoài, những bỡ ngỡ khi các nghệ sĩ Việt Nam lần đầu tiếp cận với các nền văn hóa phương Tây.

Anh chị em của ca sĩ Ái Vân.
Anh chị em của ca sĩ Ái Vân. RFI/Việt Nam

Sự hồi sinh của nhạc nhẹ Việt Nam

Trong cuốn tự truyện của mình, Ái Vân đã dành một chương rất thú vị cho sự hồi sinh của dòng nhạc nhẹ Việt Nam sau nhiều năm « tắt tiếng », mà trong đó độc giả cảm nhận được là một số nghệ sĩ ở Hà Nội đã từng bước đấu tranh để đem lại một làn gió mới cho sân khấu nghệ thuật, để nghệ âm nhạc Việt Nam được cởi trói.

Vào những năm 1930, « Ái Liên là nghệ sĩ cải lương chính hiệu, thời nào cũng được ưa chuộng (…) với 150 vai diễn trong 140 vở cải lương, hiếm ai còn nhớ má từng là ca sĩ tân nhạc vang bóng một thời (…) Nhạc nhẹ Việt Nam cũng bắt đầu từ đó, nó bắt đầu từ những bản tân nhạc do các nhạc sĩ ‘cải cách’ sáng tác, các ca sĩ ‘tân thời’ như Ái Liên, Năm Châu và Kim Thoa biểu diễn (…) Họ say sưa hát mà không hề biết chính họ đã khởi đầu cho dòng nhạc nhẹ Việt Nam, bắt đầu từ đất Bắc (…) Chẳng ngờ 50 năm sau, vào thập kỷ 80 (…) tôi đã có tên trong những ca sĩ đầu tiên khởi động lại dòng nhạc nhẹ nửa thế kỷ bị quên lãng trên đất Bắc » (trang 12).

Có điều : « Sau năm 1954, nhạc nhẹ miền Bắc tắt tiếng, nhạc nhẹ miền Nam tiếp tục phát triển. Nói tắt tiếng là nói không ai công khai ca hát dòng nhạc này. Thực tế nhạc nhẹ chưa bao giờ tắt tiếng (…) Dòng nhạc nhẹ vẫn âm thẩm chảy giữa lòng chế độ với cái áo khoác che chắn của nhạc đỏ (…) Năm 1978, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương là hiệu trưởng trường Âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (…) hiếm ai có tầm nhìn sắc bén, cao và rộng đối với âm nhạc nước nhà được như thầy Nguyễn Văn Thương, (...) thầy quyết tâm hồi phục nhạc nhẹ » (trang 189-1990).

Tự truyện của Ái Vân, "Để gió cuốn đi" -NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 5/2016.
Tự truyện của Ái Vân, "Để gió cuốn đi" -NXB Hội Nhà Văn phát hành tháng 5/2016. RFI/Việt Nam

Nhưng để đem lại một làn gió mới cho sân khấu, cho âm nhạc của Việt Nam là cả một công cuộc tranh đấu dài hơi và hai người có công với nhất, theo nhận xét của Ái Vân là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và ca sĩ Mạnh Hà, người nổi tiếng với những ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây.

Ở trang 191-192 trong cuốn tự truyện về sự nghiệp và cuộc đời mình, Ái Vân kể lại : từ việc không hạ màn sau mỗi tiết mục, đưa dàn nhạc đệm lên sân khấu đến quyết định hát những ca khúc của các nhạc sĩ « trong Nam ngày xưa », nhạc ngoại quốc hay việc đưa thêm phần minh họa múa để phần trình diễn sống động hơn… đều đã đòi hỏi sức thuyết phục cao từ phía các nghệ sĩ thời đó.

Chính nhờ có sự sáng tạo và can đảm đó mà dòng nhạc nhẹ Việt Nam sống lại và Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ Trung ương luôn trong tình trạng « cháy vé ».

Cũng trong Để gió cuốn đi, Ái Vân đã hé lộ những khó khăn của nghệ sĩ « Ca hát thời bao cấp », từ khi được chuyển từ hát « công nhật » sang « hát khoán », những tính toán từng đồng của đoàn : « Mọi thứ phải tiết kiệm. Ăn tiết kiệm, ngủ tiết kiệm. Toàn ngủ nhờ trường học hoặc nhà khách cơ quan đoàn thể, đôi khi cả đoàn chia nhau ‘cắm lều’ ngay phía sau sân khấu » (trang 201).

Đầu thập niên 1980 cũng là thời điểm « tiếng vang Đặng Thái Sơn, Giải nhất piano (…) vẫn còn », Ái Vân được cử đại diện cho Việt Nam dự Liên hoan ca nhạc nhẹ quốc tế ở Dresden - Đông Đức năm 1981. Từ năm 1979 « nhờ nhạc hồi sinh, giới ca nhạc Việt Nam rất tự tin (...) ca sĩ Việt Nam liên tiếp tham gia các liên hoan ca nhạc » của Liên Xô, Bulgari hay Đức. Trong đúng một thập niên, « rất nhiều đoàn ca nhạc Việt Nam đi nước ngoài, đặc biệt các nước Xã Hội Chủ Nghĩa » và đấy cũng là « giai đoạn phát triển rực rỡ của ca nhạc Việt, đi đến đâu cũng thu hút được thành công (…) cái thời mà anh Mạnh Hà nói là « Thời vui hơn Tết » (trang 217-218).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.