Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Chuyến đi Trường Sa qua lời kể một Việt Kiều

Đăng ngày:

Từ ngày 18 đến 28/04/2016, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bộ Ngoại Giao, phối hợp với Bộ Tư Lệnh Hải Quân tổ chức Đoàn công tác số 6 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tham gia đoàn đại biểu lần này có khoảng 70 kiều bào đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, các vị khách mời cùng phóng viên báo chí.

Nhà giàn DK1.18, thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhà giàn DK1.18, thuộc quần đảo Trường Sa. RFI / Dư Thu Trang
Quảng cáo

Chị Dư Thu Trang, hiện đang sinh sống tại Pháp, là một trong các thành viên trên. Trở về Pháp sau chuyến đi kéo dài hơn 2 tuần, chị Dư Thu Trang đã dành cho ban tiếng Việt đài RFI một buổi trò chuyện.

***

RFI : Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài tổ chức chuyến thăm Trường Sa dành cho Kiều bào, từ ngày 18/04-28/04. Chị là một trong số thành viên trong đoàn Việt kiều. Chị có thể cho biết Việt kiều trong đoàn là những ai được không ?

Dư Thu Trang : Xin chào thính giả RFI. Tôi rất vinh dự được tham dự chuyến thăm quần đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài tổ chức. Đoàn lần này dành cho Kiều bào của 22 nước và vùng lãnh thổ. Chính xác là 69 Kiều bào tham gia chiến đi lần này cùng với các cán bộ của bộ Ngoại Giao.

Theo như tôi được biết, Kiều bào được tuyển chọn qua rất nhiều vòng. Thứ nhất là qua đại sứ quán Việt Nam ở các nước, gửi danh sách lên bộ Ngoại Giao duyệt. Sau đó, Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài lập danh sách. Cuối cùng là khâu tuyển chọn về an ninh.

Về tiêu chí, các đại biểu tham gia trong đoàn Kiều bào lần này là những người đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động của người Việt Nam ở các nước sở tại. Và có một số đại biểu tham gia lần này được đi lần thứ hai khi họ đi lần thứ nhất vào năm ngoài và có những dự án để giúp Trường Sa, nên họ có thể đến lần thứ hai. Còn hầu hết trong đoàn lần này là những đại biểu được về lần đầu tiên. Năm nay, Pháp có hai đại biểu, có tôi và một chú trong ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Pháp, chú Nguyễn Thanh Tòng.

Bản đồ quần đảo Trường Sa với chữ ký của Đoàn công tác số 6 gồm 69 Việt Kiều của 69 nước và vùng lãnh thổ.
Bản đồ quần đảo Trường Sa với chữ ký của Đoàn công tác số 6 gồm 69 Việt Kiều của 69 nước và vùng lãnh thổ. RFI / Dư Thu Trang

RFI : Chị có thể kể một chút về hải trình của đoàn không ?

Dư Thu Trang : Đoàn tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/04 và bắt đầu hải trình ngày 18/04 và xuất phát tại cảng Cát Lái. Chúng tôi có hai ngày từ đất liền ra đến biển. Đảo đầu tiên mà chúng tôi được đặt chân tới thăm là đảo Đá Lớn. Trong hải trình khoảng một tuần, chúng tôi được thăm khoảng 12 đảo và hai nhà giàn.

Trong đảo đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến là đảo Đá Lớn, có các điểm A, B và C. Sau đó, chúng tôi đi theo một hải trình đã được định sẵn, là đến đảo Sơn Ca, đảo Cô Lin, đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Phan Vinh, đảo Đá Lớn, hay là Đá Tây, Đá Lát, đảo Trường Sa Đông và cuối cùng là đảo Trường Sa Lớn.

RFI : Trong suốt quá trình đó, chị được tiếp xúc với các chiến sĩ trên đảo. Chị thấy cuộc sống của họ trên các đảo như thế nào ?

Dư Thu Trang : Trong hải trình của chúng tôi, từ ngày thứ ba trở đi là liên tục có các chuyến thăm đảo. Mỗi ngày chúng tôi có hai chuyến thăm và luôn để lại rất nhiều kỷ niệm.

Ở mỗi đảo, chúng tôi được gặp những người lính rất nhiệt tình. Và thực sự là giữa chúng tôi và các anh hầu như không có khoảng cách và không có khó khăn gì, mặc dù có những người không rành tiếng Việt, nhưng vẫn có thể nói chuyện và chia sẻ rất nhiều.

Tôi cũng như đoàn Kiều bào được các chiến sĩ tiếp đón rất nồng hậu. Được chứng kiến cuộc sống của các chiến sĩ khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Các anh cũng được tiếp tế rất nhiều từ đất liền nhưng mà thực sự cuộc sống của họ không thể nào được đầy đủ như cuộc sống của người dân ở đất liền.

Tôi cảm thấy rất thương khi mà chúng tôi được đón tiếp trong điều kiện tốt hơn rất nhiều. Ở trên tầu có đầy đủ nước ngọt để sinh hoạt. Hàng ngày được ăn uống với khẩu phần quá đầy đủ. Còn ở trên đảo, các anh khó khăn hơn khi phải tự trồng rau. Nước ngọt không được nhiều với tiêu chuẩn tùy từng thời điểm, có khi chỉ 2 đến 3 lít nước một ngày cho tất cả mọi sinh hoạt, ăn, uống và vệ sinh.

Đấy là điều tôi rất khâm phục các anh, không chỉ về điều kiện vật chất khó khăn, phải xa gia đình, mà còn có nhiều trở ngại hàng ngày mà các anh đều vượt qua và luôn trong tinh thần rất lạc quan.

Tôi thấy thương nhất cuộc sống ở trên nhà giàn, khó khăn nhất vì nó chông chênh ở giữa biển. Nó không phải là các đảo nổi hay đảo chìm mà chúng tôi đã đi thăm, trông vững chãi hơn, và cơ sở vật chất cũng rất khó khăn.

Rồi còn có người dân trên đảo, dù cuộc sống của họ xa xôi đất liền nhưng cũng khá đầy đủ. Chúng tôi được thăm hai đảo có dân sinh sống là đảo Sinh Tồn và đảo Trường Sa Lớn. Ở trên đó có những hộ dân, đấy là những người dân thật sự từ đất liền ra sinh sống ở trên đảo. Và đó là những gia đình đã bám trụ ở trên đảo khá lâu, họ lập gia đình và sinh con ở đó. Ngoài ra còn có rất nhiều sinh hoạt như trong đất liền. Tôi thấy có chùa và có trường học cho trẻ em, mặc dù học sinh không có nhiều nhưng mà cơ sở vật chất rất khang trang, đầy đủ để cho các em học tập và sinh hoạt.

Chùa Vinh Phúc và cột mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, Trường Sa.
Chùa Vinh Phúc và cột mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, Trường Sa. RFI / Dư Thu Trang

Trong chuyến đi vừa rồi, điều để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là những buổi tưởng niệm. Có hai buổi tưởng niệm ở trên tầu và một buổi tưởng niệm trên đảo Trường Sa Lớn. Tôi đã tham gia rất nhiều sự kiện về Trường Sa, về Biển Đông ở Pháp và thực ra, hình ảnh tôi đã được thấy, thông tin tôi đã được nghe, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, nhìn thấy và cảm nhận được sự cống hiến, sự hi sinh của các anh và khi đi thăm các nghĩa trang, tôi thực sự vô cùng xúc động khi nhìn thấy các chiến sĩ tuổi đời rất trẻ.

Khi chúng tôi chia tay, lúc đó là buổi tối, sau buổi giao lưu, khi chương trình kết thúc thì tất cả các chiến sĩ ra cầu cảng tiễn chúng tôi. Xếp thành một đoàn rất dài, các anh đứng trên bờ, còn chúng tôi trên tầu, hai bên đồng thanh hát những bài về biển đảo, về quê hương. Rồi cả hai bên cứ lần lượt hô to lần lượt, cứ một bên hô cái này thì bên kia đáp lại : « Cảm ơn Trường Sa ! » - « Cảm ơn Kiều bào ! », « Chúc Trường Sa khỏe mạnh ! » - « Chúc Kiều bào khỏe mạnh ! ».

RFI : Trong thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hành động bồi đắp đảo và xây dựng đường băng tại vùng Biển Đông. Trong chuyến thăm, đoàn có gặp hay chứng kiến một sự cố gì đó với phía Trung Quốc hay không ?

Thực ra chúng tôi không gặp sự cố, nhưng có chứng kiến sự tồn tại và xuất hiện của Trung Quốc. Ttrong hải trình mà chúng tôi đi qua, nhất là ở khu vực đảo Cô Lin và Gạc Ma, chúng tôi nhìn thấy rất rõ khu căn cứ mà họ xây và có tầu quân sự của Trung Quốc ở đó.

Tôi cũng thấy rất ngạc nhiên khi đặt chân lên đảo Cô Lin, tôi dùng điện thoại của Pháp để roaming, vừa đặt chân lên đảo có vài phút, thì tôi nhận được một tin nhắn từ phía Trung Quốc là « Bienvenue en Chine » (Chào mừng bạn đến Trung Quốc). Tức là ở thời điểm đó, và ở địa phận đó, không hiểu sao lại có sóng điện thoại của Trung Quốc khá là mạnh, mà theo như tôi được biết đúng ra phải là mạng Viettel của Việt Nam, dù chúng tôi ở khoảng cách khá xa với khu căn cứ của họ. Mọi người xem thì thấy ngạc nhiên và không đồng tình với sự việc đó.

Rau xanh trên đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa.
Rau xanh trên đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa. RFI / Dư Thu Trang

RFI : Xin chị cho biết hội Việt kiều đóng góp khá nhiều, vậy những khoản tiền đó được sử dụng như thế nào ?

Theo như tôi được biết, đoàn đại biểu vừa rồi của chúng tôi chủ yếu dành phần quà tặng là những nhu yếu phẩm và vật chất. Đoàn Singapore rất thiết thực khi lắp đặt một hệ thống tập thể thao ngoài trời cho đảo Trường Sa Lớn. Còn đoàn Hàn Quốc tặng một giàn rau thủy canh cho các đảo gồm các loại rau chịu mặn. Ngoài ra, một số gia đình Việt Kiều ở Mỹ thì tặng các bộ lọc nước.

Trong buổi sinh hoạt giao lưu trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi có trao tặng một chiếc xuồng chủ quyền dành cho quần đảo Trường Sa, có trị giá 3,5 tỉ đồng. Đó là đóng góp của tất cả các Kiều bào trên toàn thế giới và năm vừa rồi, chúng tôi mới trao được món quà đó. Ngoài ra, đoàn Pháp có hai người nên chúng tôi tham gia đóng góp chung cho « Quỹ vì Trường Sa thân yêu » và một số đảo trong chuyến hải trình mà chúng tôi đi qua. Hiện tại, Hội người Việt Nam tại Pháp vẫn đang có một dự án cho đảo Lý Sơn. Đó là những đóng góp trong thời gian tới sẽ được chuyển tận tay đến ngư dân và chiến sĩ trên đảo.

Còn các khoản tiền được chuyển đến cho các anh chị và người dân trên đảo thì được chuyển trực tiếp tận tay thông qua bộ Tư Lệnh Hải Quân hay Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở Nước ngoài. Tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp đó rất là nhỏ so với những cống hiến, hi sinh của các anh cho đất nước.

Giao lưu trên đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa.
Giao lưu trên đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa. RFI / Dư Thu Trang

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.