Vào nội dung chính
HOA KỲ - VIỆT NAM

Air Force One tới Hà Nội tối chủ nhật 22/05

Khoảng 9 giờ 30 tối nay, 22/05/2016, giờ Việt Nam, tổng thống Mỹ đến Hà Nội. Với chuyến công du của tổng thống Barack Obama, Washington quyết tâm tăng cường quan hệ thương mại và chiến lược với Hà Nội trong bối cảnh Bắc Kinh chọn thái độ hung hăng tranh chiếm Biển Đông. Trong chương trình thăm viếng ba ngày,  lãnh đạo siêu cường quân sự, kinh tế và dân chủ thế giới sẽ lần lượt hội kiến với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, đọc diễn văn và tiếp xúc với giới trẻ ở Sài Gòn.

Hình ảnh tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Trong ảnh, hiệu chụp ảnh của ông Kiều Trí Huy, ngày 21/05/2016. .
Hình ảnh tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trên đường phố Hà Nội. Trong ảnh, hiệu chụp ảnh của ông Kiều Trí Huy, ngày 21/05/2016. . REUTERS/Kham
Quảng cáo

Sau hai vị tiền nhiệm, George Bush và Bill Clinton, chuyến công du Việt Nam lần thứ ba của một tổng thống Mỹ, kể từ khi chiến tranh kết thúc, ghi dấu thành quả nỗ lực hâm nóng quan hệ giữa hai nước cựu thù, mà trước đây ít ai có thể dự đoán.

Chính quyền Hà Nội trông chờ được Washington hủy bỏ cấm vận vũ khí « sát thương ». Tuy nhiên, theo AFP, chính quyền Mỹ luôn gắn liền quyết định này với hồ sơ nhân quyền, không tiết lộ gì trước khi tổng thống Obama đến Hà Nội.

Nhiều tiếng nói cảnh giác chính phủ Mỹ là không nên quyết định vội vã, phải chờ chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền trước đã.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet phân tích :

"Chính quyền Mỹ mong muốn chuyến viếng thăm này là một thành công và nhấn mạnh đến những tiến bộ về hợp tác trong lãnh vực kinh tế lẫn ngoại giao giữa hai nước cựu thù. Việt Nam thì muốn trở thành một đối tác quan trọng trong hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình dương TPP. Tuy nhiên, có một áng mây đen đang bao phủ : đó là hồ sơ nhân quyền.

Tổng thống Obama bị sức ép từ cánh tả đến cánh hữu ở Mỹ nên ông không thể không đề cập đến những chủ đề gây bực bội cho phía Hà Nội. Tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp các đại diện xã hội dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh để đem lại hậu thuẫn cho họ.

Do vậy, trái với những tin đồn loan truyền trong mấy ngày qua, tổng thống Mỹ khó có thể thông báo quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương nhân chuyến công du này cho đến khi nào Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền. Trong lúc mà, chính quyền Việt Nam, hiện trang bị vũ khí của Nga, muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Washington đã giảm nhẹ lệnh cấm vận trang thiết bị quân sự cho Việt Nam vào năm 2014. Nhưng các biện pháp này chỉ liên quan đến thiết bị an ninh hàng hải, cho phép Việt Nam đối phó với chính sách bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Giới chuyên gia nghĩ rằng Washington sẽ từng bước tháo gỡ cấm vận, nhưng tùy theo nhịp độ cải tiến nhân quyền tại Việt Nam".

Trung Quốc : Mục đích thực của chuyến công du

Chính quyền Việt Nam cũng như dân chúng có nhiều lý do trông chờ chuyến viếng thăm này. Theo chuyên gia Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (CSIS), trong giới lãnh đạo hiện nay, nhiều người vẫn e ngại Mỹ, nhưng đe dọa của Trung Quốc đã làm thay đổi não trạng nghi kỵ và thúc đẩy Hà Nội bắt tay với Washington.

Từ Sài Gòn, thông tín viên Frederic Noir phân tích :

« Về mặt chính thức, mục đích của tổng thống Barack Obama tới Việt Nam là để bàn thảo về TPP - Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không ai bị đánh lừa về chuyện này, ngoài lĩnh vực kinh tế, mục tiêu thực sự chuyến công du của tổng thống Mỹ mang tính chiến lược. Đó là nhằm gửi đến Bắc Kinh một tín hiệu mạnh, trong bối cảnh tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc khu vực gây lo ngại trong khu vực.

Trung Quốc không ngừng củng cố nhiều căn cứ tại quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, với việc xây dựng các đườngg băng máy bay.

Cũng trong chuyến công du này, khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam cũng sẽ được đặt ra. Đây là một quyết định mang tính biểu tượng cao. Chính quyền Mỹ gắn liền triển vọng này với các cải thiện nhân quyền tại Việt Nam. Đây là một chủ đề rất nhạy cảm tại Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình trong thời gian gần đây liên quan đến các yêu sách về môi trường bị đàn áp.

Hôm thứ Sáu, 20/05, Hà Nội thể hiện một cử chỉ thiện chí với việc trả tự do cho một trong những nhà ly khai chính trị lâu năm nhất, ông Nguyễn Văn Lý. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị giam giữ gần hai thập niên.

Về tình hình tại chỗ, nếu chuyến công du của tổng thống Barack Obama khiến giới trẻ Việt Nam chưa từng biết đến chiến tranh phấn khích, thì cũng không nên trông đợi những thay đổi lớn, với một bên là tổng thống Mỹ đã ở vào năm cuối của nhiệm kỳ, và bên kia là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vừa tái cử hồi đầu năm, với quan điểm được coi là bảo thủ trong quan hệ với Trung Quốc ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.