Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Hiệp định Paris không cứu đồng bằng Cửu Long khỏi ngập mặn

Đăng ngày:

Vào cuối tháng 4 vừa qua, 175 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã được thông qua tại hội nghị COP21 ở Paris cuối tháng 12 năm ngoái. Hiệp định Paris đề ra mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2°C, với kỳ vọng là không quá 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Nhưng cho dù có đạt được mục tiêu này thì Hiệp định Paris vẫn không thể chặn đứng được tình trạng nước biển dâng cao, tức là sẽ không ngăn chận được tình trạng ngập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một nông dân trên cánh đồng khô cạn của
Một nông dân trên cánh đồng khô cạn của Reuters
Quảng cáo

Cho nên, ngoài việc thực hiện những cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn phải đề ra kế hoạch ứng phó với tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó là nội dung chính bài trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, từ Sydney ngày 06/05/2016.

08:09

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Sydney

RFI: Xin kính chào tiến sĩ Huỳnh Long Vân. Với mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ≤ 2,00C với kỳ vọng 1,50C vào cuối thế kỷ XXI, Hiệp định Paris 2015 có thể chặn đứng được tình trạng nước biển dâng cao (NBDC) ở Việt Nam không?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân: Giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ≤ 2,00C là một quyết định vô cùng quan trọng; nhưng đạt được mục tiêu này sẽ chỉ làm giảm, nhưng không loại hẳn, nguy cơ tảng băng ở Groenland biến mất. Vì thế, với mức độ cắt giảm khí thải được cam kết hiện nay và ngay cả khi được gia tăng để ổn định nhiệt độ toàn cầu đúng với mục tiêu của COP 21 đề ra, mực nước biển vẫn tiếp tục dâng cao, tuy chậm hơn.

Phúc trình của Ủy Ban Liên Chính Phủ về BĐKH (IPCC 2007) cho thấy khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,80C (tức trong khoảng 1,5-2,00C), mực nước ở Biển Đông sẽ dâng cao khoảng 0,51-0,66 m vào năm 2100 và như thế :

Trung phần Việt Nam có nhiều dòng sông ngắn [bắt nguồn từ dảy Trường Sơn, chảy ra các vùng đồng bằng duyên hải], nên trong tương lai, khi mực nước biển dâng cao 0,5-0,6 m và trong trường hợp có mưa to trong nhiều ngày, điều này sẽ tạo nên lũ lụt khủng khiếp kéo dài hơn so với hiện tại

Một phần của các khu kinh tế ở châu thổ sông Hồng, Đông Bắc phần [Quảng Ninh],Bắc và Nam Trung phần[Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế Đà Nẳng, Khánh Hoà, Bình Định] và ở Đông Nam phần sẽ bị ngập nước.

RFI: Riêng về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì tình trạng ngập nước và ngập mặn sẽ như thế nào?

TS Huỳnh Long Vân: Riêng ĐBSCL [do dòng chảy sông Mekong dao động rất mạnh theo mùa nên hằng năm bị ngập lụt vào mùa mưa và ngập mặn vào mùa khô] khi nước biển dâng cao 0,5-0,6 m tình trạng ngập nước và ngập mặn theo mùa sẽ trầm trọng hơn so với hiện nay. Theo như những dự đoán của Bộ Tài nguyên và Môi Trường Việt Nam (MONROE 2012) và Viện Thủy Lợi miền Nam:

Vào mùa mưa khi NBDC 0,5 m, 34% diện tích ĐBSCL bị ngập nước so với 20% năm 2005, thêm 9% ngập sâu hơn 1m, trong đó có 3% ngập hơn 6 tháng và thêm 17% diện tích ĐBSCL ngập sâu hơn 0,5m và kéo dài trên 6 tháng.

Gặp lúc có những trận lụt lớn như trong năm 2000, tình trạng ngập nước ở ĐBSCL vào mùa mưa trở nên tồi tệ hơn nhiều và một diện tích rộng lớn hơn sẽ bị ngập nước:

+ diện tích ngập sâu >0,5m tăng thêm + 1.090.000ha (2.300.00 3.390.00)

+ diện tích ngập sâu >1,0m tăng thêm + 344.400ha (1.100.0001.444.400).

+ 37% diện tích ĐBSCL có thể bị ngập nước sâu >1m và tình trạng này sẽ kéo dài thêm 1 tháng

Vào mùa khô khi nước biển dâng cao 0,5m, ở sông Tiền nước mặn vào sâu thêm 9,6km hay sâu 49,9km từ cửa Tiểu, và ở sông Hậu vào sâu thêm 11,0km hay sâu 51,0km tính từ cửa Định An.

Diện tích ngập mặn nồng độ 1g/l tăng thêm +120.676ha, tổng cộng trên 2 triệu ha bị ngập nước mặn có nồng độ 1g/l và diện tích bị ngập nước mặn nồng độ 4g/l tăng thêm + 83.112ha đưa tổng số diện tích bị ngập mặn 4g/l lên đến hơn 1,6 triệu ha.

Tóm lại, dù cho những mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 hoàn toàn đạt được, nước biển vẫn tiếp tục dâng cao 0,51-0,66m vào cuối thế kỷ XXI, đủ để gây ra những tổn thất đáng kể đối với những khu kỹ nghệ tập trung ở vùng duyên hải, cũng như trong canh tác nông ngư nghiệp, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân toàn quốc.

RFI: Như vậy, trước nguy cơ nước biển dâng cao sẽ tiếp tục đe dọa đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam sẽ phải ứng phó như thế nào?

TS Huỳnh Long Vân: Việt Nam ngoài việc thực thi những biện pháp cắt giảm khí nhà kính, cần phải có những kế hoạch thích ứng với những tác động của nước biển dâng cao như: thiết lập các hệ thống thủy văn cảnh báo thiên tai, gia cố các hệ thống đê biển và hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho các nông trường, xây dựng cụm dân cư vượt lũ, tái quy hoạch các khu vực sản xuất nông ngư nghiệp để các chương trình phát triển kinh tế xã hội của xứ sở và an ninh lương thực quốc gia không bị ảnh hưởng.

ĐBSCL hiện đang gặp phải nạn hạn hán khốc liệt nhứt của thế kỷ, đây là một thiên tai nhưng bị trầm trọng hoá bởi sự quản lý tồi tệ nguồn nước sông Mekong của các quốc gia vùng hạ lưu Mekong [Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam].

Theo những số liệu của Ủy Hội sông Mekong, thì trong những tháng đầu năm 2016 Thái Lan, Lào, Cam Bốt đã chuyển 49% khối lượng nước sông Mekong vào các vùng canh tác nông nghiệp khiến mực nước sông Mekong ở Tân Châu, Mỹ Thuận, Châu Đốc và Cần Thơ có lúc so với mặt biển thấp hơn gần đến 1m. Thêm vào đó là việc Việt Nam sử dụng nguồn nước trong vụ Đông Xuân, khiến nước mặn xâm nhập sớm và sâu hơn so với các năm trước đây.

Trong tương lai, khi nước biển dâng cao 0,5-0,6m, nếu tình trạng hạn hán tương tự như năm nay xảy ra cộng thêm với những tác động của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong thì tình trạng nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL sẽ tồi tệ hơn nhiều so với hiện tại.

RFI: Ngoài những kế hoạch ứng phó nêu trên, Việt Nam nên có những biện pháp nào khác tác động lên dòng chảy của sông Mekong để hạn chế tình trạng ngập mặn?

TS Huỳnh Long Vân: Giới hữu trách CHXHCVN cần:

- Cùng với Thái Lan, Lào, Cam Bốt thiết lập kế hoạch cụ thể giúp quản lý hữu hiệu nguồn nước sông Mekong không để bất cứ quốc gia nào trong vùng tự tiện chuyển dòng nước.

- Yêu cầu đình chỉ các dự án xây đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong của Lào và Kamphuchia trong 10 năm để đánh giá toàn bộ những tác động của các con đập đến sản xuất nông ngư nghiệp và cuộc sống của người dân ĐBSCL.

- Nghiên cứu kế hoạch để tồn trữ nước ở các vùng đất thấp, như trong khu Tứ giác Long Xuyên, vào mưa nước ngập.

- Nghiên cứu xây dựng các đập ngầm ở các dòng sông chánh để ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu xa vào châu thổ.

- Thảo luận xem có nên tiếp tục trồng lúa 3 vụ mỗi năm không?

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.