Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Linh Giác - Magnificat : hòa nhạc hợp nhất Đông -Tây

Đăng ngày:

Trong 3 ngày 8, 9 và 10 /4 vừa qua, những buổi hòa nhạc Việt -Pháp, đặc biệt tưởng nhớ cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã được tổ chức ở các thành phố Choisy-le-Roi, Maisons-Alfort và Paris. Một lần nữa âm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo được sánh vai cùng những kiệt tác của hai nhà soạn nhạc thiên tài thuộc trường phái Baroque Antonio Vivaldi và J.S Bach.

Buổi hòa nhạc Đông - Tây tại thành phố Choisy Le Roi.
Buổi hòa nhạc Đông - Tây tại thành phố Choisy Le Roi. Dàn hợp xướng Choisy Le Roy.
Quảng cáo

Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa đông – tây đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng công chúng : âm nhạc hòa bình, không biên giới. Đó cũng là nhờ vào sự kết hợp rất ăn ý của dàn nhạc giao hưởng "L'académie d'orchestre", hợp xướng "l'ensemble polyphonique" thành phố Choisy-le-Roi, hợp xướng "Hợp ca quê hương" Việt Nam cùng sự chỉ huy tài hoa của nhạc trưởng Laurent Boer.

Nói về cuộc gặp gỡ đầy thú vị này, bà Nguyễn Ngân Hà (chỉ huy dàn hợp xướng Hợp Ca Quê Hương của người Việt Nam tại Pháp) cho biết: 

00:52

Bà Nguyễn Ngân Hà, tại Pháp:

Theo nhạc trưởng Laurent Boer, chương trình này khá nặng đối với các nghệ sỹ của hợp xướng cũng như dàn nhạc. Hai phong cách khác nhau, hai thời kỳ khác nhau : Một bên là bản Magnificat và lối viết phức điệu, đậm chất tiền cổ điển Baroque của J.S.Bach. Một bên là Linh Giác, Nguyễn Thiện Đạo, huyền ảo trên lời thơ đầy triết lý Phật giáo của tác giả Thanh Hằng, và kỹ thuật hòa âm không giọng điệu của trường phái nhạc đương đại.

Tuy nhiên, nhạc trưởng rất hài lòng về kết quả của các buổi diễn, ông nói : « Tôi nghĩ rằng, tất cả mọi người đã có nhận thức về một điều gì đó sâu sắc. Giữa Hợp Ca Quê Hương và dàn hợp xướng Choisy đă có sự hợp nhất hoàn toàn. Tất cả chúng ta cùng đi trên một con thuyền, đây chính là nhân văn, điều này rất quan trọng ».

Đây không phải là lần đầu tiên ông phụ trách chương trình hòa nhạc có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Á– Âu như thế này :

« Chúng tôi thường xuyên làm việc này. Cách đây vài năm, chúng tôi đã biểu diễn một tác phẩm của một nhà soạn nhạc người Nhật. Buổi hòa nhạc đó diễn ra ít lâu sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Và nhạc sỹ trẻ người Nhật đã viết cho chúng tôi « khúc dạo đầu cho bản Requiem của Mozart ». Tôi rất thích kết hợp những tác phẩm hiện đại, trên nhiều loại hình sáng tạo, và những tác phẩm đó là bóng hình của những gì đã có trong di sản của chúng ta ».

Buổi hòa nhạc này còn mang ý nghĩa tưởng nhớ cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo,một người mang dòng máu Việt Nam nhưng được nuôi dưỡng, trưởng thành trong môi trường âm nhạc Châu Âu. Hẳn rằng, ngay trong con người ông, trong những tác phẩm của ông, luôn tồn tại song song hai dòng chảy Đông và Tây. Hai dòng chảy - hai thế giới, khác nhau nhưng bổ sung cho nhau.

Ngoài ra, dưới sự bảo trợ của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Pháp, sự giúp đỡ của Hội Đồng tỉnh Val de Marne, mục đích của dự án âm nhạc này là nhằm giới thiệu và tôn vinh hai nền văn hóa Việt Pháp, cũng như là sự tiếp nối thành công của năm giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt- Pháp 2014.

Không chỉ dừng lại ở đây, chương trình này sẽ vượt biên giới đến Việt Nam để âm nhạc Nguyễn Thiện Đạo được tìm về nơi khởi nguồn, để cuộc gặp gỡ Đông – Tây lại một lần nữa thăng hoa. Về việc chuẩn bị cho hai buổi hòa nhạc tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, bà Ngân Hà cho biết:

« Thực sự rằng, dự án này được tiếp nhận theo chiều hướng tốt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng hy vọng như vậy ở Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải đẩy mạnh việc này hơn nữa, bởi vì tất cả khâu chuẩn bị chưa hoàn toàn khép lại, đặc biệt là buổi hòa nhạc ở Hà Nội. Tìm nguồn tài trợ là sự bắt đầu của cuộc phiêu lưu thứ hai, đó cũng là việc khiến tôi thật sự muốn đạt tới. Hơn nữa, đối với chúng tôi, thành công ở đây nghĩa là việc đưa tác phẩm, có thể gọi là di sản của ông Đạo, trở về quê hương ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.