Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

Trung Quốc phá hủy môi trường Biển Đông, giới khoa học kêu cứu

Việc khai thác và xây dựng bừa bãi tại Biển Đông, mà rõ nhất là tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn về sinh thái. Một số nghiên cứu mới đây cho thấy diện tích san hô tại bảy thực thể địa lý do Trung Quốc kiểm soát giảm ít nhất gần 30%. Việc hủy diệt san hô – nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá biển – đe dọa nguồn hải sản nuôi sống hàng chục triệu cư dân ven bờ. Nhiều tiếng nói cất lên kêu gọi các nhà khoa học trong khu vực hợp tác và xây dựng khu vực biển được bảo vệ tại Biển Đông, trước khi tình hình trở nên quá muộn.

San hô, cũng còn được mệnh danh là "rừng rậm của biển", đang bị đe dọa khắp nơi. Trong ảnh, loài san hô Acropora pulchra.
San hô, cũng còn được mệnh danh là "rừng rậm của biển", đang bị đe dọa khắp nơi. Trong ảnh, loài san hô Acropora pulchra. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Một bài viết trên báo mạng The Huffington Post, (đầu tháng 4/2016), dẫn lại một nghiên cứu của đại học Hawaii, Hoa Kỳ, về các rạn san hô tại bảy địa điểm : Cuarteron (đá Châu Viên), Fiery Cross (đá Chữ Thập), Gaven (đá Gaven), Hughes (đá Tư Nghĩa), Johnsons South (đá Gạc Ma), Mischief (đá Vành Khăn), Subi (đá Xu Bi). Nghiên cứu của đại học Hawaii khẳng định Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực này từ tháng 2/2014 đến tháng 5/2015, cùng lúc đó diện tích san hô bị giảm là 11,6 km², tương đương 26,9% diện tích.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí mở  PLOS Biology (ngày 31/03/2016) cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Ông Camilo Mora, người phụ trách của nhóm nghiên cứu, nói : đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô. Ông nói thêm, những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của « đảo », việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm. Cho đến nay, các rạn san hô ngoài khơi, còn tương đối yên lành, nhưng cần phải hành động khẩn cấp, theo nhà nghiên cứu Mỹ.

Các rạn san hô vòng ở quần đảo Trường Sa là nơi cư trú của khoảng hơn 6.500 loài sinh vật biển, trong đó có 571 loài san hô.

Nhóm nghiên cứu ra thông cáo kêu gọi thành lập tại quần đảo Trường Sa, Biển Đông một vùng biển được bảo vệ, tương tự như các vùng biển được bảo vệ tại Nam Cực (Antarctica Protected Areas). Ông John MacManus, một đồng tác giả thông cáo nhấn mạnh : « Các quốc gia ven bờ Biển Đông cần ý thức được giá trị của quần đảo Trường Sa, như nơi sinh trưởng của nhiều loài cá », nguồn hải sản không gì có thể thay thế được cho toàn khu vực.

An ninh môi trường cần trở thành trụ cột của an ninh quốc gia

Cứu nguy san hô tại Trường Sa nằm trong chủ trương bảo vệ « an ninh về môi trường » nói chung, là điều mà nhà hải dương học Paul Berkman cho rằng cần được ưu tiên hàng đầu, bên cạnh các tiếp cận về chính trị hay quân sự (1). Báo The Diplomat (ngày 30/04/2016) dẫn lời cựu lãnh đạo chương trình Địa Chính Trị của Viện nghiên cứu Scott Polar, thuộc đại học Cambdrige (nổi tiếng với các nghiên cứu về Bắc Cực và Nam Cực). Ông cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần đặt « an ninh môi trường ở trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia ».

Theo chuyên gia hải dương học Anh, « cuộc khủng hoảng thực phẩm đang tới gần », việc cân đối giữa các đòi hỏi về an ninh, quân sự với các lợi ích kinh tế từ biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khẩn trương phối hợp để đưa ra các giải pháp, đặc biệt trong việc phát triển bền vững và bảo vệ an ninh môi trường tại vùng biển này. Riêng về việc bảo vệ san hô, ông đề nghị thành lập một Mạng Lưới Hành Động vì San Hô (Reef Action Network Coral), tương tự với mạng lưới bảo vệ rừng trên đất liền.

Các chuyên gia xuất sắc nhất, về đa dạng sinh thái và phát triển bền vững thuộc các nước có tranh chấp tại Biển Đông cần tập hợp trong một diễn đàn về chính sách khoa học biển. Một ủy ban khoa học về Biển Đông cần được thành lập, để mang lại một tiếng nói có trọng lượng trong việc hướng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến hợp tác trong việc quản lý biển.

Nhà hải dương học Anh cũng khẳng định, trong lúc rất nhiều chuyên gia xuất sắc của Trung Quốc hiểu được giá trị của việc bảo tồn các rạn san hô, duy trì việc khai thác hải sản bền vững, hay khuyến khích loại hình du lịch sinh thái sau này, một khi các căng thẳng về chủ quyền dịu xuống, thì có một số nhà khoa học đã bảo vệ cho lập luận của chính quyền Bắc Kinh, rằng Trung Quốc chỉ xây dựng đảo nhân tạo tại những nơi san hô đã chết từ trước. Đây là một điều khá bất ngờ.

Thảm sát san hô : Trung Quốc dùng thủ đoạn che giấu

Đai diện cho quan điểm biện minh cho Bắc Kinh là tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), giám đốc Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông). Nhà hải dương học người Anh đưa ra nhiều bằng chứng để bác bỏ quan điểm của học giả Trung Quốc. Nhiều hình ảnh vệ tinh từ Google cho thấy, trước mỗi đợt bồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo tại Trường Sa, Trung Quốc đều đưa các tàu cuốc tới hoạt động. Như vậy, theo The Diplomat, rất có thể nhiều chuyên gia về san hô Trung Quốc đã thực sự tới nơi để chứng kiến cảnh tượng san hô chết hàng loạt, đúng như luận điệu mà chính quyền muốn tuyên truyền.

Một bộ phim tài liệu của BBC mới được công bố cho thấy ngư dân Trung Quốc khai thác trai biển trên quy mô lớn tại rạn san hô hình chữ V (Checkmark) nằm giữa đảo Thị Tứ và đảo Tieshi Jiao.

Nhà báo Victor Robert Lee, của báo The Diplomat, là người đầu tiên mô tả cảnh hàng trăm tàu khai thác trai biển của Trung Quốc đã hoạt động tại rạn san hô này, các ảnh vệ tinh cho thấy san hô chết và cát nổi lên thành những đống lớn. Cách nay hai tháng, chuyên gia sinh vật biển John McManus, đại học Miami, người nghiên cứu về rạn san hô này từ những năm 1990, đã tới nơi và tiến hành nhiều cuộc khảo sát dưới lòng biển, ông ghi nhận khắp nơi là cát và san hô chết ngổn ngang. Giáo sư đại học Miami chua xót bình luận, môi trường sống cho san hô một khi đã bị phá hủy như vậy rất khó khôi phục lại, thiên nhiên cần hàng ngàn năm mới tạo được khoảng một mét ụ cát - sỏi - bùn, "đất sống" của san hô.

Nạn khai thác trai biển khổng lồ

Cũng The Diplomat (2), trong một bài viết đầu năm nay, có tổng thuật nói về nạn hủy diệt sinh thái tại Biển Đông. Khai thác trai biển khổng lồ tại các rạn san hô đã diễn ra trên quy mô lớn tại các vùng biển tranh chấp ở Trường Sa, đúng trong nhiệm kỳ ông Tập Cận Bình làm chủ tịch, cùng lúc với việc Trung Quốc gia tăng mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Loài trai khổng lồ có kích thước hơn một mét, nặng 200 kg, có tuổi thọ hơn 100 năm, được mệnh danh là « vàng của biển », là đối tượng số một. Với màu sắc kỳ ảo, loại trai này được coi như nguyên liệu để chế các đồ trang sức sang trọng, các biểu tượng tôn giáo, văn hóa quý, và được coi như mang lại nhiều quyền năng phi thường hay cải thiện sức khỏe cho người sử dụng. Giá mặt hàng này tăng vọt trong bốn năm gần đây khiến nhiều ngư dân Trung Quốc bỏ nghề đánh bắt cá thông thường để quay sang món hàng mới. Giá một cặp trai biển loại cao cấp có thể lên tới một triệu yuan (150.000 đô la). 

Vẫn theo The Diplomat, cách nay ba năm, chính quyền Trung Quốc khuyến khích việc phát triển nhiều hoạt động sản xuất sử dụng loại trai nói trên làm nguyên liệu tại Tanmen, một thị trấn biển hẻo lánh thuộc tỉnh Hải Nam. Tháng 4/2013, ông Tập Cận Bình có một chuyến đi tới thị trấn Tanmen, cổ vũ lực lượng dân quân biển "tích cực ủng hộ" hoạt động của chính quyền mở rộng các thực thể địa lý đã chiếm được tại Trường Sa. Nhà báo The Diplomat kết luận, kêu gọi như vậy mang hàm nghĩa, "đánh đổi lại sự ủng hộ" nói trên, Bắc Kinh để mặc cho ngư dân tận diệt loài trai biển khổng lồ, và di sản của ông Tập Cận Bình để lại không gì khác hơn là một "môi trường bị tàn phá nặng nề tại Biển Đông". 

Các hình ảnh vệ tinh ghi nhận san hộ bị thương tổn nặng nề do việc ngư dân Trung Quốc dùng máy cắt khai thác. Các hình ảnh được chụp tại ít nhất 28 rạn san hô tại Trường Sa, trong khoảng thời gian từ 2012 đến cuối 2015. Theo tác giả bài báo, cho đến nay, chưa có hình ảnh nào cho thấy tàu Việt Nam hay Philippines khai thác trai biển bằng phương pháp tàn khốc như trên.

Loài trai khổng lồ có mặt rất nhiều tại vùng bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc cưỡng chiếm từ tay Philippines hồi 2012. Kể từ đó, tuần duyên Trung Quốc túc trực tại khu vực này để bảo vệ ngư dân khai thác trai biển, phá hoại san hô. 

Cá chết hàng loạt tại đảo Thị Tứ : Nghi vấn Trung Quốc thả chất độc

Trong lúc san hô tại Biển Đông bị hủy hoại, trong những ngày gần đây, công luận tiếp tục lo ngại với việc có thông tin từ báo chí Philippines ghi nhận có hiện tượng cá chết hàng loạt, tại khu vực xung quanh đảo Thị Tứ (Pagasa), Trường Sa.

Người ta tình nghi Trung Quốc thả hóa chất để làm chết cá, nhằm cắt đứt nguồn thực phẩm của dân cư cụm đảo Thị Tứ, vốn là một khu vực rất giàu hải sản, với khoảng 20 đến 30 rạn san hô vây quanh.

----

(1) Bài "Ba ý đồ của Trung Quốc khi bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa".

(2) Bài "Hình ảnh vệ tinh cho thấy nạn tàn sát sinh thái tại Biển Đông" (Satellite Imagery Shows Ecocide in the South China Sea), The Diplomat, 15/01/2016

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.