Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Cai ma túy tại Việt Nam : Tự nguyện hơn là bắt buộc

Đăng ngày:

Cách nay một tuần, ngày 19/04/2016, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong một phiên họp đặc biệt (1), với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên, đã thông qua một tiếp cận mới đối với ma túy, chính thức ưu tiên việc phòng ngừa và điều trị, gián tiếp thừa nhận sự thất bại của chính sách thiên về trấn áp được áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua. Việt Nam là một quốc gia từ ít năm nay đã bắt đầu thực thi chính sách ưu tiên điều trị đối với người nghiện ma túy. Những thách thức cụ thể nào đặt ra với Việt Nam trong sự chuyển hướng này ? Đây là câu hỏi chính mà Tạp chí xã hội của RFI tuần này tìm cách trả lời.

Cần sa, một loại ma túy nhẹ, ngày càng được sử dụng phổ biến trên thế giới.
Cần sa, một loại ma túy nhẹ, ngày càng được sử dụng phổ biến trên thế giới. Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Một trong những thay đổi quan trọng tại Việt Nam trong lĩnh vực này là, trong Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2009, việc sử dụng trái phép ma túy không còn bị « truy cứu trách nhiệm hình sự », mà chỉ còn bị « xử lý hành chính », với hình thức phạt tiền (trong một số điều kiện nhất định, người nghiện có thể bị đưa vào trại cai nghiện bắt buộc). Song song với việc phi hình sự hóa hành vi sử dụng ma túy, chính quyền Việt Nam thí điểm áp dụng việc sử dụng chất thay thế methadone kể từ năm 2008.

Mô hình điều trị tự nguyện bằng methadone dần dần mở rộng ảnh hưởng, trong lúc quy mô của hệ thống trung tâm cai nghiện bắt buộc, được coi là mô hình chủ đạo cho đến lúc này, có xu hướng thu hẹp rõ ràng. Một số nghiên cứu chỉ ra, điều trị tự nguyện bằng thuốc thay thế vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, đó là chưa kể đến rất nhiều tệ nạn và những điều kiện tệ hại trong các trại cai nghiện, bị lên án rất nhiều trong công luận. Cùng với việc điều trị HIV/AIDS cho người nghiện ma túy, các căn bệnh phổ biến khác, như viêm gan B, cũng bắt đầu được chú ý (xem thêm : "Có đủ ARV: Thách thức lớn của cuộc chiến chống SIDA tại Việt Nam").

Sau đây là nhận xét của chị Ngô Thị Mộng Linh, một người tham gia nhiều chương trình trợ giúp người nghiện ma túy và phụ nữ làm nghề bán dâm tại Sài Gòn :

"Hiện tại, tại thành phố HCM, 24 quận huyện đều có chương trình methadone, được cai nghiện tại cộng đồng. Uống methadone bây giờ gọi là xã hội hóa, giấy tờ không còn phức tạp như trước, chỉ cần người đứng ra bảo lãnh, như 'chủ nhiệm câu lạc bộ' chẳng hạn, miễn là người đó phải có giấy tờ tùy thân, và giấy chứng nhận của công an khu vực là không bị vướng vào Nghị định, có hộ khẩu đàng hoàng.

Thực sự là cai nghiện tại nhà, tại cộng đồng, tốt hơn là bắt buộc. Biện pháp tốt nhất là vào chương trình uống methadone. Chơi methadone, rồi chơi ma túy thì có cảm giác như chơi nước lã. Tự động bỏ thôi".

Bác sĩ Khuất Hải Oanh cũng lưu ý đến những hạn chế của chương trình methadone hiện nay. Bác sĩ Hải Oanh là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), một tổ chức chuyên hỗ trợ các nhóm xã hội dễ tổn thương.

01:57

Bác sĩ Khuất Hải Oanh

"(…) Có những trở ngại ví dụ như : methadone chưa có mặt ở khắp nơi, chưa được gần với người dân. Nhiều người phải đi rất xa, hay phải có các giấy tờ, thủ tục, như hộ khẩu, chứng minh thư, trong khi nhiều người không có giấy tờ ấy. Một số nơi người ta phải đồng chi trả, 8.000 hay 10.000 đồng/ngày, không phải ai cũng có số tiền ấy. Một số người không có động cơ, không phải người nghiện nào cũng sẵn sàng điều trị, có người thì buông xuôi. Hiện nay, ở Việt Nam, điều trị methadone ngày nào cũng phải đến uống. Ngày nào cũng phải đi như vậy cũng gây ra sự mệt mỏi. (…) Đang có những vấn đề như vậy khiến cho việc triển khai chương trình methadone không đạt được thành công như mong muốn".

Hỗ trợ người nghiện ma túy trong việc cùng với họ giảm thiểu các nguy cơ do sử dụng ma túy và hướng đến cai nghiện là một công việc vô cùng gian truân, không ai hiểu họ hơn là những người đồng cảnh, như tâm sự của chị Phan Thị Duy Nhất, phụ trách nhóm Tia Nắng - một nhóm tương trợ tình nguyện với người nghiện tại Hà Nội, phát triển khá nhiều trong những năm gần đây (2). Về những khó khăn trong hoạt động của người tương trợ tình nguyện, chị Ngô Thị Mộng Linh cho biết :

00:32

Chị Ngô Thị Mộng Linh

"Cái khó là mình chưa có đủ nguồn lực để mở nhiều lớp tập huấn, các buổi truyền thông cho chị em, để chị em nắm được tình hình, ví dụ như luật xử phạt hành chính, về giới, quyền con người, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, về các lợi ích của xét nghiệm HIV, hay lợi ích của methadone. Khi biết được những thông tin đó, hiểu được tác hại của ma túy, tự khắc họ tự bảo vệ mình và tránh xa những nguy cơ".

Từ hai năm nay, báo chí trong nước ghi nhận hiện tượng các trung tâm cai nghiện bắt buộc hết sức thưa người, sau khi chính phủ ban hành một nghị định mới, đòi hỏi việc đưa người cai nghiện vào trại phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ hơn. Nhiều người bảo vệ nhân quyền, ủng hộ phương pháp cai nghiện tự nguyện, dựa vào cộng đồng, vui mừng về xu thế mới này, nhưng những người có chủ trương cứng rắn thì chỉ trích, vì cho rằng để quá đông người nghiện sống bên ngoài xã hội có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Trong công luận, tính chất không hiệu quả của các trại cai nghiện bị lên án nhiều. Về phần mình, chị Phan Thị Duy Nhất tâm sự về những chấn thương tâm lý do tình trạng bạo lực phổ biến trong các trại cai nghiện (3).

00:29

Chị Phan Thị Duy Nhất

"Nói vào trung tâm (cai nghiện bắt buộc) thực sự là sợ, người ta bảo như kiểu vào trại điên. Lao động không khổ, nhưng ở đó bị chèn ép về mặt tinh thần. Nào là tắm không được thoải mái, không được tắm khi không làm đủ phần. Nói chung là nhiều cái bị ức chế, tù nhân chẹt tù nhân. Thời điểm bây giờ, cai nghiện bắt buộc không còn như trước, vì chỉ còn từ 3 đến 6 tháng, so với từ 2 đến 4 năm như trước".

Về vấn đề này, bác sĩ Khuất Hải Oanh nhận xét :

01:18

Bác sĩ Khuất Hải Oanh

"Vấn đề các trung tâm cai nghiện bắt buộc ở Việt Nam vẫn đang là mối quan tâm của quốc tế. Người ta vẫn đang theo dõi, quan sát xem Việt Nam sẽ xử lý như thế nào. Mặc dù chính phủ đã cam kết, đã có những thay đổi về chủ trương, nhưng việc thực hiện như thế nào, quốc tế vẫn đang để ý.

Về việc địa phương, đang tìm cách để đưa người vào cai nghiện bắt buộc (với số lượng lớn – người viết), có hai lý do. Thứ nhất là do ở địa phương chưa triển khai được điều trị tại cộng đồng. Họ không biết làm thế nào. Vì mình không có nhân lực để làm việc đó, mình không được đào tạo. Lý do thứ hai là, một số nơi họ có lợi ích trong các trung tâm đó, nên người ta muốn đưa được nhiều người nghiện vào.

Chính phủ đề ra phương hướng chuyển các trung tâm cai nghiện bắt buộc thành trung tâm cai nghiện tự nguyện, điều trị tự nguyện. Để điều trị tự nguyện có nghĩa là người ta phải tự đến, mà muốn cho người ta tự đến, thì dịch vụ phải hấp dẫn, người ta phải cảm thấy an toàn, thấy có ích cho người ta. Trong khi đó, dịch vụ của mình chưa làm được như vậy, chưa xây dựng được lòng tin. Dịch vụ chưa làm cho người ta cảm thấy thuyết phục thì người ta không tin tưởng, người ta không đến".

Đi sâu hơn vào vấn đề : phương thức lấy điều trị và phòng ngừa làm trung tâm cần một nền tảng căn bản như thế nào, bác sĩ Khuất Hải Oanh chỉ ra lỗ hổng chính trong ngành y tế Việt Nam :

00:36

Bác sĩ Khuất Hải Oanh

"Lỗ hổng rất lớn của nước mình hiện nay là dịch vụ điều trị cho người nghiện ma túy đang rất thiếu. Trong trường Y, không có bộ môn y học về nghiện. Ở các cơ sở đào tạo khác, cũng không có cơ sở nào để đào tạo cho người ta cái cách để điều trị, chữa trị, hỗ trợ cho người nghiện. Cho nên, hệ thống nhân lực để hỗ trợ cho người nghiện gần như là số không. Hiện nay, chính phủ đang cố gắng, nhưng để đi từ con số không lên sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn".

Chuyên gia về y tế cộng đồng, bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), liên hệ giữa việc thiếu vắng ngành khoa học về nghiện hiện nay tại Việt Nam với sự phát triển của khoa học cơ bản về sức khỏe tâm trí, và các bệnh tâm thần nói chung.

01:13

Bác sĩ Trần Tuấn

"Tôi quan sát rằng, kế hoạch trong các chương trình phòng chống HIV/AIDS, cũng như việc kiểm soát vấn đề nghiện chất (trong đó có ma túy), trong thời gian vừa qua, phần nhiều là việc copy lại, sao chép các biện pháp của quốc tế đưa ra, ví dụ như trong các dự án được tài trợ. Còn nỗ lực của các nhà khoa học trong nước đi tìm hiểu vấn đề này một cách thực tế, để đánh giá tình trạng này, và để xây dựng nên một ngành khoa học về nghiện, về vấn đề nghiện trong xã hội Việt Nam thì tôi không thấy có.

Tôi biết rằng ở trường Y, việc giảng dậy về nghiện chất được thực hiện ở bộ môn tâm thần. Nhưng bản thân bộ môn tâm thần, tôi thấy đã lạc hậu khá nhiều so với bên ngoài, ngay cả với các bệnh tâm thần cơ bản, phổ biến, ví dụ như trầm cảm, rối nhiễu lo âu, hay tâm thần trẻ em còn chưa phát triển được. Chúng ta không có được những nhà khoa học đích thực trong lĩnh vực này. Đó là cái sẽ khiến mọi chính sách, đường lối đưa ra, kể cả việc truyền thông về vấn đề này thiếu một chân đế, và tình trạng này nó không chỉ nằm trong vấn đề nghiện chất, mà nằm trong vấn đề tâm lý nói chung, và trong lĩnh vực sức khỏe tâm trí, hay bệnh học tâm thần nói chung".

***

Trong thập niên vừa qua, lĩnh vực chăm sóc và hỗ trợ người nghiện ma túy tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể, với việc chính quyền chuyển hướng từ quan điểm lấy trấn áp làm chính sang điều trị tự nguyện. Mặc dù, gặt hái những thành công không thể phủ nhận, chiến lược điều trị đại trà bằng methadone vẫn gặp nhiều giới hạn, đặc biệt là nạn phân biệt đối xử với những người không có hộ khẩu (4). Các trại cai nghiện bắt buộc, nỗi kinh hoàng một thời đối với nhiều người nghiện, là không gian dung dưỡng việc vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, vẫn còn được khuyến khích tại một số địa phương, trong bối cảnh phương thức điều trị mới, và dự phòng theo hướng nhân bản chưa có lực phát triển, chủ yếu do thiếu nhân lực được đào tạo.

Bức tranh toàn cảnh về nghiện ma túy tại Việt Nam đang biến đổi rất mau lẹ, với sự lan tràn của nhiều loại ma túy mới, như ma túy tổng hợp hay ma túy loại nhẹ như cần sa. Một số báo cáo của chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh đến sự chững lại của số lượng người mới nghiện ma túy trong thời gian gần đây, chủ yếu dựa trên việc tiêu thụ các loại ma túy ''truyền thống'', rất có thể đã bỏ qua những loại ma túy mới, hình thức tiêu thụ mới. Không khí kỳ thị trong xã hội, vẫn còn nặng nề, cản trở việc tiến hành các nghiên cứu thống kê về thực trạng tiêu thụ ma túy, mà ''phần chìm của tăng băng'' có thể là rất lớn.

Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn : Hoặc gia tăng nội lực gấp bội để thúc đẩy việc chuyển hướng trong lĩnh vực này, trong bối cảnh trợ giúp quốc tế từ bên ngoài giảm mạnh, hoặc để cho xu hướng thiên về trấn áp kiểu cũ trỗi dậy, kéo lùi một số thành tựu đáng kể trong những năm vừa qua.

Một số chuyên gia cho rằng, để thành công trong việc chuyển hướng chính sách đối với ma túy, cần phải đi đến một quan niệm triệt để. Đó là việc phòng ngừa và điều trị cho người người nghiện cần phải dựa trên nền tảng của chuyên ngành nghiện học, về bản chất là một khoa học liên ngành, và điều này không thể tách rời khỏi vấn đề sức khỏe tâm trí (hay tâm thần) nói chung. Và để làm được điều này, cho dù thiện chí của chính quyền có vai trò quyết định trực tiếp, xã hội dân sự vẫn cần thức tỉnh để nắm lấy vận mệnh của mình.

RFI xin cảm ơn các chị Ngô Thị Mộng Linh, Phan Thị Duy Nhất, cùng các bác sĩ Khuất Hải Oanh, Trần Tuấn đã dành thời gian cho tạp chí.

---

(1) Mục ''Liên Hiệp Quốc ghi nhận thất bại trong cuộc chiến chống ma túy'' trong bài « Mékong Stories, chân dung tuổi trẻ Sài Gòn cuối thập niên 90 ».

(2) Bài "Việt Nam : Điều trị ma túy với các nhóm tương trợ tình nguyện".

(3) Bài "Việt Nam bị tố cáo tra tấn, cưỡng bức lao động trong các trại cai nghiện".

(4) Bài "Đã đến lúc phải xoá bỏ chế độ hộ khẩu?"

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.