Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUỀN

Việt Nam vẫn đứng cuối bảng xếp hạng tự do báo chí của RSF

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố hôm nay, 20/04/2016, bảng xếp hạng về tự do báo chí thường niên, trong đó Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 175 trên 180, chỉ trên năm quốc gia đội sổ là Eritrea, Bắc Triều Tiên, Turkmenistan, Syria và Trung Quốc. RSF đặc biệt lên án việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà báo – công dân một cách hệ thống.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 23/06/2016.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 23/06/2016. STR / VIETNAM NEWS AGENCY / AFP
Quảng cáo

Hai vụ đàn áp điển hình chống lại các nhà báo công dân tại Việt Nam mà RSF rất chú ý là việc chính quyền bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội, và tiếp theo đó là phiên tòa xử tù ông Nguyễn Hữu Vinh, người sáng lập trang mạng nổi tiếng Anh Ba Sàm, và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy. Mới đây nhất là vụ blogger Nguyễn Ngọc Già, một cựu nhân viên truyền hình, bị xử 4 năm tù hồi cuối tháng 3, chỉ vì sử dụng quyền tự do ngôn luận. Đó là chưa kể các vụ câu lưu, hành hung nhắm vào các nhà báo – công dân.

Phóng Viên Không Biên Giới nhận định : « Các blogger và nhà báo – công dân, những nguồn thông tin độc lập tại một quốc gia mà báo chí hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Sản, là đối tượng của một chủ trương đàn áp rất khắc nghiệt. Bạo lực công an trị nhắm vào các nhà báo diễn ra thường xuyên, nhân danh Nghị định 72, điều luật nhằm giới hạn việc sử dụng Internet. (…) Bộ luật hình sự Việt Nam cho phép phạt tù vì tội ‘‘xâm phạm các quyền tự do dân chủ’’. Một diễn đạt rất mơ hồ cho phép bịt miệng những người phản kháng ».

Theo RSF, tính cho đến tháng 9/2015, không kể các nhà báo – công dân đã nêu trên, còn có ít nhất hơn 10 blogger khác đang bị chính quyền giam giữ. Đó là các ông bà Trần Anh Kim, Bùi Thị Minh Hằng, Ngô Hào, Đinh Nguyên Kha, Lê Thanh Tùng, Trần Vũ Anh Bình, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Công Chính, Nguyễn Ngọc Cường và Trần Huỳnh Duy Thức. Không kể trường hợp blogger Phạm Minh Vũ, được RSF nêu tên, đã được trả tự do vào tháng 11/2015.

Bài nhận định của RSF năm nay đặc biệt hoan nghênh quốc gia Bắc Phi Tunisia, tăng vọt 30 bậc trong bảng xếp hạng, đứng đầu khối các nước Ả Rập (96/180), do các nỗ lực cải cách nhằm xây dựng một nền truyền thông độc lập, trước áp lực từ phía các thế lực chính trị và kinh tế.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.