Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Du xuân làng cổ Đường Lâm

Đăng ngày:

Chặng đường hơn 40 cây số nối liền Hà Nội với làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, dường như ngắn lại nhờ quốc lộ 32 mới được hoàn thiện. Không còn những đoạn đường đê chạy dọc những cánh đồng mướt mắt, không còn những hàng cây cổ thụ bên đường, thay vào đó là những thị trấn, thị tứ mới mọc dọc con đường 4 làn thẳng tắp.

Ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm được xây năm 1649, thôn Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây.
Ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm được xây năm 1649, thôn Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Với nhiều người Việt Nam, ba ngày Tết là dịp nghỉ ngơi hiếm hoi, không còn phải câu nệ đến nhà chúc Tết. Họ có thể hẹn nhau ở ngoài hay đi vãn cảnh chùa. Có lẽ vì thế, ngay chiều mồng 1 Tết Bính Thân, làng cổ Đường Lâm vẫn đông du khách tới vãn cảnh. Dọc những con đường nhỏ len lỏi trong làng có rất nhiều nhóm thanh thiếu niên cười giòn giã, hay những nhóm khách nước ngoài đang lắng nghe câu chuyện về ngôi làng nổi tiếng với những ngôi nhà cổ năm gian, đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.

Đường Lâm tên nôm được gọi là Kẻ Mía, hiện vẫn còn là tên gọi của đền Mía và chùa Mía. Còn về mặt hành chính hiện nay, Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, gồm các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Phụ Khang, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Văn Miếu. Theo các nhà nghiên cứu, trong số những làng ở Đường Lâm, Mông Phụ được coi là đại diện duy nhất còn lại của những ngôi làng trồng lúa nước Việt Nam. Đặc trưng của Đường Lâm là đá ong, có mặt ở hầu hết các công trình kiến trúc của làng, từ thành giếng, đến đường làng, ngõ xóm hay trong những ngôi nhà ở đây.

Ngôi nhà cổ nhất Đường Lâm gần 400 tuổi

Bước qua chiếc cổng nhỏ thâm niên được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu và bùn để tạo chất kết dính cùng với giàn hoa rủ lãng mạn, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc dân gian của nền văn minh lúa nước.

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Việt, đài RFI, ông Hùng cho biết vào năm 2008, ngôi nhà đã được Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm tiến hành đo đạc và thẩm định trùng tu. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (The Japan International Cooperation Agency, JICA) và sở Văn Hóa tỉnh Hà Tây (lúc đó) đã đứng ra bảo tồn và phục chế tôn tạo ngôi nhà. Sau gần 4 tháng trùng tu bảo tồn, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên trạng có từ khoảng 400 năm về trước.

Ông Nguyễn Văn Hùng : « Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1649, sau khi ông cụ tổ làm xong ngôi nhà thì thuê một pháp sư về cúng cầu an. Theo viện Hán-Nôm dịch là được xây dựng vào năm 1649. Đến bây giờ đã được 12 đời. Nội dung của bản này là cầu cho nhân khang vật thịnh, trừ những tai ương trong gia đình. Lễ cầu an được tiến hành vào ngày 10/09 năm Kỷ Sửu (1649).

Theo Bộ Văn Hóa, đây là ngôi nhà cổ lâu đời nhất còn sót lại ở Đường Lâm, được gần 400 năm. Sau khi làng cổ Đường Lâm được công nhận vào năm 2006 là di tích cấp quốc gia, thì ngôi nhà được bộ Văn Hóa và các chuyên gia Nhật Bản đến bảo tồn, trùng tu, dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia Nhật Bản.

Cách đây hai năm, ngôi nhà được các chuyên gia Nhật Bản của tổ chức UNESCO châu Á-Thái Bình Dương đánh giá là một trong những ngôi nhà giữ lại nguyên trạng nhất ở làng cổ Đường Lâm ».

Một trong những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, Sơn Tây.
Một trong những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, Sơn Tây. RFI / Tiếng Việt

Toàn bộ không gian sinh hoạt được thiết kế theo kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ông Hùng giải thích, đa số là nhà 5 gian (kiểu 3 gian 2 chái), trong đó có 2 gian buồng (ở hai đầu hồi nhà) và 3 gian nhà ngoài để thờ cúng tổ tiên hoặc được bài trí bộ trường kỷ dùng để uống nước và tiếp khách. Ngày xưa, khi có nhiều con, các cụ vẫn ngả thêm phản ở gian nhà ngoài chỗ thờ cúng để nghỉ ngơi.

Các ngôi nhà cổ sử dụng hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa, có thể nhấc ra lắp vào một cách dễ dàng. Thiết kế như vậy để phù hợp khi nhà có việc lớn, gia chủ có thể nhấc ra đặt xuống đất. Trước nhà là khoảng sân rộng lát gạch để vui chơi cùng với một góc vườn nhỏ trồng hoa và rau xanh.

« Nhất là những ngôi nhà cổ xây vào thời Nguyễn thường là « nhà ngói đóng chuồng ». Có nghĩa là có nhà chính, bên trái là bếp, bên phải là một nhà ngang chứa lương thực, thường có một chiếc cối xay gạo hoặc cối giã gạo. Tiếp theo là đến khu chăn nuôi. Đây là kiểu kiến trúc chung của những ngôi nhà ở vùng quê, có nghĩa là nhà ngói đóng chuồng - đóng kín xung quanh ».

Sau khi làng cổ Đường Lâm được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/05/2006, trong làng cũng có tất cả 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt phải kể đến chùa Mía, đền thờ bà chúa Mía, đất hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Ông Hùng tự hào cho biết mảnh đất quê ông cũng sinh ra Giang Văn Minh, một thám hoa ở thế kỷ XVII. Về sau còn có một vị tướng, từng học bên Pháp, là cụ Phan Kế Toại, sau này là nhà hoạt động cách mạng. Đây là những vị tướng tài ở làng cổ Đường Lâm.

« Theo đánh giá của bộ Văn Hóa, lúc này, làng cổ Đường Lâm có khoảng 300 ngôi nhà cổ, được xếp thành 3 loại. Loại 1 chỉ chiếm 5%, tương đương với khoảng 20 đến 30 nhà. Loại 2 chiếm 30% số lượng nhà cổ có độ tuổi từ 100-130 năm. Loại 3 là số còn lại với độ tuổi khoảng 70-80 năm.

Trong làng cổ, còn có rất nhiều ngôi miếu thờ, giếng cổ từ đời xưa. Tất cả đều được sở Văn Hóa và bộ Văn Hóa giữ lại làm di tích để bảo tồn những giá trị mà các cụ đã để lại từ hàng trăm năm về trước ».

Phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn di sản

Làng cổ vẫn giữ nét thanh bình, nhẹ nhàng không vội vã trong cuộc sống thường ngày. Dăm cụ già chống gậy đi lại hỏi thăm nhau, đôi khi một vài người đạp xe chậm rãi. Một vài cụ, không kiêng tránh quét nhà trong 3 ngày Tết, vẫn cầm chiếc chổi tre vun gọn những chiếc lá rơi hay cát bụi. Điều này giải thích tại sao những con đường nhỏ len lỏi trong làng rất sạch, không một cọng rác.

Đường Lâm không bị ảnh hưởng vì phát triển du lịch mà vẫn giữ được nét đặc trưng của nền văn hoá lúa nước Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, bến nước, ao sen. Điểm duy nhất có thể nhận thấy là một bãi đậu xe không quá lớn trước cổng làng, dưới bóng mát của cây đa đã 300 tuổi.

Và chị hàng nước trước cổng đình Mông Phụ kiêm luôn việc giữ xe máy và làm “phòng thông tin du lịch”. Chiếc bản đồ chị tự thiết kế nêu tên và một chút lịch sử những địa điểm cần thăm quan : từ đền thờ vua Ngô Quyền (người đánh đuổi quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc) và vua Phùng Hưng (người nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Đường) đến những ngôi nhà cổ có niên đại 300-400 năm ở làng Mông Phụ hay ngôi chùa Mía thâm nghiêm, thanh tịnh ở làng Đông Sàng (làng Mía) được xây dựng vào năm 1632.

« Trong vài năm vừa rồi, làng cổ Đường Lâm tiếp nhận rất nhiều khách du lịch, nhưng về hoạt động du lịch lúc này chỉ có một số hộ gia đình làm được, còn đa số là không. Càng ngày lượng khách trong và ngoài nước đến càng đông, thì mình cũng tranh thủ làm dịch vụ du lịch, như ăn cơm tại nhà, gồm cả khách Việt lẫn khách nước ngoài. Điều đáng tiếc là một số người dân đang sống trong một quần thể di tích mà lại không được hưởng lợi ích thì họ cũng tỏ ra bức xúc, từ cách quản lý xây dựng đến bảo tồn những di tích cổ.

Nói đúng ra, nếu người dân Đường Lâm biết được giá trị văn hóa mà các cụ để lại từ hàng trăm năm về trước để khai thác du lịch thì rất là tốt. Thế nhưng, du lịch tại Đường Lâm phát triển vẫn hơi chậm. Nếu họ biết cách khai thác lợi thế là địa điểm gần Hà Nội, ví dụ có những ngày ở nhà tôi tiếp tới hàng nghìn khách. Thế nhưng, dịch vụ du lịch vẫn còn yếu kém.

Về phần sở Văn Hóa và các chuyên gia Nhật Bản, trong những năm trước, họ cũng rất nỗ lực giúp cho người dân Đường Lâm biết cách làm du lịch, có nghĩa là họ giúp cái cần để câu con cá, song du lịch ở Đường Lâm vẫn phát triển rất chậm.

Mỗi năm, sở Văn Hóa tổ chức rất nhiều hội thảo và tập huấn và hội chợ ẩm thực cho khách du lịch. Thậm chí, có những năm sở Văn Hóa còn tổ chức cho một số người dân đi thăm những nơi làm du lịch thành công, nhưng về đến nơi, tình hình vẫn chậm tiến, chưa phát triển mạnh được ngành du lịch ở Đường Lâm.

Cũng có nhiều tổ chức như hiệp hội du lịch Hà Nội hoặc một số cá nhân cũng muốn phát triển hoạt động du lịch tại đây. Nhưng dân trí người dân Đường Lâm đôi lúc có hạn nên hiểu biết cũng chậm. Vì vậy, hầu như giậm chân tại chỗ, chứ chưa phát triển mạnh ».

Tới Đường Lâm từ khoảng tháng 9 tới tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm sau, du khách thường xuyên được ngắm cảnh bà con nông dân đi ra đồng. Vào mùa gặt, rơm rạ phơi vàng khắp con đường làng, tiếng gọi nhau rồi tiếng trẻ em ríu rít vang vọng một vùng quê đặc trưng đồng bằng Bắc Bộ.  

Ngôi nhà 300 năm của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.
Ngôi nhà 300 năm của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây. RFI / Tiếng Việt

« Vào tháng 4, tháng 8 và tháng 9, du khách đến Đường Lâm thường được chứng kiến cảnh người dân đi gặt lúa hay đi cày. Vào tháng 10 và tháng 11 thì họ hay đi cấy. Vào những dịp này, du khách nước ngoài rất thích ra ngoài đồng xem người dân cày bừa. Hình ảnh « con trâu, cái cày », họ rất thích.

Thường thường, với hình thức du lịch trải nghiệm, khách có thể đi đào khoai, đi bẻ ngô, nhổ lạc. Có một số công ty tổ chức những tour du lịch như vậy. Một số công ty lớn tổ chức du lịch trải nghiệm cho 40-50 người thì họ phải đặt trước chừng một tháng để mình có thể đi thuê ruộng ngô hay ruộng lạc hay ruộng khoai của người dân để cho du khách tự làm ».

Một lời khuyên của ông Hùng cho bà con muốn tới thăm làng cổ Đường Lâm nên tránh mấy tháng hè nóng gay gắt. Từ tháng Tám trở đi sang đến 30/04 và 01/05 năm sau là mùa du lịch. Mùa cao điểm vẫn là tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba, có nghĩa là sau dịp Tết Nguyên Đán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.