Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: ASEAN ‘quan ngại sâu sắc’, Việt Nam đòi ngưng quân sự hóa

Hội nghị ngoại trưởng đầu tiên của khối ASEAN dưới quyền chủ tịch của Lào đã kết thúc vào hôm qua 17/02/2016 tại Vientiane. Vào lúc tình hình Biển Đông bị khuấy động do các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, Hiệp Hội Đông Nam Á một lần nữa đã lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc. Riêng Việt Nam đã kêu gọi ngưng quân sự hóa Biển Đông.

Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Ảnh vệ tinh chụp những hoạt động của Trung Quốc quân sự hóa đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Reuters
Quảng cáo

Trong bản tuyên bố chung công bố sau cuộc họp, khối ASEAN xác định rằng: “Các ngoại trưởng tiếp tục quan ngại sâu sắc” trước các diễn biến “gần đây và đang diễn ra” tại Biển Đông. Bản tuyên bố xác định rõ là “việc cải tạo đất và các hoạt động làm gia tăng căng thẳng khác”, đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Trong thời gian gần đây, tình hình Biển Đông đã căng thẳng hẳn lên với một loạt hành động của Trung Quốc, vừa triển khai tên lửa và máy bay tiêm kích tại Hoàng Sa vừa tăng tốc xây dựng cơ sở bị cho là nhằm mục tiêu quân sự như phi đạo và đài radar tại Trường Sa.

Các hoạt động này đã bị Việt Nam tố cáo, và tại hội nghị ASEAN, Việt Nam đã kêu gọi đình chỉ việc quân sự hóa khu vực. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh xác định rằng ông “cực kỳ lo ngại” trước việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông và ông kêu gọi “không quân sự hóa Biển Đông”.

Theo lời ngoại trưởng Cam Bốt Hor Namhong, ASEAN sẽ yêu cầu Trung Quốc tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng để thảo luận vấn đề Biển Đông.

Về phần Singapore, nước hiện chịu trách nhiệm điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, ngoại trưởng nước này Vivian Balakrishnan cho biết là nhân chuyến công du Trung Quốc sắp tới đây, ông sẽ cố giúp hai bên sớm đạt được bộ Quy Tắc Ứng Xử COC) trên Biển Đông.

Phát biểu với các phóng viên, ông Balakrishnan xác định trở lại việc Singapore không phải là quốc gia có tranh chấp nhưng hết sức ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp « không chấp nhận một thế giới, nơi kẻ mạnh luôn cho là mình đúng ».

Điều giới quan sát theo dõi là quan điểm của Lào, nước giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay. Phát biểu với hãng tin Reuters, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng « vấn đề Biển Đông là một mối đau đầu mà Lào không muốn dính vào ».

Trả lời hãng Reuters vào hôm qua, ngoại trưởng Lào Thongloun Sisoulith xác định : « Chúng tôi là bạn bè thân thiết của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, và chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề (Biển Đông) một cách thân hữu. Chúng tôi đứng giữa, nhưng đó không hề đặt ra vấn đề. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.