Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Vụ kiện chất da cam tại Pháp: Con đường còn dài

Đăng ngày:

Vào ngày 07/01/2016, thẩm phán chủ trì phiên tòa tại Tòa đại hình thành phố Evry, ngoại ô Paris, Pháp đã ra quyết định là ngày 3/3 sẽ diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư các bên trong vụ kiện 26 công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam, tức là chất khai quang mà quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh Việt Nam, từ 1961 đến 1971.

Máy bay Mỹ rải chất da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Máy bay Mỹ rải chất da cam trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Wikipedia
Quảng cáo

Đây chỉ là một bước mới trong một vụ kiện chắc là sẽ còn kéo dài rất lâu, bởi lẻ chất da cam là một hồ sơ rất phức tạp và các công ty Mỹ sẻ tìm đủ mọi cách để không bị gán trách nhiệm của họ trong việc sản xuất các chất da cam có chứa độc chất dioxine, bị xem là đã và đang tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường tại Việt Nam.

Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam. Chất độc da cam còn làm tổn thương sức khỏe của những người lính Mỹ cũng như lính thuộc quân đồng minh của Mỹ Úc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ. Nhiều nạn nhân trong số đó đã kiện và được bồi thường, nhưng cho tới nay các nạn nhân Việt Nam chưa bao giờ thắng kiện và được bồi thường.

Người đại diện cho các nạn nhân chất da cam dioxin Việt Nam đứng ra khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ, bà Trần Tố Nga, là một công dân Pháp gốc Việt. Vào giữa thập niên 60, bà làm phóng viên chiến trường ở miền Nam cho Thông tấn xã Giải phóng trong thời gian chiến tranh Việt Nam và bà khẳng định đã bị nhiễm chất độc da cam dioxine vào thời gian đó.

Năm 1968, bà sinh đứa con gái đầu tiên, nhưng đứa bé cũng này chỉ sống mới hơn một tuổi thì chết yểu. Năm 1971, bà Trần Tố Nga hạ sinh bé gái thứ hai cũng tại khu rừng bị chất da cam tàn phá, nhưng đứa bé cũng bị nhiễm bệnh do chất dioxine từ mẹ. Đứa bé gái thứ ba ra đời vào năm 1971 cũng bị bệnh về da do chất dioxine. Nay bản thân bà Trần Tố Nga mang những chứng bệnh được giới y khoa Mỹ công nhận là có liên quan đến chất da cam.

Vụ kiện tại Pháp đã bắt đầu từ năm 2014 sau những thất bại của những vụ kiện trước tại Mỹ. Đứng đằng sau để yểm trợ bà Trần Tố Nga trong vụ kiện này là Uỷ ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam. Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ nhân dịp ông ghé đài RFI tháng 12 vừa qua, ông André Bouny, chủ tịch ủy ban này cho biết:

“ Tôi đã lập Uỷ ban quốc tế ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam từ khi bắt đầu vụ kiện ở Hoa Kỳ vào năm 2004. Lúc đó tôi không hề nghĩ là sẽ vụ kiện này đạt kết quả tích cực và thực tế đúng là như thế.

Tôi đã tìm cách quy tụ những chuyên gia về những lĩnh vực liên quan đến chất da cam ở khắp thế giới, cũng như các nghệ sĩ. Nay ủy ban đã được thành lập, tôi đã khởi kiện ở Pháp, với một nạn nhân của chất da cam được xác định là bà Trần Tố Nga. Đúng hơn, chiếu theo luật pháp của Pháp, phải gọi đây là “người được coi là nạn nhân” ( victime supposée ). Trên thực tế, bà Nga có những triệu chứng được công nhận là có liên quan đến chất dioxine TCDD trong chất da cam, theo kết quả giám định của Viện Y khoa của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Washington.

Chúng tôi đã khởi kiện kể từ mùa Xuân năm 2014. Chính luật sư William Bourdon và các cộng sự viện của ông tiến hành vụ kiện. Đơn kiện được nộp lên tòa án Evry ( ngoại ô Paris ). Tổng cộng có 26 công ty bị kiện. Các công ty này đã chọn các luật sư giỏi nhất ở Paris để bảo vệ cho họ. Các luật sư này đã ngay lập tức gây rắc rối thủ tục, khiến vụ kiện bị trễ nãi nhiều tháng và gây thêm tốn kém chi phí. Nói chung, đây là một mưu toan nhằm “giết” vụ kiện ngay từ trong trứng nước.” 

Sở dĩ đến nay Uỷ ban ủng hộ các nạn nhân Việt Nam do chất da cam mới có thể tiến hành vụ kiện này, đó là vì những trở ngại liên quan đến thẩm quyền các thẩm phán của Pháp về luật pháp quốc tế.  

Ở các nước châu Âu khác như Bỉ và Tây Ban Nha, các thẩm phán có thẩm quyền rất lớn về mặt công pháp quốc tế. Nước Bỉ trước đây thậm chí còn trao cho các thẩm phán của họ thẩm quyền toàn cầu, có nghĩa là bất cứ công dân nào trên thế giới cũng có quyền yêu cầu ngành tư pháp của Bỉ đưa bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới ra xét xử. Nhưng cuối cùng, trước nguy cơ gây rắc rối ngoại giao và trả đủa kinh tế, Bỉ đã từ bỏ việc trao thẩm quyền toàn cầu cho các thẩm phán. Tây Ban Nha cũng đã gặp tình trạng tương tự và cũng đã đi bước lùi như Bỉ.

Còn tại Pháp, vào năm 2010, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, Quốc hội Pháp đã đề ra bốn chốt chặn khiến cho thẩm quyền của các thẩm pháp Pháp về luật quốc tế bị hạn chế rất nhiều.

Nhưng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012, ứng cử viên François Hollande đã đưa vào chương trình của ông các đề nghị nhằm tháo dỡ những rào cản do Quốc hội đặt ra vào năm 2010. Thứ nhất, bỏ điều kiện là nghi phạm phải cư trú thường xuyên ở Pháp. Thứ hai, không đòi hỏi là những vụ việc đó nhất thiết bị trừng trị bởi luật pháp của quốc gia nơi xảy ra vi phạm. Thứ ba, Viện công tố không còn đòi là Tòa án hình sự quốc tế phải ra phán quyết trước. Nhưng còn chốt chặn thứ tư là độc quyền của Viện Công tố thì vẫn được giữ nguyên, cũng chính là để ngăn chận tình trạng đơn kiện toàn thế giới ồ ạt đổ đến Pháp.

Tuy vậy, kể từ nay không ai có thể cản trở một nạn nhân có quốc tịch Pháp đệ đơn kiện về một vụ xảy ra bên ngoài lãnh thổ Pháp, do một bên thứ ba nước ngoài gây ra. Có điều, theo lời ông André Bouny,  nếu kiện ra tòa hình sự, thì vụ kiện chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại không thể vượt qua được, cho nên họ đã chuyển qua kiện về dân sự. Nhưng dù là kiện dân sự, bên bị đơn cũng có thể bị kết án trả tiền bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, thể xác cho bên nguyên đơn.

Theo ông André Bouny, có đầy đủ chứng cứ là bà Trần Tố Nga đã bị nhiễm chất da cam trong thời gian ở chiến trường và bà mang những chứng bệnh đã được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ thừa nhận là do chất da cam gây ra:

“Chúng tôi có đến 13 nhân chứng xác nhận rằng bà Trần Tố Nga đã làm việc tại những khu rừng bị rải chất da cam trong nhiều năm. Bà đã sinh một bé gái trong khu rừng bị nhiễm chất da cam. Bé gái này đã chết vào lúc 18 tháng tuổi do bị một dạng dị tật bẩm sinh về tim đã được Viện khoa học quốc gia Washington thừa nhận là do chất da cam gây ra. Sau đó, bà Nga có thêm hai con gái bị những chứng bệnh cũng bị nghi là do chất da cam. Bản thân bà cũng bị nhiều chứng bệnh, nhất là tiểu đường type 2, cũng được Viện hàn lâm khoa học Washington thừa nhận có liên quan đến chất da cam. Bà Nga cũng bị một chứng bệnh dưới da, hiếm thấy ở Pháp, nhưng rất phổ biến ở Việt Nam và những quốc gia có nạn nhân chất da cam. Bà còn bị một chứng bệnh làm thay đổi thành phần của máu và bà đã truyền bệnh này cho hai người con gái, một người đang sống ở Mỹ, người kia sống ở Úc, nay đã trở về Việt Nam.
 
Một điểm cần phải nhấn mạnh, đó là 99% binh lính Mỹ ( tham chiến ở Việt Nam ) là nam giới, mà nam giới thì không sinh nở, trong khi trong quân đội Việt Nam có khá nhiều phụ nữ và trong số các nạn nhân thường dân của chất da cũng có nhiều phụ nữ. Những người đó đã sinh con, mà theo các chuyên gia độc chất học, khi sinh đứa con đầu tiên, người phụ nữ thải ra 60% chất dioxine trong cơ thể. Nếu sinh đứa thứ hai, như trường hợp của bà Trần Tố Nga, thì người mẹ thải ra 80% lượng dioxine còn lại và sinh đứa thứ ba thì tiếp tục thải ra 25% lượng dioxine còn lại sau hai lần sinh nở. Nói chung, bà Nga đúng là một nạn nhân có những chứng bệnh mà Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington thừa nhận là do chất da cam gây ra.”

Theo lời ông André Bouny, Uỷ ban Ủng hộ các nạn nhân Việt Nam của chất da cam đã nhờ các chuyên gia về độc chất học giám định tình hình sức khỏe của bà Nga. Phía đối phương cũng sẽ yêu cầu giám định lại bởi những chuyên gia mà chắc chắn là có cái nhìn khác.  

Nhưng các công ty Mỹ bị kiện không dễ mà để bị áp đảo. Theo báo chí Việt Nam, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Trần Tố Nga cho biết là tại buổi làm việc ngày 15/10 năm ngoái ở Tòa đại hình Evry, các luật sư đại diện cho 26 công ty Mỹ từng tham gia sản xuất chất độc da cam, một lần nữa lại yêu cầu bà Trần Tố Nga phải đưa ra những giấy tờ xác nhận bà từng làm việc tại những khu vực bị rải chất độc da cam trong những năm chiến tranh chẳng hạn như Hợp đồng lao động, Giấy biên nhận trả lương hoặc những bằng chứng xác nhận mối liên hệ giữa chất khia quang và các căn bệnh mà bà đang mang trong mình. Đối với ông André Bouny, đó là cách để các công ty Mỹ cản trở hoặc làm chậm trễ vụ kiện:

« Họ đòi đủ thứ giấy tờ, kể cả những giấy tờ không hề có, để cố cản trở hoặc làm chậm trễ vụ kiện. Họ nắm rất rõ về những chứng bệnh liên quan đến chất da cam, thế mà vẫn yêu cầu chúng tôi dịch cho các luật sư Pháp của họ những báo cáo hai năm một lần của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington từ năm 1991 đến năm 2014, có nghĩa là dịch tổng cộng 4 ngàn trang, rất tốn kém. Họ làm đủ mọi cách để kéo dài thời gian, vì biết rằng tuổi của bà Nga ngày càng lớn, nếu bà qua đời thì phiên tòa chấm dứt.”

Nhưng khác với những phiên tòa ở Hoa Kỳ, phiên tòa lần này diễn ra tại Pháp, một nước thứ ba, không có liên hệ trực tiếp với hồ sơ chất da cam, nên ông hy vọng tòa sẽ không tỏ ra thiên vị:

« Ủy ban mà tôi thành lập có nhiều chuyên gia ở khắp năm châu, gồm các luật gia, các bác sĩ và chúng tôi nắm trong tay nhiều bằng chứng. Chúng tôi cũng thấy rằng trong các vụ kiện của các cựu chiến binh ở Mỹ, chính quyền và ngành tư pháp Hoa Kỳ đều cố dàn xếp một giải pháp ổn thỏa, nhằm không tạo ra một tiền lệ trở thành án lệ.
 
Trong chiều hướng đó, họ đã đạt được thỏa thuận đóng góp 180 triệu đôla cho một quỹ bồi thường cho các nạn nhân chất da cam. Nhưng tiền bồi thường này đã nhanh chóng cạn kiệt, vì nó cũng giống như tiền pourboire, chứ không đáp ứng nhu cầu thật sự. Cũng đã có những vụ kiện khác. Cho nên, các công ty hóa chất Mỹ nắm rất rành những lập luận để tranh cãi và họ sẽ dùng những lập luận đó trong vụ kiện của bà Trần Tố Nga.
 
Cho dù các chứng bệnh đã được thừa nhận là do chất da cam gây ra, nhưng họ vẫn đòi chúng tôi đưa ra bằng chứng, vì họ cho rằng, những bằng chứng đối với các cựu chiến binh Mỹ không thể được sử dụng đối với người Việt Nam, làm như thể là người Việt Nam không phải là con người! Họ sẽ sử dụng cùng những lập luận đó, nhưng chỉ có cái khác là lần này phiên tòa diễn ra ở một nước thứ ba, một quốc gia không có liên can trực tiếp đến hồ sơ chất da cam, trong khi các vụ kiện khác diễn ra hoặc là ở Hoa Kỳ hoặc là tại những nước từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, như Hàn Quốc.
 
Vì Pháp là nước độc lập với hồ sơ chất da cam, cho nên trên nguyên tắc họ sẽ xét xử không thiên vị và chúng tôi hy vọng sẽ mang lại công lý. “ Phiên tòa sẽ tiếp diễn, chưa biết là sẽ kéo dài bao bâu. Nhưng dù kết quả như thế nào, thì sẽ có kháng cáo. Nếu thua kiện, chắc chắc là các công ty hóa chất sẽ kháng cáo. Còn nếu bà Nga thua kiện bà cũng sẽ kháng cáo, nếu bà còn sống đến lúc đó. Vấn đề là bà Nga nay đã 75 tuổi và đang bệnh nặng. Bà Nga vẫn nói đó là trận chiến cuối cùng của bà và bà quyết tâm giành chiến thắng trong trận chiến này. Ở tuổi này, bà tiến hành vụ kiện không phải để kiếm tiền, để trở thành giàu có, mà là kiện cho toàn bộ các nạn nhân của chất da cam, với hy vọng các nạn nhân khác cũng tự họ mở ra những cánh cửa khác.


Chúng tôi tiến hành vụ kiện không phải là để lên án công ty này hay công ty kia, mà chỉ muốn là công lý được thi hành đối với những nạn nhân chất da cam. Nếu một quốc gia ra phán quyết rằng các công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm, sẽ không ai có thể chống lại, cản trở hoặc ngăn cấm việc thực hiện phán quyết này.”
 


 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.