Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Nhạc sư Vĩnh Bảo: « Nhạc » và « lời » phải « tri âm, tri kỷ »

Đăng ngày:

Là nghệ sĩ chơi đàn Tranh lỗi lạc nhất tại Việt Nam hiện nay, với kỹ thuật điêu luyện độc đáo, nhạc sư Vĩnh Bảo được xem như là ông « tổ sống » cuối cùng của bộ môn đờn ca - tài tử Nam Bộ hiện nay. Ông cũng đã được Nhà nước Pháp tặng thưởng Huân chương Văn học Nghệ thuật.

Nhạc sư Vĩnh Bảo và Lê Hồng Phước trong buổi ra mắt Hồi ký Nguyễn Vĩnh Bảo tại Đại học Hoa Sen TP.HCM ngày 27/1/2016.
Nhạc sư Vĩnh Bảo và Lê Hồng Phước trong buổi ra mắt Hồi ký Nguyễn Vĩnh Bảo tại Đại học Hoa Sen TP.HCM ngày 27/1/2016. Lê Hồng Phước
Quảng cáo

Năm nay đã 98 tuổi, với trên 90 năm cầm đờn, nhạc sư là người có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật truyền thống, giới thiệu nền âm nhạc dân tộc đến với bạn bè trên thế giới, nhất là với bộ môn đờn ca tài tử. Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh năm 1918, tại làng Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, là con út trong một gia đình nho học có đến 7 anh chị em. Cha ông là người rất yêu thích đờn ca tài tử, nhưng lại cấm các con vì sợ sao nhãng chuyện học hành.

Dưới sự che chở của mẫu thân, nhạc sư Vĩnh Bảo bắt đầu học đờn từ khi được 5 tuổi. Lên 10 tuổi, ông đã biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Năm 20 tuổi, nhạc sư đã đi trình tấu cho hãng đĩa Beka (78 vòng). Không chỉ hài lòng với tư cách một nhạc sĩ, ông còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Trường Âm nhạc Quốc gia và Kịch nghệ Sài Gòn (1955 -1964), giáo sư thỉnh giảng môn Lịch sử Âm nhạc Việt Nam tại đại học Southern Illinois, Hoa Kỳ (1970 - 1972).

Cùng với cố Giáo sư Trần Văn Khuê, nhạc sư còn là người có những đóng góp to lớn trong việc quảng bá âm nhạc truyền thống đến nhiều nơi trên thế giới. Tham gia Đại nhạc hội Âm nhạc Truyền thống Quốc tế tại Singapore (1963), đến nói chuyện về tại Phòng Nghiên cứu Âm học của Trường Thực hành Cao học theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc Đông Phương của cố Giáo sư Trần Văn Khuê (1972). Nhạc sư còn cùng với GS. Trần Văn Khuê hòa tấu nhạc cổ truyền miền Nam để thu thanh hai dĩa nhựa (làm tài liệu sưu tập cho UNESCO) và dĩa thứ ba cho bộ sưu tập OCORA.

Không chỉ thế, ông còn được biết đến như là một nghệ nhân đóng đàn tuyệt kỹ. Chính nhạc sư là người đã cải tiến cây đàn tranh 16 dây, lên thành 17, 19 rồi 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn. Trước những công lao to lớn của ông trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống, năm 2009, nhạc sư đã được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương vì Nghệ thuật và Văn học, một vinh dự cao quý không chỉ cho riêng nhạc sư mà còn cho cả bộ môn đờn ca Tài tử Nam Bộ.

Nay dẫu tuổi cao sức yếu, tuy không thể đi xa hơn để truyền bá kiến thức và ngón nghề cho thế hệ sau này, nhưng nhờ vào sự phát triển mạnh của Internet, mỗi ngày nhạc sư vẫn cần mẫn lên mạng dạy đàn Tranh cho các học trò ở phương xa, đôi khi cách Việt Nam đến hơn nửa vòng Trái đất.

Nói về kỹ thuật chơi đàn điêu luyện của nhạc sư, nhà bình luận cải lương - Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Phó trưởng khoa Ngữ văn Pháp tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn tại Sài Gòn, trong một buổi phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ đài RFI tại Paris có cho rằng sở dĩ ngón đàn của nhạc sư có thể "hút hồn" người thưởng thức đó chính là nhờ vào cái tài « ứng tấu » của người nhạc sĩ. Có thể nói, vừa là nhạc sư đa tài, một giáo sư xuất sắc, một nghệ sĩ đàn Tranh điêu luyện và một nhà nghiên cứu thâm uyên, Nguyễn Vĩnh Bảo cũng là một trường hợp đặc biệt duy nhất tại Việt Nam.

09:35

TS. Lê Hồng Phước, tại Sài Gòn:

RFI: Thân chào Tiến sĩ Lê Hồng Phước, với tư cách là nhà bình luận tài tử-cải lương, anh nghĩ thế nào về tiếng đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo?

TS. Lê Hồng Phước: Nhạc sư Vĩnh Bảo đã đờn trên 90 năm, tức là đã đồng hành với những bước thăng trầm của nhạc tài tử-cải lương Nam Bộ hơn 90 năm trong lịch sử trên dưới 100 năm của loại hình nghệ thuật này ở mãnh đất phương nam mà tổ tiên đã khai hoang lập ấp hơn 300 năm nay. Nói như vậy để thấy rằng, Nhạc sư Vĩnh Bảo thuộc hàng « Tổ » của nhạc tài tử-cải lương Nam Bộ. Và nếu nói riêng về nhạc tài tử miền Nam, thì Nhạc sư Vĩnh Bảo là « Vị tổ sống cuối cùng ».

Với một bậc đại tôn sư như thế, với một tiếng đờn ngót trăm năm như thế, thì rõ ràng một kẻ hậu bối như tôi không dám và cũng không đủ tầm để nhận xét. Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ dám nói lên điều mà tôi cảm nhận được trong tiếng đờn của Nhạc sư Vĩnh Bảo.

Tôi xin phân biệt hai kiểu đờn: đờn đúng bài bản và đờn có hồn. Đờn đúng bài bản tức là đúng bài nhạc đã được quy định, tròn vành rõ chữ nhạc, biết luyến lái trau chuốt cho tiếng đờn mượt mà quyến rũ, tức là đạt được yêu cầu về mặt kỹ thuật. Có khá nhiều nhạc sỹ cổ nhạc đờn theo kiểu này. Thế nhưng, có không nhiều nhạc sỹ cổ nhạc vừa đạt được tiêu chí kỹ thuật đồng thời đưa được cái hồn của mình vào trong tiếng nhạc. Kiểu đờn mà người ta thường gọi là « đờn có hồn ».

Nói như vậy thì tức là cũng có nhạc sỹ cổ nhạc thuộc bậc thầy đờn rất có hồn. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng đờn nào có hồn một cách rõ nét và đạt được trình độ có hồn như tiếng đờn của Nhạc sư Vĩnh Bảo. 

RFI: Anh có thể giải thích vì sao tiếng đàn của nhạc sư lại đạt mức có hồn như vậy ?

TS.Lê Hồng Phước: Thường nghe Nhạc sư nói rằng, tâm hồn ông luôn vui tươi bay bổng. Vì sao vậy, bởi cuộc đời mà ai chẳng có chuyện buồn phiền? Thế nhưng, Nhạc sư cho biết, ông đã gửi hết tâm tư, tầm tình của cuộc đời vào trong tiếng đờn. Khi ông đờn, ông đạt cảnh giới rất gần với thiền, sống hết mình với tiếng đờn. Tức là, ông đã gửi trọn tâm hồn vào trong tiếng đờn, đưa cuộc đời vào trong tiếng đờn, bởi vậy mà tiếng đờn của ông là những nét bổng trầm của cuộc đời, tức chính là cuộc đời vậy. Bởi vậy mà tiếng đờn của ông dễ hút hồn người khác.

Mỗi cái nhấn phím, mỗi tiếng đờn như chạm sâu vào tận cùng sâu thẩm của tâm hồn. Nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân mỗi lần nghe Nhạc sư Vĩnh bảo đờn đều phải thốt lên: « Mỗi cái nhấn phím làm nhói tim người nghe. Thầy không phải đang nhấn phím đàn, mà là đang nhấn vào tim người nghe vậy ».

Cách sắp chữ đờn của ông rất sang trọng. Cách rao đờn thuộc hàng độc nhất vô nhị. Nhạc sư rao Nam Xuân đạt cảnh giới thiền học, nghe như tiếng mây trôi nước chảy, như ta đang pha trà bên bờ suối xanh trong và rồi trong tiếng nước suối chảy róc rách ta thưởng trà mà ngắm trăng soi mặt nước. Nhạc sư mà rao Nam Ai thì tựa hồ tâm hồn tan nát, cảm nhận được cái cảnh tử biệt sanh li, nghe đau thương không tả xiết.

RFI: Anh có thể phân tích rõ về Triết lý đờn của Nhạc sư Vĩnh Bảo?

TS.Lê Hồng Phước: Tôi cũng cảm nhận được triết lý đờn của Nhạc sư, và từ đó tôi cũng ngộ ra được nhiều triết lý khác trong nhạc tài tử-cải lương Nam Bộ, những điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới, hoặc không có khả năng nghĩ tới được.

Có thể nói rằng, Nhạc sư Vĩnh Bảo là một nhạc sỹ đúng nghĩa với đầy đủ ý nghĩa của từ nhạc sỹ. Tức là, ông sống hết mình với tiếng đờn, đặt tiếng đờn lên trên hết, không để cho nó bị những cám dõ của cuộc đời pha tạp vào. Tôi thường hỏi ông rằng sao ông đờn mùi đến thế, thì ông bảo là khi ông thích thì ông đờn rất mùi và rất hay. Gặp đúng người tri kỉ, không cần tiền bạc, không cần lợi ích, tự nhiên tiếng đờn của Nhạc sư trở nên xuất thần.

Còn khi ông cảm thấy không thích thì ông từ chối không đờn, hay như kiểu là cầm đờn đứng dậy đi về không đờn nữa mà nếu ai có hỏi thì sẽ trả lời rằng « hết hứng rồi ». Cái kiểu đờn « theo hứng » này nói thì dễ mà làm thì rất khó trong cuộc sống danh lợi bon chen này. Bởi vậy mà tiếng đờn của Nhạc sư Vĩnh Bảo nghe rất thanh tao, rất nhẹ nhàng mà vô cùng sâu lắng theo kiểu: « Cư trần lạc đạo » (Sống giữa cuộc đời này là để vui theo cái đạo mà mình đã chọn).

Mỗi lần đờn ca với Nhạc sư, tôi thấy khi nghệ sỹ này ca vừa dứt và đến phần nghệ sỹ khác ca thì Nhạc sư thay đờn. Hay như cùng một giọng ca nhưng khi ca những làn điệu khác nhau thì Nhạc sư cũng thay đờn. Tôi bèn hỏi ông, thì mới được biết rằng, tùy vào giọng ca và tuy vào bài bản ca mà ông sử dụng loại đàn phù hợp. Tức là trước một giọng ca, Nhạc sư lắng nghe và cảm nhận được loại đàn nào phù hợp nhất để phát huy hết cái hay của giọng ca đó mà ông chọn đàn.

Tôi cũng ngộ được triết lý « thưởng thức tiếng ca » của Nhạc sư Vĩnh Bảo. Thông thường người nhạc sỹ đờn cho đúng dây, đúng bài bản và hỗ trợ cho người ca đúng nhịp là được rồi. Thế nhưng, đối với Nhạc sư thì để đờn cho có hồn, người đờn phải biết thưởng thức tiếng ca của người đang ca. Tức là phải cảm nhận được lời ca, phải cảm nhận được giọng ca để rồi hòa hồn với lời ca và giọng ca đó. Nói như vậy thì khi đờn ca, tiếng đờn và tiếng ca phải hòa hồn vào nhau để trở thành tri âm tri kỉ, để nương nhau mà thể hiện trọn vẹn cái hồn của bài ca. Tôi cho rằng, cái triết lý « thưởng thức tiếng ca » khi đờn là vô cùng độc đáo mà các nhạc sỹ cổ nhạc cần suy ngẫm và học tập.

Một điều nữa mà tôi ngộ được liên quan đến sự cân đối giữa lời ca và tiếng đàn trong một bài ca tài tử-cải lương. Hồi đêm 16/9 vừa qua, Sài Gòn mưa tầm tả sáng đêm. Khoảng 8 giờ tối tôi nghe tin tần trệt nhà Nhạc sư bị ngập nước và vị nhạc sư 98 tuổi phải leo lên gác ngủ sớm tránh lụt. Tôi nghe mà thương quá, nên tới 2 giờ khuya tôi không ngủ được, tôi bèn ngồi dậy lấy máy tính ra vừa nghe tiếng mưa vừa viết một bài vọng cổ để tặng Nhạc sư. Bài vọng cổ mang tên « Khúc nhạc đêm mưa ».

Tôi và nghệ sỹ Hà Mỹ Xuân sau đó đã thu đĩa bằng cách ca theo lối xưa bài hát này tặng Nhạc sư Vĩnh Bảo. Sau khi nghe xong, Nhạc sư có khen rằng cách bố trí lời trong bài ca rất hay ở chỗ là lời ca sâu sắc và súc tích chừa những khoảng cần thiết không có lời ca để cho người nghe thưởng thức được tiếng đờn. Tôi chợt ngộ ra rằng, đúng là cần phải để cho người nghe thưởng thức đan xen tiếng ca và tiếng đờn như vậy mới đúng chất « đờn ca », và cũng tránh để cho người ca phải ca liên tục với quá nhiều lời văn khiến cho người nghe không kịp cảm nhận, không kịp “tiêu thụ” và cũng sẽ dễ có cảm giác “ngán” giọng ca.

Nếu có thể, tôi xin được nói ngắn gọn về tiếng đờn và cách đờn của Nhạc sư Vĩnh Bảo như sau: - Đó là một tiếng đờn có hồn đến mức hồn và nhạc không còn phân biệt được nữa:

Nhạc quyện vào hồn, hồn hóa nhạc
Hồn hòa tiếng nhạc, nhạc thành hồn…

- Đó là một tiếng đờn « rất cuộc đời », tiếng đờn đó là tiếng đời của gần trọn một thế kỉ mà ông đã trải qua:

Ấp ủ tâm tư ngót trăm năm
Nhấn phím nhói tim nỗi thăng trầm
So dây sắp chữ nương hồn nhạc
Tấu khúc tình đời, một chữ Tâm

RFI: Được biết giữa nhạc sư và cố Giáo sư Trần Văn Khê, có một mối thâm giao sâu nặng. Không biết có thể xem mối quan hệ đó như là đôi bạn tri âm, tri kỷ?

TS. Lê Hồng Phước: Đó là mối thâm giao đã hơn nửa thế kỷ, một tình bạn tri âm tri kỷ. Tình bạn đó dường như đã trở thành huyền thoại giữa đời thường, nhất là trong thời gian giáo sư Trần Văn Khê nhập viện và trong đám tang của giáo sư Khê.

Khi giáo sư Khê còn nằm trong phòng hồi sức, tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, Sài Gòn, lúc hồi tỉnh, trong khoảnh khắc sinh tử đó, giáo sư Trần Văn Khê bảo là muốn nghe tiếng đàn của Vĩnh Bảo. Người túc trực bên giường bệnh giáo sư Khê, tên là Hồ Nhựt Quang, đã gọi gấp cho nhạc sư Vĩnh Bảo.

Khi hay tin, nhạc sư đã lấy đàn và dạo bản Nam Xuân, rồi gởi gấp vào bệnh viện cho giáo sư Trần Văn Khê nghe. Trong đám tang của giáo sư Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo đã bất ngờ xuất hiện và đàn một bản đưa tiễn bạn. Một hình ảnh vô cùng xúc động. Tình bạn này, chúng ta có thể xem như là một câu chuyện Bá Nha-Tử Kỳ thời hiện đại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.