Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Sau Đại hội Đảng, Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh cải tổ

Đăng ngày:

Cho dù ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản là những ai, Việt Nam sẽ buộc phải thi hành những cải tổ sâu rộng, đặc biệt là về mặt kinh tế, trong bối cảnh hội nhập ngày càng nhiều vào nền kinh tế thế giới.

Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam viếng Lăng Hồ Chí Minh ngày 20/01/2016 trước khi dự Đại hội 12.
Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam viếng Lăng Hồ Chí Minh ngày 20/01/2016 trước khi dự Đại hội 12. REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Quảng cáo

Vào những ngày trước khi và trong khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12, đã có nhiều lời đồn đoán và thông tin trái ngược nhau về thành phần nhân sự lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đấu đá nội bộ đã thu hút nhiều chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế, khiến ít ai quan tâm đến đường lối kinh tế của Việt Nam sau Đại hội Đảng, trong khi đường lối này tùy thuộc phần lớn vào những nhân vật sẽ lên lãnh đạo Đảng Cộng sản trong 5 năm tới.

Theo cái nhìn của nhiều chuyên gia quốc tế, ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà dường như ít có cơ may giành được chiếc ghế tổng bí thư lần này, là một nhân vật chủ trương cải tổ và sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình tự do hóa kinh tế, cũng như tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Hoa Kỳ, nếu ông lên lãnh đạo Đảng .

Về phần ông Nguyễn Phú Trọng, được cho là rất có khả năng sẽ tiếp tục nắm chiếc ghế tổng bí thư, thì có thể sẽ tiến hành cải tổ một cách thận trọng hơn, tiếp tục đi theo mô hình kinh tế mà khu vực Nhà nước nắm vai trò chủ đạo, khiến cho Việt Nam rất khó mà cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Trọng cũng sẽ thận trọng hơn trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ.

Tuy vậy, đa số các chuyên gia đều cho rằng ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam dù là ai đi nữa thì cũng sẽ ủng hộ chính sách thương mại và cải tổ như hiện nay.

Đại hội Đảng thứ 12 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ ngày 01/01/2016, với hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu và đặc biệt là với hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ khởi xướng.

Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ 14 vào ngày 13/01/2016, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết là . hội nghị 14 đã “thống nhất cao“ về chủ trương ký kết, phê duyệt hiệp định TPP, đồng thời đề ra mục tiêu là tiếp tục cùng các bên hoàn tất các thủ tục để chính thức ký kết hiệp định này vào tháng 02/2016 theo đúng dự kiến. Điều này cho thấy ít ra là về mặt chính thức, việc hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới không gặp cản trở từ nội bộ lãnh đạo Đảng. Hơn nữa, đa dạng hóa các đối tác kinh tế sẽ giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào láng giềng Trung Quốc.

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản sẽ lên nắm quyền vào lúc mà nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng mạnh trở lại, với tổng sản phẩm nội địa GDP được dự báo sẽ tăng gần 7% trong năm nay, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới hiện giờ. Theo các số liệu chính thức, năm ngoái, mức tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng đến 9,3%, còn đầu tư ngoại quốc được giải ngân tăng vọt 17,4% lên đến mức kỷ lục 14,5 tỷ đôla. Theo hãng tin Bloomberg, trong một báo cáo đưa ra trong tháng này, các kinh tế gia của tập đoàn Australia & New Zealand Banking Group dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016.

Nhưng các nhà đầu tư vẫn còn quan ngại về tác động của tình hình sụt giảm của kinh tế thế giới lên nền kinh tế Việt Nam, mà cho tới nay vẫn dựa nhiều vào xuất khẩu. Ấy là chưa kể áp lực về tiền tệ lên Việt Nam nếu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ. Tuy vậy, so với những lần khủng hoảng toàn cầu trước, khả năng kháng cự của kinh tế Việt Nam nay được xem là khá hơn nhiều nước khác có trình độ phát triển tương tự.

Cùng với việc bầu chọn ban lãnh đạo mới của Đảng, Đại hội lần thứ 12 sẽ đề ra chính sách phát triển kinh tế cho 5 năm tới. Bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho thời kỳ 2016 và 2020 đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng bình quân 7%. Văn bản này cũng cho thấy chính phủ muốn nâng thu nhập bình quân tính theo đầu người từ 3.200 đôla/năm lê, 3.500 đôla vào năm 2020, so với mức 2.171 đôla năm 2015 theo thẩm định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Dự thảo kế hoạch nói trên cũng đề ra mục tiêu kềm giữ lạm phát dưới mức 5% và thâm thủng ngân sách dưới mức 4% GDP.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg News, Đảng Cộng sản Việt Nam nay phải đề ra một lộ trình phát triển mới, nhưng phải tránh lập lại những sai lầm trước đây, như đã để cho tín dụng tăng quá nhanh dẫn đến hậu quả là các ngân hàng đầy nợ xấu và quá ưu đãi các doanh nghiệp Nhà nước khiến các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động thiếu hiệu quả.

Còn theo nhận định của chuyên gia William A Stops, thuộc công ty Dragon Capital, trên trang mạng FTSE Global Markets của Anh quốc ngày 19/01/2016, Việt Nam nay không thể tiếp tục chỉ dựa trên xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng, mà bên cạnh đó phải kích thích tiêu thụ nội địa và tiếp tục cải thiện năng suất lao động.

Về phần các chuyên gia trong nước thì có suy nghĩ như thế nào về đường lối kinh tế của Việt Nam sau Đại hội Đảng, trước hết mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội và chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn. 

Tiến sĩ  Lê Đăng Doanh: " Phải nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam"

05:24

Chuyên gia Lê Đăng Doanh

 

 

 

 

 

 

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn: " Con đường hội nhập kinh tế thế giới là không thể đảo ngược".

05:38

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.