Vào nội dung chính
ĐẢNG CỘNG SẢN - VIỆT NAM

Đại hội Đảng 12 : thủ tướng Dũng được đề nghị tái cử

Báo chí trong nước hôm nay, 24/01/2016, đồng loạt đưa tin : Ông Nguyễn Tấn Dũng được đề nghị tái cử bổ sung vào Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Việc ông Dũng được đề cử vào Ban Chấp Hành khóa mới dấy lên hy vọng đối với không ít người : thủ tướng mãn nhiệm có thể sẽ trở thành tổng bí thư nhiệm kỳ tới, cho dù khả năng này được xem là vô cùng nhỏ.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Đọc thêm : Đại hội Đảng 12 : Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn cơ may, dù rất nhỏ

Trong phiên thảo luận tại các đoàn đại biểu, ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong số 62 người được đề cử, ngoài danh sách 199 người (ứng cử vào chức vụ ủy viên chính thức) do Ban Chấp Hành cũ đề nghị. Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, phó ban Tuyên Giáo Trung ương, một nửa trong số những người mới được đề cử là các ủy viên Ban Chấp Hành cũ, trong đó có ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, hay ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội.

Theo nhận định của Reuters, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được nhiều người nhìn nhận như là "một nhà lãnh đạo cải cách", người ủng hộ một xã hội Việt Nam cởi mở, phát triển, thân phương Tây, cho dù cũng không ít người nhìn nhận ông Dũng phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trước tình trạng Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc và khủng hoảng chính trị, xã hội trầm trọng hiện nay.

Cho đến trước hai kỳ hội nghị cuối cùng của đảng Cộng sản Việt Nam, cuối 2015, đầu 2016, rất nhiều chuyên gia cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 66 tuổi, là người ở thế thượng phong trong cuộc chạy đua vào chức vụ tổng bí thư, vị trí cao nhất trong đảng Cộng sản. Tuy nhiên, Hội Nghị Trung Ương 14 đã xác định ứng cử viên duy nhất là Nguyễn Phú Trọng, 71 tuổi. Ông Dũng xem như bị loại.

Trong bối cảnh thông tin về các hoạt động bầu cử, ứng cử trong nội bộ đảng trong giai đoạn tiền Đại hội được xem là hoàn toàn bí mật, có rất nhiều đồn đoán cho rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị phe ủng hộ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm mọi cách triệt hạ, đặc biệt thông qua quyết định 244 về bầu cử trong đảng. Một quyết định bị khá nhiều người lên án là phản dân chủ.

Đối với nhiều người, việc ông Nguyễn Tấn Dũng vừa được tái đề cử vào Ban Chấp Hành mới làm sống lại hy vọng là ông sẽ còn có cơ hội được bầu vào vị trí người đứng đầu của Đảng khóa tới, cho dù các quy định hiện hành đang mang lại lợi thế tuyệt đối cho ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, ứng cử viên chính thức của Ban Chấp Hành khóa trước.

Trước mặt ông Dũng và những người ủng hộ sẽ còn nhiều cửa ải để vượt qua. Trước hết là cuộc bỏ phiếu ngày mai. Theo quy định, ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như những ủy viên Ban Chấp Hành cũ – không nằm trong danh sách tái cử - sẽ buộc phải « xin rút ». Việc « xin rút » sẽ phải được Đại hội cho ý kiến.

Một khi qua được vòng này (tức Đại hội « không cho rút »), những ứng cử viên – có thể gọi là « bất đắc dĩ », như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - còn phải trải qua một vòng bầu cử sơ bộ để chọn ra các ứng cử viên vào Ban Chấp Hành. Mục đích của vòng này là để chọn ra một danh sách các « ứng cử viên chính thức », với số lượng không vượt quá 30% số 180 ủy viên Ban Chấp Hành mới.

Trong khi chờ đợi kết quả bỏ phiếu ngày mai, một số thành viên ban lãnh đạo đảng, một mặt kêu gọi các đại biểu «dồn phiếu » cho tổng bí thư Trọng, mặt khác gián tiếp hướng đại biểu không bỏ phiếu cho các ứng viên không được Ban Chấp Hành cũ giới thiệu.

Dù có sự thiên vị rõ ràng đối với ứng cử viên chính thức, có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, thành phần ban lãnh đạo khóa mới đã không dễ dàng được sắp đặt theo sự chỉ đạo của ban lãnh đạo cũ như trước. Theo chuyên gia về chính trị Việt Nam Edmund Malesky, đại học Duke, Hoa Kỳ (được Reuters dẫn lời), « Đại hội (XII của đảng Cộng sản Việt Nam) đã không được lên kịch bản ngay từ đầu, và đầu mối của bất luận giải pháp nào cũng là một Ban Chấp Hành Trung Ương "mạnh hơn rất nhiều" so với tổ chức tương tự ở các quốc gia cộng sản ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.