Vào nội dung chính
VIỆT NAM- ĐẠI HỘI ĐẢNG 12

Việt Nam thay đổi lãnh đạo nhưng không thay đổi chính sách kinh tế

Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội lần thứ  để bầu ra ban lãnh đạo mới. Chính sách kinh tế của Việt Nam nhưng năm tới sẽ ra sao ? Theo phân tích của giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, thủ tướng sắp tới của Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi con đường đã được người tiền tiền nhiệm đưa ra.

Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015.
Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Việt Nam thay đổi ban lãnh đạo, kinh tế Việt Nam có thay đổi gì hay không ? Tại Trung Quốc, một quốc gia cộng sản khác, giới phân tích cho rằng, ngày nào mà quyền lực còn trong tay đảng Cộng Sản thì việc thay đổi nhân sự không quá quan trọng. Nhận xét đó có phù hợp với trường hợp của Việt Nam hay không ?

Carlyle Thayer : Toàn cảnh kinh tế Việt Nam đã được phác họa ra trong bản dự thảo Báo Cáo Về Xã Hội và Kinh Tế cho giai đoạn 2016-2020. Tài liệu này đã được công bố để người dân thảo luận, cho ý kiến hồi năm ngoái. Văn bản sửa đổi sẽ được trình lên Đại hội Đảng lần thứ 12.

Bản dự thảo nêu ra các mục tiêu chính như duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt nợ công hiện ở mức cao, thúc đẩy tăng trưởng ở mức 7 % và chủ động hội nhập quốc tế. Hội nghị Trung ương 14 vừa họp gần đây đã nhất trí thông qua Hiệp định TPP và coi đây là một trong những ưu tiên của Việt Nam.

Tại Việt Nam, thủ tướng và chính phủ hoạch định chính sách kinh tế, chứ không phải tổng bí thư Đảng. Sắp tới đây, đương kim thủ tướng sẽ về hưu và người lên thay sẽ là một trong những phó thủ tướng hiện nay, ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc không có được sự năng động như người tiền nhiệm nhưng ông sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế hiện nay.

So sánh trường hợp của Việt Nam với Trung Quốc là không thích hợp. Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình vừa là chủ tịch nước, vừa là tổng bí thư Đảng. Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng ở một vị trí thấp hơn. Còn tại Việt Nam, chủ tịch nước, tổng bí thư và thủ tướng là ba chức vụ khác nhau với những vai trò khác nhau. Trên thực tế, khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn, thủ tướng và nội các do ông dẫn đầu có rất nhiều quyền lực.

Trong số những nhân vật có thể lên lãnh đạo Việt Nam, ông có thấy một số nhân vật nào có khuynh hướng cải tổ hay có quyết tâm mở cửa Việt Nam thêm nữa để thu hút đầu tư ?

Carlyle Thayer : Tại Hà Nội, có nhiều tin đồn cho rằng, Hội nghị Trung Ương 14 vừa qua đã quyết định giữ lại đương kim tổng bí thư thêm một nửa nhiệm kỳ nữa cho tới khi nào tìm được người kế nhiệm. Nói cách khác, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã không tìm được đồng thuận. Có tin đồn là người ta muốn ngăn chận ý đồ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn chiếc ghế tổng bí thư. Điều này chưa từng xảy ra. Không có một vị lãnh đạo nào, đã ngoài 65 tuổi và liên tục làm thủ tướng trong hai nhiệm kỳ, lại có tham vọng giữ một chức vụ lãnh đạo tối cao trong Đảng thay vì về hưu.

Tôi cho rằng tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam đều chủ trương đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây cũng là chính sách mà Việt Nam đã thực hiện từ hơn một thập niên qua. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài. Và gần như là hầu hết tất cả mọi người đều đồng ý về việc Việt Nam cần giảm bớt mức độ lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Việt Nam luôn bị nhập siêu so với Trung Quốc.

(…)

Cải tổ kinh tế luôn nằm trong lịch trình nghị sự của Việt Nam, nhưng nhịp độ và khuôn khổ các biện pháp cải tổ đó thì luôn là chủ đề gây tranh cãi. Nhìn chung, chính sách kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ là một sự tiếp nối so với những gì chính phủ hiện tại đang làm, chứ không thay đổi. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hội nhập quốc tế để trở thành một quốc gia công nghiệp, hiện đại và có mức thu nhập trung bình vào năm 2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.