Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - VIỆT NAM

Hạm đội tầu ngầm của Việt Nam sẽ tác động ra sao đối với tình hình Biển Đông ?

Có một số thông tin cho rằng các tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua của Nga đã bước vào hoạt động, đi tuần tra ở Biển Đông. Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc học việc Quốc phòng Úc, trả lời hai câu hỏi : khi nào lữ đoàn tàu ngầm của Việt Nam đi vào hoạt động và loại vũ khí này tác động ra sao đến tương quan lực lượng hải quân ở Biển Đông ?

Một tàu ngầm lớp Oscar do Nga sản xuất.
Một tàu ngầm lớp Oscar do Nga sản xuất. wikipedia
Quảng cáo

Việt Nam có kế hoạch triển khai một lữ đoàn tầu ngầm vào năm 2017. Tàu ngầm lớp Varshavyanka được thiết kế cho các cuộc chiến chống tàu ngầm, chống tàu buôn và các loại chiến hạm khác, để tuần tra và dọ thám, để bảo vệ các căn cứ hải quân và vùng duyên hải. Loại tầu ngầm này có khả năng hoạt động ở những vùng nước tương đối nông.

Giờ đây, việc nhận định liệu Việt Nam có khả năng hay không để khai thác được các tàu ngầm này và tạo ra được một lực lượng ngăn chặn khả tín đang ngày càng được làm rõ, với những thông tin của giới quan sát ngoại giao, theo đó, các tàu ngầm của Việt Nam đang tiến hành tuần tra dọc bờ biển Việt Nam. Các thông tin trên báo chí gần đây cũng cho thấy là đội tầu ngầm Việt Nam đã bắt đầu đi vào hoạt động mà không cần các cố vấn Nga. . Hơn nữa, thủy thủ đoàn Việt Nam hiện đang được huấn luyện tại Trung tâm tầu ngầm INS Satavahana của Ấn Độ về chủ thuyết và chiến thuật chiến tranh tầu ngầm.

Đến năm 2017, khi cả 6 tàu ngầm đi vào hoạt động, lực lượng này sẽ làm tăng đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc phát triển chiến thuật ngăn chặn tiếp cận/chống xâm nhập chống lại bất kỳ nước nào tìm cách xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam với ý đồ thù địch. Hơn nữa, tầu ngầm lớp Varshavyanka sẽ làm tăng thêm khả năng tấn công mạnh với các loại tên lửa hành trình hải đối hải và hải đối địa.

Hạm đội tàu ngầm mới này sẽ đóng tại vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc cho thường trú phi đội chiến đấu cơ chống tàu ngầm trên Đá Chữ Thập, nơi Bắc Kinh đã xây một phi đạo dài 3 km, thì khả năng triển khai âm thầm đội tàu ngầm này sẽ gặp khó khăn.

Nếu nhìn vào việc trang bị vũ khí hiện nay và trong tương lai của Việt Nam , thì rõ ràng là nước này đã có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển mạnh mẽ khả năng chống lại sự can thiệp bằng đường biển của một cường quốc thù địch. Khả năng kháng cự này được thể hiện qua việc phát triển chiến lược chống can thiệp, bao gồm hệ thống pháo và tên lửa đặt trên đất liền ; chiến đấu cơ Su-30 đa năng, máy bay tấn công nhanh; tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ có trang bị tên lửa chống tàu chiến; và tàu ngầm lớp Varshavyanka.

Hệ thống vũ khí này có thể giúp Việt Nam bắt Trung Quốc phải trả giá đắt khi tiến hành các hoạt động tác chiến hải quân trong vùng biển 200 - 300 hải lý dọc theo bờ biển Việt Nam, từ biên giới hai nước ở phía đông bắc đến gần với Đà Nẵng, miền trung Việt Nam nếu không nói xa hơn là phía nam.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng có khả năng tấn công căn cứ hải quân quan trọng của Trung Quốc gần Tam Á (Sanya) trên đảo Hải Nam và các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm Woody Island), Hoàng Sa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.