Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Việt Nam 2015: Tăng trưởng 6,68%, mức cao nhất từ 5 năm qua

Theo AFP ngày 26/12/2015, Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015, vượt chỉ tiêu đề ra và là tỉ lệ cao nhất kể từ 5 năm qua nhờ xuất khẩu tăng mạnh, đầu tư nước ngoài kỷ lục và tiêu thụ nội địa ổn định.

Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015. Nhân viên siêu thị Fivimart xếp hàng lên giá ngày 26/12/2015.
Việt Nam đạt tỉ lệ tăng trưởng đến 6,68% trong năm 2015. Nhân viên siêu thị Fivimart xếp hàng lên giá ngày 26/12/2015. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Hãng tin Pháp dẫn lời ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 26/12 cho biết : « Tỉ lệ tăng trưởng này rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, trong bối cảnh giá dầu sụt giảm và thị trường tài chính quốc tế bất ổn ».

Năm ngoái, Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cao nhất Đông Nam Á là 5,98% so với năm 2013 là 5,42%. Tỉ lệ tăng trưởng năm nay cũng thuộc loại hàng đầu khu vực.

Nhiều nền kinh tế Châu Á đã bị chao đảo trong năm 2015, khi tăng trưởng của Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua. Trong khi những nước láng giềng như Thái Lan bị ảnh hưởng mạnh, Việt Nam đã chống đỡ được nhờ sự can thiệp của chính quyền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ giá đồng bạc ba lần trong năm nay để kích thích xuất khẩu, sau khi Bắc Kinh bất giờ phá giá đồng nhân dân tệ.

Theo AFP, việc giá dầu lửa bị sụt là một yếu tố tích cực cho Việt Nam vốn là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 8,1%, đạt mức 162 tỉ đô la. Đặc biệt đầu tư ngoại quốc ồ ạt đổ vào, tăng 17,4% so với năm ngoái, đạt mức kỷ lục

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với AFP, sản xuất công nghiệp tăng mạnh cũng đã tiếp sức cho nền kinh tế, cùng với « giá dầu thế giới rẻ hơn đã giúp giảm đáng kể giá nguyên vật liệu nhập khẩu ».

Hôm thứ Năm 24/12, Hà Nội loan báo tỉ lệ lạm phát của năm 2015 là 0,63%, thấp nhất kể từ 14 năm qua. Những thập kỷ trước đây, Việt Nam phải chịu đựng nạn lạm phát phi mã, cho đến tháng 8/2008 tỉ lệ lạm phát vẫn lên đến 28,3%.

Bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định : « Nhu cầu nội địa cao hơn, xuất khẩu tăng tiến mạnh, lạm phát thấp và lòng tin được cải thiện đã giúp Việt Nam tạo được các cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng trong trung hạn. Đối với nước này, đây là thời điểm tốt để củng cố ổn định vĩ mô, tấn công vào tình trạng mất cân bằng ngân sách và đấu tranh chống những yếu kém trong lãnh vực ngân hàng ».

Việt Nam nay là thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa mới thỏa thuận xong. Đây là hiệp định tự do mậu dịch lớn nhất thế giới giữa 12 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng không có Trung Quốc.

Theo nhận định của AFP, Việt Nam là nước nghèo nhất trong số 12 nước TPP, hiệp định này gần như là một cuộc đảo chính đối với các lãnh đạo cộng sản đang điều hành đất nước.

Vào tháng Giêng năm 2016, Việt Nam sẽ chọn ra ban lãnh đạo mới nhân Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 - sự kiện chính trị quan trọng diễn ra 5 năm một lần - và hoạch định kế hoạch kinh tế 5 năm tới.

Trong báo cáo hồi đầu tháng, Ngân hàng Thế giới nói rằng TPP có thể « giúp GDP của Việt Nam tăng đến 8% trong vòng 20 năm tới » nếu mọi việc diễn tiến tốt đẹp.

Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng tăng trưởng của Việt Nam dễ bị tổn thương vì nợ công cao, các tập đoàn quốc doanh hoạt động không hiệu quả và nạn tham nhũng hoành hành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.