Vào nội dung chính
QUAN HÊ VIỆT-MỸ

Tổng thống Mỹ thăm Đông Nam Á nhưng chưa tiện đến Việt Nam

Theo chương trình dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường qua Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/11/2015 trong một vòng công du sẽ tiếp tục đưa ông đến Philippines rồi Malaysia. Trong bối cảnh quan hệ Washington-Bắc Kinh có dấu hiệu căng thẳng, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông, chuyến thăm hai nước ASEAN đang có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc của ông Obama rất được chú ý, cũng như “sự kiện” ông không ghé Việt Nam lần này như một số quan sát viên từng dự đoán.

Tổng thống Mỹ trên chuyên cơ Air Force One. Ảnh tư liệu ngày 31/08/2015.
Tổng thống Mỹ trên chuyên cơ Air Force One. Ảnh tư liệu ngày 31/08/2015. REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G-20, sau đó ông sẽ đến Manila, thủ đô Philippines, dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, rồi qua Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia tham gia một loạt các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khối ASEAN, đặc biệt là hai hội nghị quan trọng là Thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit EAS) và Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

Phát biểu với báo chí ngày 12/11 vừa qua, bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai yếu tố trọng tâm trong chuyến công du lần này của ông Obamađến Philippines và Malaysia: Đó là hiệp định tự do mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương vừa được 12 nước trong APEC chấp thuận, và chính sách tái cân bằng qua Châu Á của Mỹ.

Những yếu tố này sẽ được Tổng thống Mỹ đề cập đến trong các cuộc họp chính thức, cũng như vô số các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các đồng minh và đối tác chủ chốt của Hoa Kỳ, từ Úc, Canada, Nhật Bản, cho đến Philippines, Singapore, và Malaysia, vốn rất quan tâm đến vai trò của Mỹ trong lãnh vực duy trì an ninh cho toàn vùng Thái Bình Dương. Để dự phóng cho tương lai, ông Obama cũng sẽ có cuộc họp song phương với Thủ tướng Lào, nước sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2016.

Một câu hỏi thường được đặt ra gần đây là vì sao Việt Nam hầu như vắng mặt trong chương trình vòng công du Đông Nam Á lần này của ông Obama, cho dù quan hệ hai bên đã được tăng cường đáng kể trong thời gian một năm gần đây.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia (Hoa Kỳ), hiện đang là Chuyên viên Khách mời Cao cấp (Visiting Senior Fellow) của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đã cho rằng Tổng thống Obama chắc chắn sẽ công du Việt Nam, nhưng chưa phải vào lúc này vì thời cơ chưa thuận tiện.

05:15

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

RFI: Kính chào Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng. Về quan hệ Mỹ Đông Nam Á, tại sao mới chỉ thấy Mỹ nói là Tổng thống Obama sẽ đi thăm Malaysia, Philippines trong năm nay, rồi Lào vào năm tới, mà không thấy đả động gì tới Việt Nam ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi phải giải thích theo hai điểm. Trước hết là ông Obama chưa hề cam kết sẽ đi Việt Nam. Ông chỉ hứa là sẽ đi, chứ không nói là vào giờ nào, tháng nào. Vậy thì vấn đề đặt ra là nên đi vào lúc nào.

Còn tại sao ông Obama lại đến những nước kỉa mà không đi Việt Nam? Thứ nhất là Mã Lai (Malaysia) hiện là Chủ tịch ASEAN, nên ông Obama phải đi Malaysia. Và thứ hai là qua các hành động vừa qua, Malaysia cho thấy là bắt đầu ngả về phía ủng hộ chính sách của Mỹ.

Còn Phi Luật Tân vừa là đồng minh của Mỹ, vừa là nước chủ tọa hội nghi thượng đỉnh Kinh tế Á châu Thái Bình Dương (APEC) mà Tổng thống Obama sẽ tham dự.

Còn Lào thì sẽ làm Chủ tịch ASEAN sang năm, sau khi Mã Lai hết nhiệm kỳ.

Đó là những lý do chính. Tổng thống Mỹ không có nhiều thời giờ để viếng thăm nước ngoài nếu không có lý do quan trọng.

RFI: Theo Giáo sư, khả năng ông Obama thăm Việt Nam từ nay đến khi hết nhiệm kỳ có hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Có, nhưng khi một tổng thống Mỹ đi thăm một nước nào đó, thì chuyến đi đó phải có ý nghĩa, phải mang lại kết quả mong muốn cho cả hai nước, nhất là trong khung cảnh chiến lược chuyển trục hay tái cân bằng lực lượng của Mỹ sang Á châu.

Sở dĩ mà chuyến đi không diễn ra như nhiều người dự đoán, có lẽ vì điều kiện chưa thuận lợi. Một phần khác là vì ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyền lực và hàng ngũ lãnh đạo mới chưa xuất hiện rõ ràng thì Mỹ chẳng có lợi gì khi đi thăm một nước ở trong tình trạng đó, vì như vậy sẽ không có cơ hội để bàn thảo về các dự tính chung trong tương lai, và đem lại kết quả cụ thể cho chuyến đi của mình.

RFI: Nhìn từ Mỹ thì chuyến công du Việt Nam của ông Tập Cận Bình phải chăng nhằm mục tiêu hạn chế đà xích lại gần Mỹ của Việt Nam ? Nếu là như vậy, thì ông Tập Cận Bình có thành công hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng: Quan điểm theo đó ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam để hạn chế đà xích lại gần Mỹ của Việt Nam là đúng.

Nó đúng trong khuôn khổ chiến dịch thu phục nhân tâm mới (new charm offensive) của Trung Quốc ở Á châu trong đó Việt Nam là con bài chính. Ông ấy thăm Việt Nam và các nước khác nữa, và cũng có động thái với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thế còn thành công hay không thì tôi nghĩ đó là thành công hạn chế.

Thành công là vì: 1) Trung Quốc có nhiều cái để cho như tiền bạc và cam kết không ép thêm nữa. Những lời nói “ngọt ngào” của ông ấy đã thể hiện cái đó;

2) Quan hệ giữa hai đảng (Cộng sản) vẫn còn khắng khít, cả về quyền lợi lẫn sự thoải mái với nhau.

Nhưng đây là thành công giới hạn vì : 1) Sự thù hận Trung Quốc trong đa số nhân dân Việt Nam đối với những hành động ngang ngược của Trung Quốc là background (nền tảng). Theo cuộc thăm dò ý kiến của Pew Research Center tháng 9 vừa qua, thì chỉ có 19% người Việt được phỏng vấn là có cảm nghĩ tốt về Trung Quốc trong khi đó thì 78% người Việt lại có cảm nghĩ tốt về Mỹ;

2) Nhiều người trong giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng thất vọng sâu xa với Trung Quốc, nhất là sau vụ khủng hoảng giàn khoan HD-981 năm ngoái và vụ biến đá chìm thành đảo nổi năm nay.

Những người hiểu biết ở Việt Nam cho rằng sự thất vọng và mất tin cậy của giới này quá lớn khiến cho quan hệ hai nước và hai Đảng dù có được cải thiện thế nào cũng không thể trở lại được mức độ tin cậy và thoải mái trước kia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.