Vào nội dung chính
VIỆT NAM - GIÁO DỤC

Học sinh Việt Nam: Bất ngờ thú vị từ cuộc khảo sát quốc tế PISA

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE (Organisation de coopération et de développement économiques) đã công bố kết quả cuộc khảo sát PISA 2012 thực hiện tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trên ba môn chính là Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc khảo sát, và thành tích cao của học sinh đã khiến giới nghiên cứu giáo dục phải kinh ngạc.

Học sinh Việt Nam - Ảnh minh họa
Học sinh Việt Nam - Ảnh minh họa Wikipedia
Quảng cáo

Ba năm một lần, kể từ năm 2000, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE (Organisation de coopération et de développement économiques), một tổ chức quốc tế trụ sở tại Paris đều thực hiện một cuộc khảo sát học sinh 15 tuổi trên cấp độ thế giới về một số môn học chủ yếu, mà trọng tâm là môn toán. Đó là cuộc khảo sát lấy tên tắt tiếng Anh là PISA (Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế).

Mới đây, OCDE đã công bố kết quả cuộc khảo sát PISA 2012 thực hiện tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và trên ba môn chính là Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Việt Nam lần đầu tiên tham gia cuộc khảo sát, và thành tích cao của học sinh đã khiến giới nghiên cứu giáo dục phải kinh ngạc.

Trong bài viết mang tựa đề « Bất ngờ Việt Nam tại PISA - Vietnam’s PISA Surprise), đăng trên trang mạng của chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 01/11/2015 vừa qua, hai nhà nghiên cứu Malaysia đã phải tự hỏi : « Làm thế nào mà Việt Nam đã có thể vượt qua các bất lợi kinh tế xã hội để đạt được thành tích tốt như vây ? »

Thành tích của học sinh Việt Nam trong cuộc khảo sát PISA 2012

« Thành tích của Việt Nam trong kỳ khảo sát PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) gần đây nhất đã khuấy động giới chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên tham gia chương trình khảo sát PISA vào năm 2012, các học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt được hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 17 về đọc hiểu trong số 65 nước hay vùng lãnh thổ tham gia, đặt Việt Nam ở mức cao hơn chuẩn mực trung bình của toàn khối OCDE.

Vào thời điểm mà các nước phương Tây đang nỗ lực sao chép được thành tựu của khu vực Đông Á trong giáo dục, Việt Nam đã vượt qua Mỹ, Úc, Anh về kết quả PISA. Nhờ làm được như vậy, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ đối với lập luận lâu nay cho rằng không thể đạt đến một trình độ giáo dục ưu tú nếu không có một sự phát triển kinh tế ở cấp độ cao. »

Thành tích cao dù điều kiện không thuận lợi

« Thành tích trên càng bất ngờ hơn nữa vì Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với vô số vấn đề về giáo dục tương tự như ở các nước đang phát triển khác, làm cho trình độ học tập bị thấp kém. Chẳng hạn, một số lượng đáng kể trẻ em vẫn không được học trung học; mức độ tham nhũng tệ hại hơn so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, hệ thống giáo dục đại học cũng thua xa những nước như Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Trong báo cáo gần đây « Nâng cao tay nghề cho Việt Nam : Chuẩn bị nguồn lực cho một nền kinh tế thị trường thời hiện đại », Ngân hàng Thế giới thậm chí còn cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng tư duy phê phán trong nhóm và kỹ năng giao tiếp của sinh viên đã tốt nghiệp. Giống như kết luận trong một bài báo trên tuần báo Anh The Economist, Ngân hàng Thế giới cho rằng môi trường học tập của Việt Nam quá thiếu những kỹ năng này vì lớp học chỉ thường tập trung vào việc đơn thuần tiếp thu kiến thức và “học gạo”. »

Kết quả PISA của Việt Nam đặc biệt ấn tượng nếu dựa trên khía cạnh bất lợi xã hội đối với học sinh. Theo chuyên gia Andreas Schleicher, điều phối viên PISA, « gần 17% số học sinh 15 tuổi thuộc dạng nghèo nhất Việt Nam nằm trong số 25% học sinh hàng đầu của 65 quốc gia hay lãnh thổ tham gia thi PISA »...

Nhìn chung thì năng lực của học sinh Việt Nam ngang ngửa với các bạn cùng tuổi ở Hàn Quốc, dù điều kiện xã hội khác biệt. Nói cách khác ; nếu cùng điều kiện xã hội, thì học sinh Việt Nam sẽ còn giỏi hơn nữa.

Các phân tích độc lập về kết quả học tập tại các trường lớp ở Việt Nam cũng cho thấy là thành tích của học sinh quả là ngoại lệ. Theo khảo sát của đề án Young Lives của cơ quan Oxfam, trong số 20 trẻ em 10 tuổi tại Việt Nam, có khoảng 19 em có thể làm phép cộng 4 chữ số, trong khi 85% có thể trừ phân số. Nếu so sánh với Ấn Độ, nước có thu nhập bình quân đầu người tương tự, thì có đến 47% học sinh lớp 5 không làm được toán trừ với 2 chữ số !

Các nguyên nhân giải thích thành tích của học sinh Việt Nam

« Một số nhà phân tích cho rằng thành công của Việt Nam trong cuộc khảo sát PISA bắt nguồn từ việc chính quyền đã đầu tư mạnh mẽ từ lâu vào giáo dục, với 21% khoản chi ngân sách vào giáo dục, cao hơn bất cứ thành viên OECD nào khác. Tuy nhiên, không phải đổ tiền là có kết quả tương tự, như tình trạng các nước khác trong vùng. Malaysia, láng giềng giầu có hơn Việt Nam, vẫn lẹt đẹt ở phia dưới bảng xếp hạng PISA, bất chấp hàng chục năm đầu tư mạnh vào giáo dục.

Sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên của Việt Nam trong giáo dục không chỉ là do đầu tư nguồn lực, mà là sự lựa chọn cẩn trọng về mặt chính sách, cũng như cam kết về chính trị và lãnh đạo. 

Trong một bài bình luận gần đây trên đài BBC, nhà điều phối chương trình PISA Schleicher đã đưa ra ba yếu tố được cho là góp phần vào thành tích của học sinh Việt Nam : Giới chức chính quyền biết nhìn xa, một chương trình học có trọng điểm và đầu tư vào giáo viên.

Chương trình giảng dạy, theo ông Schleicher, được thiết kế theo hướng cho phép học sinh hiểu sâu hơn về các khái niệm cốt lõi và sử dụng thành thạo những kỹ năng này, khác với khuynh hướng “trải rộng nhưng thiếu chiều sâu” ở châu Âu và Bắc Mỹ...

Bên cạnh đó, nghề giáo vẫn được đánh giá cao. Các giáo viên Việt Nam có năng lực tạo ra môi trường học tập tích cực, hun đúc thái độ lạc quan học tập của học sinh, duy trì được kỷ luật trong lớp.

Áp lực của gia đình và xã hội

Theo ông Schleicher, giáo viên ở Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ hết mức và nhiệt thành từ các bậc phụ huynh, cũng như từ xã hội vốn luôn luôn coi trọng tính cần cù và học vấn tốt. Những nhận xét trên của chuyên gia OECD cũng được chuyên gia Christian Bodewig của Ngân hàng Thế giới chia sẻ, khi ông nêu lên nguyên nhân chất lượng giáo viên cũng như kỷ luật trong lớp học ở Việt Nam.

The Diplomat cũng trích dẫn chuyên gia Javier Luque của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank) nêu lên 2 nhân tố khác :

Thứ nhất, đa số các trường học Việt Nam đều có hoạt động dạy thêm. Một ví dụ là 95% số hiệu trưởng được hỏi, đã cho biết là trường của họ cho học sinh học thêm toán, một tỷ lệ lớn thứ ba trong mẫu thăm dò của PISA.

Thứ hai, áp lực của phụ huynh muốn con cái đạt thành tích cao trong học tập rất mạnh. Việt Nam đứng hạng 8 về mặt gây áp lực cho con cái khi học tập trong số 65 nước tham gia thi PISA. Bản thân học sinh cũng muốn học tốt, ví dụ như 94% học sinh Việt Nam đồng ý với nhận xét được công trình nghiên khảo sát của PISA nêu lên, theo đó « dồn sức học toán là điều đáng phải làm nếu muốn có được nghề nghiệp như ý sau này ».

Tiền bạc không phải là tất cả

Dù vậy, lý do chính xác dẫn đến sự tiến bộ của Việt Nam về kết quả PISA vẫn còn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, dù bất cứ nguyên nhân gì, sự tiến bộ này đã gây ấn tượng mạnh nơi các chuyên gia giáo dục và giới hoạch định chính sách trong khu vực. Theo bài báo, Việt Nam được so sánh với đèn báo hiệu của hy vọng, và nên được giới hoạch định chính sách khu vực theo sát để nghiên cứu và học hỏi.

Ba nước cụ thể là Malaysia, Indonesia và Thái Lan luôn bị kẹt ở phần cuối bảng xếp hạng PISA trong nhiều năm trời. Một bài học then chốt từ trường hợp của Việt Nam là khoản chi ngân sách lớn sẽ không giúp các nước đó vươn lên nếu không kèm theo sáng kiến về mặt chính sách và sự dốc lòng học hỏi từ người khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.