Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Biển Đông: Việt Nam cần vận động dư luận và mạnh dạn tố cáo Trung Quốc

Đăng ngày:

Trong những ngày qua, có thể nói là bên cạnh hồ sơ Syria, vấn đề Biển Đông cũng nổi lên tại Hoa Kỳ thông qua một số hoạt động ngoại giao bên trong cũng như bên lề khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, chính thức mở ra hôm 28/09/2015, và nhất là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung trước đó vào ngày 25/09, nhân chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhân dịp đến New York dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang (trái) đã cố gắng đề cập đến vấn đề Biển Đông với Quốc tế.
Nhân dịp đến New York dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang (trái) đã cố gắng đề cập đến vấn đề Biển Đông với Quốc tế. REUTERS/Darren Ornitz
Quảng cáo

Nếu Biển Đông tiếp tục là một chủ đề gây bất đồng sâu đậm giữa Mỹ và Trung Quốc, và hai nhà lãnh đạo không che giấu điều đó trong cuộc họp báo chung, thì chủ đề này đã cũng đã được đề cập đến công khai trong một số tham luận đọc trên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario… hay trong một số cuộc họp bên lề Đại hội đồng như Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Mỹ-Nhật-Ấn, hội nghị ASEAN-Liên Hiệp Quốc…

Khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, với sự có mặt của đại diện hầu hết các nước trên thế giới là một cơ hội hiếm hoi để Việt Nam có thể nêu bật lập trường quan điểm của mình về Biển Đông, trong bối cảnh vùng này đang bị Trung Quốc dùng sức mạnh tìm cách thâu tóm, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các láng giềng, bất chấp nguy cơ làm cho tình hình căng thẳng, gây nên bất ổn định.

Giới quan sát đặc biệt ghi nhận bài phỏng vấn mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho hãng tin Mỹ AP, trong đó ông tố cáo hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở trên đó mà Trung Quốc đang tiến hành ở vùng Trường Sa, ngay trên một số bãi ngầm mà họ đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988, hay chiếm của Philippines vào năm 1995.

Bên cạnh đó, ngày 28/09, ông Trương Tấn Sang cũng đến nói chuyện tại Hội Châu Á, Asia Society, ở New York. Ngoài chủ đề chính là 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, buổi nói chuyện cũng đề cập đến các diễn biến đáng ngại mới đây tại Biển Đông, và Chủ tịch nước Việt Nam đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc không tôn trọng những gì đã cam kết trên vấn đề Biển Đông.

Một bài viết trên trang blog của Hội Châu Á chẳng hạn, đã nêu bật lời phản bác của ông Trương Tấn Sang đối với lập luận « Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa », được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hai lần trước đó (trong bài trả lời bằng văn bản phỏng vấn của báo Mỹ Wall Street Journal ngày 22/9, và trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 25/09). Theo Chủ tịch nước Việt Nam, thì cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Việt Nam, và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để chứng minh.

« Phải tố cáo Trung Quốc dùng võ lực giết người Việt khi chiếm Trường Sa »

Các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông đã được giới quan sát rất chú ý, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang phớt lờ những lời phản đối của nước khác để tiếp tục các công trình của họ tại Biển Đông. Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, hiện giảng dạy tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) việc đánh động dư luận quốc tế về các hành động coi thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông là điều rất cần thiết, tuy nhiên, Việt Nam cần phải năng nổ hơn nữa, phải mạnh dạn tố cáo tại các diễn đàn quốc tế các hành vi của Trung Quốc : « Dùng vũ lực chiếm đảo, giết người, và qua việc chiếm đóng, gây mất an ninh cho toàn khu vực và thế giới ».

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, lẽ ra Việt Nam nên tận dụng nhiều hơn nữa khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này để tranh thủ dư luận do việc vấn đề Biển Đông đang giành được sự chú ý nhất định.

Điểm yếu của Việt Nam là thường chỉ nêu vấn đề một cách chung chung, không dám mạnh dạn tố cáo các hành vi sai trái của Trung Quốc, và chưa quan tâm đúng mực đến nhu cầu tranh thủ người dân Mỹ, một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chính quyền Mỹ có những hành động cụ thể hơn để kháng lại tham vọng khống chế Biển Đông của Trung Quốc.

RFI : Hoạt động của Việt Nam nhân Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này có điểm gì đáng chú ý trong việc khẳng định các quan điểm của Việt Nam về Biển Đông ?

Ngô Vĩnh Long : Bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần này điểm đáng chú ý là các cuộc phỏng vấn với báo chí của Chủ tịch Trương Tấn Sang. Trong một cuộc phỏng vấn với AP (Associated Press) ngày 28 tháng 9 ông Sang có nói rằng: « Biển Đông là điểm nóng của khu vực và thế giới. Từ năm ngoái Trung Quốc ồ ạt bồi đắp các đá chìm để biến chúng thành đảo lớn. Chúng tôi cho rằng hành vi của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế. »

Ông Trương Tấn Sang cũng khẳng định Trung Quốc đã xâm phạm Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc.

Cùng ngày, trong phát biểu tại Hội châu Á ở New York, ông Sang cho biết thêm là Trung Quốc đã không giữ lời hứa và thi hành những thoả thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam : « Chúng tôi hết sức chủ động bàn với Trung Quốc rằng trong khi tìm một giải pháp lâu dài, cơ bản mà hai bên có thể chấp nhận được, thì phải kiểm soát tình hình, kiểm soát hoạt động, không thể để cho xung đột xảy ra. Ý tưởng này đã dẫn tới thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo các vấn đề trên biển đã được ký cách đây mấy năm. Rất tiếc rằng trong quá trình thực tế ở trên biển diễn ra không đúng như mong muốn của cả hai bên trong thỏa thuận về 6 nguyên tắc cơ bản. »

Đáng lý ra ông Sang có thể nói rõ thêm là Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm các đảo, giết người, và qua việc chiếm đóng này đã gây mất an ninh cho toàn khu vực và cho thế giới. Ông Sang cũng có thể đã vận động được nhiều nước trên thế giới nếu ông đã nói những việc này một cách rõ ràng ngay tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Tôi nghĩ rằng phía Việt Nam đã bỏ mất cơ hội đáng quý này.

RFI : Mỹ đã tỏ rõ ý muốn giúp Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Để ý muốn đó biến thành hành động cụ thể cần phải có những điều kiện nào ?

Ngô Vĩnh Long : Khi nhiệm kỳ của Obama mới bắt đầu, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn vận động các cơ chế của ASEAN để củng cố an ninh trong khu vực. Sau đó Mỹ vận động các các nước đồng minh như Nhật, Úc, v.v, trong việc xây dựng một cơ cấu an ninh mới.

Một trong những lý do chính là vì Mỹ ở cách xa Việt Nam và Đông Nam Á khoảng 12.000 dặm cho nên cần được các nước trong khu vực tiếp tay thì Washington mới có thể vận động dân chúng Mỹ ủng hộ chính sách « xoay trục » hay « tái cân bằng » qua Á Châu được. Nhưng cả hai việc trên đều không thành vì bị Trung Quốc chi phối các nước trong khu vực.

Cuối cùng Mỹ thấy phải có sự ủng hộ của các nước trực tiếp bị Trung Quốc đe doạ vì hồ sơ Biển Đông, trong đó Việt Nam là nước bị thiệt hại lớn nhất. Đó là một trong những lý do tại sao từ năm 2010 đến nay Mỹ càng ngày càng tìm cách nâng cấp quan hệ với Việt Nam, kể cả việc mời ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ gặp Tổng Thống Obama để thuyết phục dân chúng hai nước là trong hiện tại, lợi ích của hai nước lớn hơn những vấn đề lịch sử còn tồn tại và những khác biệt về ý thức hệ.

Công khai vạch mặt Trung Quốc trước công luận mỗi khi có sự cố

RFI : Việt Nam nên làm những gì để Mỹ có thể thực sự có hành động ?

Ngô Vĩnh Long : Việt Nam có thể làm rất nhiều việc cụ thể - trong đó có các vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh chung trong khu vực - để giúp Chính quyền Mỹ dùng những hành động cụ thể này của Việt Nam để vận động sự ủng hộ của dân chúng Mỹ.

Thêm vào đó, thì mỗi lần có một sự cố gì gây mất an ninh trong khu vực là Việt Nam nên tranh thủ quần chúng thế giới bằng cách nói rõ cho mọi nước trên thế giới biết là Trung Quốc đang làm cái gì.

Việt Nam cũng nên vận động các nước như Philippines, Malaysia, Brunei, và kể cả Singapore, cùng nói lên những cái đe dọa của Trung Quốc trong khu vực.

Nếu Việt Nam làm được điều đó, thì sẽ giúp Mỹ rất nhiều trong việc có thể có những hành động cụ thể giúp lại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Cho nên vai trò vận động dư luận thế giới của Việt Nam rất quan trọng, và nếu mà Việt Nam không nói rõ mà ỡm ờ, thì sẽ làm khó, không những cho Mỹ, mà cho cả các nước khác trong khu vực.

RFI : Vấn đề quan trọng đối với Việt Nam như vậy là vận động được dư luận thế giới, nhưng việc này còn yếu ở những điểm nào ?

Ngô Vĩnh Long : Trước hết là Việt Nam vẫn còn nói chung chung và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Ví dụ như vừa rồi khi ông Sang đến Mỹ chẳng hạn, Việt Nam không những là bỏ mất cơ hội nói thẳng ở Liên Hiệp Quốc, mà cả khi gặp các nhà làm chính sách ở Mỹ, hay là các nhóm tài phiệt, thì lẽ ra Việt Nam nên nói thẳng là tại sao Việt Nam ủng hộ hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và Việt Nam ủng hộ trên những điểm nào.

TPP cũng là một cách tạo nên cơ cấu an ninh chung

Lý do là vì TPP không chỉ là một vấn đề kinh tế. Ông Obama và giới làm chính sách tại Mỹ đã nói nhiều lần rằng TPP cũng là một cách tạo nên một cơ cấu an ninh chung : Khi một trong số 12 thành viên của khối bị một nước nào đó đe dọa, thì các thành viên khác có bổn phận bảo vệ quyền lợi chung.

Theo tôi, Việt Nam nên giúp Mỹ sao cho hiệp định TPP được thông qua một cách êm đẹp. Đó cũng là một cái lợi cho Việt Nam.

RFI : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi thăm Mỹ đã tiếp xúc với giới đại tài phiệt Mỹ trước khi đến gặp Tổng thống Obama. Vấn đề vận động giới tài phiệt quan trọng như thế nào trong tình hình hiện nay ?

Ngô Vĩnh Long : Việc vận động giới tài phiệt rất quan trọng, vì giới này cũng đang bị Trung Quốc chi phối, làm áp lực rất nhiều trên họ, trong lúc tình hình bên Trung Quốc cũng rất khó khăn cho nhiều hãng và công ty của Mỹ.

Nếu Việt Nam vận động được các công ty và hãng này, nói rằng Việt Nam sẽ có những chính sách cởi mở, để sau khi TPP được thông qua, thì các công ty này có thể vào Việt Nam đầu tư một cách ổn định, thì điều đó cũng là một vấn đề rất tốt cho Việt Nam.

Đầu tư ổn định nghĩa là Việt Nam hứa sẽ bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền của công dân, để cho không xẩy ra căng thẳng, gây mất ổn định. Theo tôi, đó cũng là một vấn đề tốt cho giới tài phiệt, và giới này có thể làm áp lực đối với Nhà Trắng, đối với các cơ quan làm chính sách bên Mỹ.

Đúng là Trung Quốc khôn ngoan trên vấn đề này. Lãnh đạo Trung Quốc sang Mỹ gặp giới này, rồi đưa tiền ra, đưa lợi ích tài chánh ra để dụ dỗ… Tuy nhiên, theo tôi, đối với người Mỹ, vấn đề đó không phải là rất cấp thiết, bởi vì Mỹ có những vấn đề có thể nói là mang tính chất ý thức hệ, quan trọng hơn vấn đề tiền bạc đơn thuần !

Vận động nhân dân Mỹ để hỗ trợ cho chính quyền Mỹ

Do đó, nếu Việt Nam biết vận động giới tài phiệt, và cùng lúc vận động luôn dân chúng Mỹ, thì đây là vấn đề rất có lợi cho Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam không làm hay ít làm công việc vận động nhân dân Mỹ. Việt Nam thường chỉ chờ các cơ quan làm chính sách của Mỹ đưa ra biện pháp. Tôi nghĩ rằng như vậy chưa đủ, vì các cơ quan làm chính sách ở Mỹ, kể cả Nhà Trắng, đều cần đến sự ủng hộ của nhân dân Mỹ, hay là của các nước như Việt Nam, (nếu muốn có hành động cụ thể trên Biển Đông).

RFI : Đâu là điểm cần nhấn mạnh ?

Ngô Vĩnh Long : Những gì Việt Nam đã làm trong những năm qua đều rất tốt. Nhưng không nên nói chung chung, mà nên vận động dư luận quần chúng… và nên nói thẳng thừng để cho mọi người đều hiểu.

Chứ nói chung chúng thì dân chúng, đặc biệt là dân chúng Mỹ, sẽ không hiểu tại sao mà nước họ, chính phủ họ, phải sang giúp Việt Nam, là một cựu thù của Mỹ. Phải giải thích cho dân chúng Mỹ biết rằng tại sao hiện nay lợi ích hai bên rất gần nhau, tại sao Mỹ và Việt Nam nên có những quan hệ tốt hơn, để giúp bảo vệ an ninh và hòa bình, không chỉ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn cho cả thế giới.

13:17

Giáo sư Ngô Vĩnh Long- Hoa Kỳ

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.