Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Kinh tế tư nhân yếu, chứng khoán không thể mạnh

Đăng ngày:

Mặc dù đã khởi sắc trở lại trong thời gian gần đây nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có vẻ khả quan hơn, nhưng do những yếu tố nội tại mà thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thật sự cất cánh để trở thành nơi thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước. RFI phỏng vấn chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn

Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Reuters
Quảng cáo

Ngày 23/09/2015, tập đoàn báo chí Caixin công bố chỉ số PMI tạm thời cho thấy là hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 này đã giảm mạnh, xuống đến mức thấp nhất từ 6 năm rưỡi qua. Ngay sau khi có báo cáo này, chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải lại sụt giảm, kéo theo các trường chứng khoán khác ở châu Á.

Từ tháng 6/2015 đến nay, chỉ số của các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm gần 40% và tình trạng này đã tác động đến nhiều thị trường chứng khoán thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Nhưng trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lại không bị ảnh hưởng nhiều. Không những thế, chỉ số của các sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đã tăng trở lại trong thời gian gần đây, nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có vẻ khả quan hơn.

Đáng chú ý nhất là mức giảm của lạm phát. Ngày 24/09 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết là trong tháng này, mức lạm phát đã giảm xuống còn 0% và như vậy là từ đầu năm đến nay, giá cả ở Việt Nam tăng chưa tới 1%, trong khi suốt 5 năm, cho đến 2014, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trung bình là hơn 9%. Thật ra thì kết quả này có được phần lớn chính là do giá dầu trên thế giới giảm mạnh, nhưng dầu sao lạm phát giảm là điều tốt, vì như vậy thì sức tiêu thụ nội địa tăng theo. Mức lạm phát thấp là một trong những yếu tố khiến Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016.

Việt Nam cũng đang hấp dẫn trở lại các nhà đầu tư. Theo số liệu của bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết đầu tư ngoại quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư ngoại quốc thì được xem là nhân tố quan trọng của sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong một bài báo đăng trên mạng ngày 14/07, tờ The Wall Street Journal cho biết là các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bị thu hút bởi thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi chính phủ Hà Nội vào tháng 6 bất ngờ ra quy định mới nâng mức giới hạn về sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường chứng khoán, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 này. Cũng theo The Wall Street Journal, những nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam đang chờ đợi những mối lợi to lớn từ làn sóng đầu tư ngoại quốc vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, chính là do những yếu tố nội tại mà thị trường chứng khoán Việt Nam cho tới nay chưa thật sự cất cánh để trở thành nơi thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước.

Một trong những nguyên nhân đó là tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn còn rất chậm. Vào cuối tháng 6 vừa qua, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp cho biết là, trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 61 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa. Như vậy, so với kế hoạch 289 doanh nghiệp sẽ được tiến hành cổ phần hóa trong năm nay, thì nửa đầu năm mới thực hiện được 21% kế hoạch.

Bên cạnh đó, doanh nhiệp tư nhân cũng chưa thật sự được đối xử bình đẳng và còn gặp rất nhiều rào cản, như lãi suất cao, thuế má nặng, chi phí sản xuất đắt đỏ, nên chưa có thể phát triển thành một yếu tố chủ chốt trong nền kinh tế Việt Nam, vẫn được định nghĩa là nền kinh tế “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó kinh tế Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Một khi mà khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh, thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn chưa thể trở nên sôi động, đó là nhận định chung của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn ngày 23/09/2015.

10:24

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.